Gia Lai là tỉnh trung tâm ở Bắc Tây Nguyên, có liên kết dọc ngang với duyên hải miền Trung và Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; có liên kết rừng-biển, liên kết nội vùng. Đánh thức tiềm năng, lợi thế này ngay từ bây giờ là cơ hội thực hiện thành công Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hoàn thành những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đặc biệt là hiện thực Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Du khách khám phá thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc |
Thực tiễn phát triển đặt ra vấn đề: Một địa phương, một tỉnh không thể phát huy tối đa lợi thế, hiệu quả của khoa học công nghệ, hạ tầng, nguồn nhân lực; hay tự giải quyết hạn chế, bất cập như ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn lực; hoặc sự giẫm đạp lợi thế của nhau, chạy theo lợi ích trước mắt… Thực tiễn đòi hỏi từng địa phương, từng vùng phải đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ nhau, phát huy tiềm năng, tránh “mạnh ai nấy làm”, thiếu định hướng dài hạn. Người dân Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung thấm thía bài học đua nhau trồng cà phê, hồ tiêu, cao su khi nó được giá, thiếu tầm nhìn thị trường và tính khoa học, nên không đo lường hết hậu quả. Vì thế, sau một thời gian phải trả giá khá đắt.
Gia Lai vừa được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu là xây dựng tỉnh thành cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe. Theo đó, đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả bền vững: là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên, là vùng động lực trong khu vực Tam giác phát triển; là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn hiện đại và hội nhập.
Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái hiện đại, thông minh, nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp thân thiện môi trường. Phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng các chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân. Đưa du lịch trở thành nền kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên.
Xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Đưa du lịch trở thành nền kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. |
Để phát triển bền vững, cần có hạ tầng đồng bộ và kết nối, như đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Lệ Thanh; mở rộng Cảng Hàng không Pleiku; phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ logistics, thúc đẩy chuyển đổi số. Thành phố Pleiku liên kết với TP. Kon Tum để trở thành trung tâm động lực kinh tế-xã hội tiểu vùng Bắc Tây Nguyên. Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh là mắt xích logistics, văn hóa, du lịch quan trọng trong hành lang xuyên Á Đông-Tây, cửa ngõ kết nối Nam Trung Bộ-Tam giác phát triển. Ngành du lịch tập trung đầu tư phát triển sản phẩm: du lịch nghỉ dưỡng-chữa bệnh-chăm sóc sức khỏe-thể thao; du lịch sinh thái-mạo hiểm; du lịch văn hóa-di tích lịch sử…
Cơ chế chính sách là tăng cường liên kết với các nước Campuchia, Lào, Thái Lan trong xuất-nhập khẩu hàng hóa, đầu tư vào Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Thiết lập mối quan hệ mới với một số tỉnh, thành phố trong nước đang có thế mạnh trong hợp tác phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.
Mở rộng hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế. Phối hợp phát triển du lịch giữa Gia Lai với các tỉnh lân cận và các tỉnh Tây Nguyên. Hợp tác kết nối với các tỉnh Tây Nguyên trong phát triển công nghiệp chế biến nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu chung, trồng và chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp như cao su, cà phê; cây dược liệu, cây ăn quả; chăn nuôi đại gia súc như bò thịt, bò sữa; trồng và bảo vệ rừng.
Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh là mắt xích logistics, văn hóa, du lịch quan trọng trong hành lang xuyên Á Đông-Tây, cửa ngõ kết nối Nam Trung Bộ-Tam giác phát triển. Ảnh: Đức Thụy |
Mục tiêu lớn, nhiệm vụ nặng nề, thời gian thực hiện không dài, trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Vì vậy đòi hỏi các ngành, các cấp và từng cá nhân nỗ lực, sáng tạo, thực hiện quyết liệt trong từng nhiệm vụ. Cả hệ thống chính trị đồng tâm nhất trí thực hiện mục tiêu chung vì sự thịnh vượng và an lành của người dân, chắc chắn mục tiêu mà chúng ta đề ra sẽ sớm thành hiện thực.