Bảo tồn và phát triển bền vững: Hệ di sản khảo cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những phát hiện, nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, Gia Lai là vùng đất nhiều về số lượng di tích, phong phú về loại hình, đa dạng về văn hóa.

Đây là nguồn sử liệu đáng tin cậy để phác thảo diễn trình lịch sử văn hóa của các cộng đồng cư dân trên đất Gia Lai, là điểm đến hấp dẫn của du lịch văn hóa. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các di tích khảo cổ này vẫn chưa được khai thác đầy đủ giá trị di sản vốn có của chúng.

Từ sơ kỳ Đá cũ An Khê đến các di tích văn hóa tiền sử kế tiếp

Nghiên cứu hệ thống 30 di tích với hàng ngàn di vật, các nhà khảo cổ học Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Nga đã xác nhận, An Khê là vùng đất cư trú của cộng đồng cư dân cổ cách nay khoảng 80 vạn năm. Đó là văn hóa của cộng đồng người đứng thẳng, tổ tiên trực tiếp của người hiện đại. Phát hiện này không chỉ là tư liệu xác nhận sự hiện diện các cộng đồng cư dân sớm trong bản đồ lịch sử nhân loại trên lãnh thổ Việt Nam mà còn là bằng chứng vật chất đánh dấu mốc mở đầu của lịch sử Việt Nam.

Các hố khai quật tại di tích Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê) được làm mái che để bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan, nghiên cứu. Ảnh: Hoàng Ngọc

Các hố khai quật tại di tích Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê) được làm mái che để bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan, nghiên cứu. Ảnh: Hoàng Ngọc

Xung quanh An Khê, mới đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện một loạt các di tích văn hóa tiền sử, mang dấu ấn phát triển cao hơn và kế tiếp kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê. Đó là các di tích hậu kỳ Đá cũ, cách nay vài chục vạn năm, tìm thấy trên thềm cổ sông Ba, thuộc các huyện Kbang, Đak Pơ và thung lũng Phú Thiện. Trong hệ thống di tích hậu kỳ Đá cũ này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số công cụ đá ghè đẽo thô sơ, tiêu biểu như: công cụ mũi nhọn, rìa lưỡi ngang, rìa lưỡi dọc, phần tư viên cuội. Riêng ở Phú Thiện còn tìm thấy những mũi nhọn tam diện, rìu tay kích thước nhỏ, công cụ làm từ gỗ hóa thạch. Tư liệu này cho thấy, tiền sử Gia Lai có sự phát triển liên tục từ kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê đến hàng loạt các di tích hậu kỳ Đá cũ dọc đôi bờ thượng lưu sông Ba. Có thể nói, một nền văn minh sông Ba đã nảy sinh từ rất sớm và phát triển liên tục, đại diện cho một cơ tầng văn hóa tiền sử cổ xưa của nhân loại, một chương mở đầu cho bình minh của lịch sử dân tộc.

Bước vào thời đại Đá mới, thời đại con người sống định cư, làm chủ kỹ thuật mài công cụ đá, chế tạo đồ gốm và bắt đầu sản xuất nông nghiệp sơ khai, có niên đại từ 7.000 năm đến 4.500 năm cách ngày nay. Những di tích văn hóa của thời kỳ này đã tìm thấy ở đôi bờ sông Ia Mơr, như các di tích Làng Gà 5, Làng Gà 6, Làng Gà 7 (huyện Chư Prông). Nét đặc thù của cư dân ở đây là sống định cư, vừa săn bắt, hái lượm, vừa canh tác nông nghiệp, nhưng bước đầu liên kết thành các nhóm chuyên chế tác công cụ dạng công xưởng sơ khai. Dấu tích các công xưởng ở đây cho thấy, người xưa đã sử dụng đá bazan, đá chert có độ cứng cao chế tác ra các công cụ có hình dáng ổn định, tiêu biểu như rìu hình bầu dục, rìu ngắn, nạo hình đĩa và rìu mài lưỡi. Những công cụ này gợi cảm về nguồn gốc bản địa, từ văn hóa Hòa Bình ở Bắc Việt Nam.

Cộng đồng cư dân giai đoạn hậu kỳ Đá mới-sơ kỳ Kim khí Tây Nguyên, từ 4.500 năm đến 3.000 năm cách ngày nay đã được xác lập trên đất Gia Lai, là nền văn hóa mang tên Biển Hồ ở TP. Pleiku. Cư dân giai đoạn này phân bố từ vùng núi cao Chư Prông đến cao nguyên Pleiku và vươn xuống thung lũng sông Ba vùng Kông Chro. Các cộng đồng cư dân ở khu vực này có mặt bằng phát triển tương đối đồng đều nhau, đó là những cư dân định cư sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chế tác và sử dụng công cụ đá mài toàn thân, tiêu biểu là những lưỡi đá cuốc to lớn, sắc bén, những chiếc rìu có chuôi tra cán gọi là rìu có vai, hoặc những lưỡi bôn đá có thân hình răng trâu rất đặc thù, cùng những viên đá gia trọng tra vào gậy chọc lỗ, những bàn mài lõm hình lòng chảo, những chiếc chày và bàn nghiền hạn.

Vào giai đoạn này, trên đất Gia Lai đã xuất hiện 2 trung tâm chuyên chế tác công cụ đá. Đó là công xưởng chế tác bôn hình răng trâu ở Ia Mơr (huyện Chư Prông) và công xưởng ở làng HLang (xã Yang Nam, huyện Kông Chro). Nếu công xưởng Ia Mơr chuyên chế tác cuốc và bôn hình răng trâu bằng đá phtanite (sét bột kết) mà sản phẩm đã cung cấp cho cư dân trên cao nguyên Pleiku là chính thì công xưởng HLang lại chuyên chế tác rìu có vai bằng đá bán quý opal cung cấp cho cư dân thượng lưu sông Ba và một phần phía Đông Nam cao nguyên Pleiku. Trong mỗi công xưởng thời này, mức độ chuyên môn hóa khác nhau nhưng đã xuất hiện sự phân công lao động nội bộ, cung cấp sản phẩm cho một số vùng, tạo sự phát triển tương đối đồng đều trong vùng. Đây là tiền đề cho cư dân nơi này bước vào ngưỡng cửa của văn minh.

Khi phát triển sang thời đại kim khí, các nhà khảo cổ đã phát hiện ở thượng nguồn sông Ba một số lò luyện sắt, lò luyện kim và chế tác đồ đồng. Tiêu biểu là khuôn đúc rìu đồng bằng đá được tìm thấy từ khuôn hai mang. Mặt âm khuôn cho thấy, đây là khuôn đúc rìu đồng có họng tra cán, thân rìu hình hyperbol, hai góc nhọn, lưỡi con đều, một loại rìu đồng đặc trưng cho nền văn minh miền Đông Nam Bộ.

Trống đồng, một loại hình nhạc cụ nổi tiếng của văn hóa Đông Sơn đã tìm thấy trên khắp Tây Nguyên. Ở Gia Lai, trống đồng đã tìm thấy ở An Thành, huyện Đak Pơ. Đây là những trung tâm văn hóa thời đại kim khí lớn nhất Tây Nguyên lúc bấy giờ.

Vấn đề bảo tồn và khai thác di sản khảo cổ

Những phát hiện, nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, Gia Lai là vùng đất nhiều về số lượng di tích, phong phú về loại hình, đa dạng về văn hóa. Đây là nguồn sử liệu đáng tin cậy để phác thảo diễn trình lịch sử văn hóa của các cộng đồng cư dân trên đất Gia Lai, là điểm đến hấp dẫn của du lịch văn hóa. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các di tích khảo cổ này vẫn chưa được khai thác đầy đủ giá trị di sản vốn có của chúng. Hầu hết các di tích đều nằm trong đất nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc canh tác hiện nay bằng các phương tiện cơ giới trong khi tầng văn hóa nằm không sâu dưới lòng đất nên đa số các di tích bị đào xới, xáo trộn, xâm hại. Ngoài ra, hàng chục di tích khảo cổ khác đang nằm dưới mặt nước trong vùng lòng hồ các thủy điện lớn như: Ia Ly, Plei Krông, An Khê-Ka Nak nên khả năng bị xóa sổ rất cao.

Việc bảo tồn và khai thác di sản khảo cổ cần có sự tham gia của các nhà khoa học, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và đồng thuận của người dân sở tại. Ảnh: Hoàng Ngọc

Việc bảo tồn và khai thác di sản khảo cổ cần có sự tham gia của các nhà khoa học, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và đồng thuận của người dân sở tại. Ảnh: Hoàng Ngọc

Riêng An Khê, khu di tích khảo cổ được khai quật gắn liền với bảo tồn và khai thác di sản đã đạt một số kết quả bước đầu. Ngay trong thời gian khai quật, thị xã đã xây dựng được nhà bảo tồn tại chỗ và khai thác giá trị di sản như ở Rộc Tưng 1 và Rộc Tưng 4. Toàn bộ các dấu tích hoạt động của người xưa trong tầng văn hóa nguyên vẹn được bảo vệ trong nhà mái che kiên cố. Xung quanh hố khai quật là các chỉ dẫn bằng ảnh toàn bộ các hoạt động khai quật nghiên cứu, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế về di tích được trưng bày. Hàng năm, các di tích này vẫn được tiếp tục khai quật, làm điểm tham quan trao đổi học thuật, trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử văn hóa cổ xưa nhất của nhân loại và tìm hiểu công việc khai quật của các nhà khảo cổ.

Cũng tại An Khê, một nhà bảo tàng trưng bày cố định về kỹ nghệ An Khê được xây dựng. Phần trưng bày này đã tái hiện được toàn bộ câu chuyện về mô thức cư trú, chiến lược khai thác thức ăn, chế tác công cụ, săn bắt, hái lượm, ứng xử của con người qua mộ táng, nguồn gốc chủ nhân và giá trị lịch sử văn hóa nổi bật của kỹ nghệ An Khê trong bản đồ khảo cổ học Việt Nam và trên thế giới. Đặc biệt, ở đây đã giới thiệu 10 bảo vật quốc gia cùng các di tích và di vật tiêu biểu của Di tích cấp quốc gia đặc biệt Rộc Tưng-Gò Đá vừa được Chính phủ công nhận năm 2023.

Một vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và khai thác hợp lý di sản khảo cổ hiện nay, gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Gia Lai nói chung, An Khê nói riêng. Lâu nay, việc khai quật các di tích là do các nhà khảo cổ, việc bảo vệ là của cán bộ văn hóa ở địa phương, còn việc khai thác giá trị di sản khảo cổ lại do các nhà du lịch. Sự tách bạch khô cứng này làm giảm đi giá trị vốn có của di sản. Do đó, giải pháp đầu tiên là tiến hành đồng thời, đồng bộ cả 3 khâu này cùng với việc tuyên truyền sâu rộng về di sản khảo cổ trong cộng đồng dân cư.

Với các di tích cấp quốc gia đặc biệt, cần chuyển đổi cây trồng từ mía, mì và các cây công nghiệp khác sang giống cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng; nâng cao đời sống cho người dân ở đây và bảo vệ được tính nguyên vẹn của di sản dưới lòng đất. Trong dự án sắp tới, các di tích khảo cổ ở An Khê sẽ được gắn với các công trình phúc lợi của người dân, gắn với văn hóa truyền thống bản địa, gắn với Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, công viên địa chất toàn cầu và nơi đây sớm trở thành một trung tâm văn hóa du lịch về nguồn gốc loài người mang tầm quốc gia và quốc tế.

Việc bảo tồn và khai thác di sản khảo cổ cần có sự tham gia của các nhà khoa học, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và đồng thuận của người dân sở tại. Trong các nhân tố ấy, sự đồng thuận và tham gia tự giác của người dân là yếu tố quan trọng nhất, đúng với tinh thần bảo vệ di sản khảo cổ.

Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị di sản khảo cổ cho người dân và tạo cho họ được hưởng lợi chính đáng từ khai thác di sản. Có như vậy, người dân mới tham gia tự nguyện và sáng tạo ra các hình thức bảo vệ phù hợp, khai thác bền vững. Đồng thời, cần đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý di sản khảo cổ vừa giỏi chuyên môn, vừa gắn kết với nghề. Làm được như vậy mới khai thác một cách khoa học di sản văn hóa mà tổ tiên để lại, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở Gia Lai và cả Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm