Tỷ giá USD và những tác động đến nền kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong thời gian ngắn, giá USD trên thị trường biến động liên tục do tăng tỷ giá, điều đó đã có những tác động đến nền kinh tế. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cư- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai đã có cuộc trao đổi với Báo Gia Lai.
* Ông có thể cho biết tỷ giá tăng tác động như thế nào đến kinh tế của tỉnh?
- Ở một khía cạnh nhỏ, tỷ giá đã tác động đến các doanh nghiệp có tham gia hoạt động xuất nhập khẩu: Thứ nhất, doanh nghiệp xuất khẩu được lợi vì nguồn USD thu về; thứ hai, tỷ giá tăng khuyến khích hoạt động xuất khẩu, mà trước đây nhiều doanh nghiệp không mặn mà do lợi nhuận đem lại từ hoạt động này không cao hơn việc mua bán trên thị trường nội địa. Ngược lại, với doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, máy móc, thiết bị thì khó khăn. Khi tỷ giá tăng, giá hàng nhập khẩu sẽ tăng, do đó kéo theo hàng hóa trong nước tăng, chỉ số giá tiêu dùng khó đạt mục tiêu kiềm giữ và có nguy cơ lạm phát.
Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác
Mặt khác, khi tỷ giá biến động và chiều hướng tăng, rõ ràng đồng tiền nội tệ bị mất giá, người dân đổ xô đi mua USD để tích trữ, sẽ góp phần làm cho đồng ngoại tệ căng thẳng hơn… Và, còn nhiều tác động khác nữa ở chính sách tiền tệ. Suy cho cùng, khi tỷ giá ngoại tệ tăng, cụ thể là giá USD tăng trong thời gian qua tác động nhiều mặt đến nền kinh tế.   
* Thời điểm cuối năm là lúc nguồn USD thường khan hiếm, do đó khi tỷ giá tăng có ảnh hưởng như thế nào?
- Tại hệ thống các ngân hàng ở Gia Lai thì gần như việc này không diễn ra. Ngân hàng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay USD của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vay theo cam kết. Thường những doanh nghiệp vay USD là để nhập khẩu thiết bị, máy móc hoặc là doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Với một thị trường kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm khoảng trên dưới 150 triệu USD, tỷ lệ nhập khẩu cũng chiếm phần ít trong số kim ngạch này nên đây không phải thị trường rộng lớn, do đó khả năng cung ứng USD của các ngân hàng cho doanh nghiệp không khó.
Hiện tổng nguồn vốn huy động ngoại tệ (đã quy đổi tiền đồng) của các ngân hàng đạt 522 tỷ đồng, dư nợ vay ngoại tệ quy đổi ra tiền đồng là 718 tỷ đồng. Có chăng khan hiếm là ở chỗ thị trường chợ đen, bởi lúc này có thể họ bán để các doanh nghiệp mua hoàn vốn vay cho ngân hàng khi đến kỳ đáo hạn. Hoặc, tạo ra sự khan hiếm để thị trường này làm giá.
* Giá USD thị trường chợ đen cao hơn mức giá ở các ngân hàng rất nhiều, vậy Ngân hàng Nhà nước cùng với các ngành chức năng kiểm soát như thế nào, thưa ông?
- Hiện tỷ giá liên ngân hàng là 18.932 đồng/USD, các ngân hàng thương mại được phép mua bán trong biên độ dao động là 3%. Do đó giá mua vào phổ biến là 19.495 đồng, giá bán ra 19.500 đồng. Giá USD trên thị trường chợ đen  dao động khoảng 20.500 đồng, cao hơn giá bán ở ngân hàng tới 1.000 đồng/USD, và khả năng là cao hơn nữa nếu nhu cầu tăng. Thị trường USD chợ đen khó mà kiểm soát nổi, không chỉ ở Gia Lai mà gần như ở đâu cũng vậy. Việc kiểm soát cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi nhiều lý do như hoạt động thường là lén lút theo kiểu “thuận mua vừa bán”, trừ những địa điểm được làm đại lý thu đổi ngoại tệ cho ngân hàng.
Một mặt, do nhu cầu mua ít, khoảng vài trăm USD nên người có nhu cầu thường đến những địa chỉ chợ đen mua cho tiện, tránh phiền hà trong việc khai báo mục đích sử dụng ngoại tệ. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam những tổ chức nào, doanh nghiệp nào, cá nhân nào được mua USD đã rõ. Còn mua từ thị trường chợ đen lại vô cùng dễ dàng, từ đó cũng góp phần làm cho thị trường này tồn tại và hoạt động mạnh hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Thảo Nguyên (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm