Biển đảo Việt Nam

Trở lại Bàn Than

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bàn Than là cảnh đẹp của vùng biển quê tôi-Núi Thành-Quảng Nam. Đó là những vỉa đá màu đen tuyền như than choài mình ra đại dương, chạy dài gần 4 km từ bãi Bắc đến bãi Nồm với nhiều mô đá nhô cao tạo ra những hình thù kỳ quái mà trong dân gian gọi là ông Đụn-bà Che.

Nó gắn liền với ký ức tuổi thơ trong những lần dã ngoại cùng thầy-cô giáo và bè bạn. Hơn nữa nơi đây cũng là quê hương của dòng tộc phía ngoại tôi, xứ Tam Hải (Kỳ Hòa cũ) đầy dừa và cá biển. Có những ngày hè, tôi hay lang thang khắp vùng xứ biển này cùng với cậu Xô, cậu Vinh, dì Nghị, chị Tâm… được uống nước dừa mát rượi, ăn cua biển thơm và béo ngậy, nhớ đời.

 

Ghềnh đá Bàn Than thuộc địa phận làng chài Tam Hải.
Ghềnh đá Bàn Than thuộc địa phận làng chài Tam Hải.

Ngày xưa, tôi muốn về xứ Bàn Than thì thường theo nậu ghe đi buôn bán từ chợ Trạm-Tam Hiệp rồi xuôi theo sông Trường Giang chảy về cửa Kỳ Hà; hành trình trên sông nước hơn một giờ đồng hồ mới cập bến bán đảo Tam Hải.

Có lẽ cách xa đến hơn một phần tư thế kỷ, tôi mới có dịp cùng với Phan Công Vĩnh-người bạn học từ thời Trung học Lý Tín trở lại Bàn Than. Chúng tôi đi đường bộ, từ thị trấn Núi Thành chạy về hướng biển, qua phà cửa Kỳ Hà là chạm đến đất Tam Hải. Chiếc phà cũ kỹ bao năm nay vẫn vậy, cứ lầm lũi đưa người vượt cửa Trường Giang để tạo mạch máu giao thông với bán đảo Tam Hải, một xã biển nghèo, chưa có lối ra. Đi qua nhiều thôn xóm, chúng tôi đến bãi Nồm Bàn Than vào buổi chiều hè khi mặt trời đã bớt độ gay gắt. Vẫn còn đó một bãi biển hoang sơ như ngày nào; những hàng dừa thân thương vẫn đung đưa vẫy chào như mời gọi biển xanh; cái mùi ngai ngái nồng mặn đặc trưng của xứ biển Tam Hải bao năm rồi vẫn chưa phai; những vỉa huyền thạch quen thuộc vẫn trườn mình ra biển nô đùa bên sóng như chưa có thời gian đi qua.

Chúng tôi bước đi, leo trèo qua các mô đá nhấp nhô một cách lặng thầm, chậm chạp để tìm lại chút dấu xưa. Bạn Vĩnh loay hoay tìm nhặt những hòn cuội bóng nhẵn bên các khe nước, có tiếng sóng vỗ bì bộp, khiến tôi nhớ đến câu thơ của ai đó trong nhóm bạn đi picnic ở chốn này năm nào: Đá vẫn không sờn theo năm tháng/nghìn năm gió hát khúc hoan ca/nét thơ còn đọng trên đầu sóng/thầm thĩ muôn đời với dấu yêu/Bàn Than in bóng ai năm ấy/tình vẫn đong đầy chốn bể sâu… Lời thơ nghe ra không phải của đám học trò tinh nghịch chúng tôi mà là âm hưởng của người thơ đầy tâm trạng với kỷ niệm khó phai mờ bên những vỉa đá tưởng chừng câm nín nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của tình yêu.

Ngày xưa, nhóm học trò trung học chúng tôi thường có những chuyến picnic cuối tuần đến Bàn Than qua ngõ bãi Bắc đầy lãng mạn. Nơi đây có những vỉa đá đen xòe ra như mái nhà tạo khoảng không gian tự nhiên mát mẻ, có thể ngồi chơi ngắm biển thỏa thê mà không sợ cái nắng hè u đầu của miền Trung. Chúng tôi thường chia nhau từng nhóm bạn, có nam có nữ tự tìm lấy những hốc đá cho mình để tâm sự, hát hò vui vẻ và cùng nhau ăn buổi trưa đạm bạc được chuẩn bị sẵn mang theo. Các bạn nữ thường lang thang bên các ghềnh đá sát biển để tìm nhặt vỏ sò, vỏ ốc, hay những hòn cuội nhỏ đen tuyền làm quà của biển. Các chàng trai chúng tôi tự tìm đến những bãi tắm sạch, an toàn để đằm mình trong nước mặn, thưởng thức cái nồng nàn, diệu vợi của biển. Những phút giây thần tiên ấy đã mãi mãi in sâu vào ký ức của một thời học sinh thơ mộng. Cho đến hôm nay, những cô cậu học trò năm ấy nay mái đầu đã điểm hoa râm nhưng khi nhìn lại tấm hình kỷ niệm ngày xưa trong các lần picnic vẫn cười nắc nẻ, hồn nhiên như được sống lại với tuổi thơ đầy vụng dại, hay nhớ trộm thương thầm…

Lội chưa hết bãi Nồm Bàn Than thì mặt trời đã tắt dần, biển lại hun hút gió, những chiếc thuyền câu đang chuẩn bị rời bến cho một ngày đánh bắt mới. Hòn Thơm phía xa xa đang hiện hình trên biển như chờ đợi những con thuyền vươn khơi. Chúng tôi rời Bàn Than trong dang dở, luyến lưu. Hai đứa bạn lại kể cho nhau bao kỷ niệm thời xa vắng…

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm