Hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng động lực Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”; trở thành điểm đến xanh, giàu bản sắc vì mục tiêu sức khỏe con người; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn trên cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Gia Lai đang tập trung phát triển kinh tế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, phát triển nguồn nhân lực. Những giải pháp này được triển khai quyết liệt, đồng bộ nhằm từng bước khẳng định vị thế của tỉnh nhà, hiện thực hóa khát vọng đưa Gia Lai thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên.

“Kim chỉ nam” để bứt tốc

Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh. Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề ra mục tiêu giúp các tỉnh Tây Nguyên khắc phục tồn tại, hạn chế để tiếp tục tăng tốc, bứt phá về kinh tế-văn hóa-xã hội; đồng thời đem lại những cơ hội để Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Huyền Tỷ

Đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Huyền Tỷ

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cho biết: Đảng bộ tỉnh xem Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị là “kim chỉ nam” cho mọi định hướng phát triển. Do vậy, tỉnh đã nghiêm túc triển khai quán triệt nội dung Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15-11-2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản có liên quan để tạo sự thống nhất trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

Ngày 13-7-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 63-Ctr/TU thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW với những quan điểm, mục tiêu, định hướng mang tính đột phá và tầm nhìn dài hạn để tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Chương trình đề ra nhiều mục tiêu đến năm 2030, Gia Lai có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,57%/năm; tỷ trọng ngành nông-lâm-thủy sản, công nghiệp-xây dựng, dịch vụ, thuế sản phẩm tương ứng là 26,62%, 28,94%, 39,84%, 4,6%; GRDP bình quân đầu người đạt 133 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 9-10%/năm.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%; có trên 82% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên 20%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, trong đó, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 25%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-2%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2% (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ và cây trồng đa mục đích); 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Gia Lai phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”; trở thành điểm đến xanh, giàu bản sắc vì mục tiêu sức khỏe con người; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn trên cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng.

Hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng động lực

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, sử dụng có hiệu quả nguồn lực, phát huy được lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Trước tiên là hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ mang tính kết nối cao với các tỉnh lân cận cũng như trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Theo đó, tỉnh hiện có 2 phương thức vận tải chính là đường bộ và đường hàng không. Đường bộ có tổng chiều dài khoảng 12.862 km (gồm 6 đoạn quốc lộ qua địa bàn tỉnh là: 14, 14C, đường Trường Sơn Đông, 25, 19, 19D). Còn Cảng Hàng không Pleiku hiện đạt quy mô sân bay cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO, công suất phục vụ 600.000 hành khách/năm, đảm bảo khai thác các loại máy bay A320/321, Boeing 737. Một số dự án giao thông đang được xúc tiến, hứa hẹn sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tạo được sự liên kết về mặt địa lý giữa tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố, đồng thời nối với mạng lưới giao thông quốc gia và các tỉnh lân cận.

Thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư có năng lực là một trong những mục tiêu quan trọng mà Gia Lai đặt ra để thúc đẩy phát triển kinh tế, khẳng định vị thế của mình. Ảnh: Hà Duy

Thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư có năng lực là một trong những mục tiêu quan trọng mà Gia Lai đặt ra để thúc đẩy phát triển kinh tế, khẳng định vị thế của mình. Ảnh: Hà Duy

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,1%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 71,42 triệu đồng. Công tác tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận khi đã hình thành và phát triển các vùng trồng với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, đạt tiêu chuẩn, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 11,98%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt 28.890 tỷ đồng; năm 2023 ước thực hiện 31.620 tỷ đồng. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 đạt 17.356 tỷ đồng, năm 2023 ước đạt 19.575 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 9,13%.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho hay: “Gia Lai với vị trí là trung tâm của khu vực Tây Nguyên cần đóng vai trò quan trọng và đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, không chỉ để phục vụ tỉnh mà còn đáp ứng nhu cầu của cả khu vực. Tỉnh đang đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch; nghiên cứu, thu hút đầu tư, xây dựng trung tâm logistics có quy mô phù hợp kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng; hình thành mới các kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho chuyên dùng để phục vụ hàng quá cảnh và trung chuyển”.

Là huyện biên giới còn nhiều khó khăn song Đức Cơ cũng “nhập cuộc” với khí thế hào hứng và mạnh mẽ. Chủ tịch UBND huyện Vũ Mạnh Định cho biết: “Đức Cơ đã và đang tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động trọng tâm với các giải pháp phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương như: tăng cường thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và phát triển các vùng thâm canh, chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; thúc đẩy sản phẩm chủ lực OCOP của huyện gắn với thực hiện xây dựng chương trình nông thôn mới, xây dựng hợp tác xã.

Huyện cũng đã đề nghị tỉnh xem xét một số vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh như ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 10-NQ/TU, làm cơ sở định hướng phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của Khu Kinh tế Cửa khẩu và các dịch vụ logistics; cho chủ trương hình thành và phát triển chợ phiên biên giới Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển Cụm Công nghiệp huyện tại thôn Ia Kăm, xã Ia Kriêng để huyện tiến hành kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến sâu nông sản không chỉ của địa phương mà cả các huyện lân cận và nước bạn Campuchia”.

Phân loại chanh dây tại nhà máy chế biến chanh dây Quicornac-DN 100% vốn nước ngoài tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Phân loại chanh dây tại nhà máy chế biến chanh dây Quicornac-DN 100% vốn nước ngoài tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Nghị quyết số 23-NQ/TW đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó có bảo vệ rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước. Gia Lai có diện tích tự nhiên hơn 1.551.000 ha, trong đó, đất quy hoạch cho lâm nghiệp 723.156,38 ha, chiếm 46,62% tổng diện tích. Chính vì vậy, Đảng bộ tỉnh xác định việc quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng tiến đến làm dịch vụ bán tín chỉ carbon, cho thuê môi trường rừng để trồng và phát triển dược liệu nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời, tỉnh xem việc bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giữ vững quốc phòng-an ninh.

Bên cạnh những đột phá về cơ chế chính sách, hạ tầng..., tỉnh cũng xác định phải đột phá về nguồn nhân lực. “Gia Lai rất chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, xem đây là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ, nhất là đối với cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, coi đây là nhân tố hàng đầu có tính quyết định”-Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm