Ơn người mở đất, lập làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ama Nhơn về cõi Atâu đã gần 3 năm. Ngôi làng mang tên ông suốt 40 năm qua cũng đã sáp nhập với làng Chrung, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.

Song, công lao của người đã vận động người dân rời bỏ nơi “ốc đảo” heo hút ra cạnh quốc lộ 25 lập nên làng mới, hướng dẫn bà con cách làm ăn và hình thành vùng đất trù phú vẫn được nhắc nhớ.

Người đi ngược ý Yàng

Người mất, tên làng cũ không còn, tưởng chừng câu chuyện về người có công lập làng sẽ chìm dần vào quên lãng. Nhưng không phải vậy. Chỉ cần nhắc đến Ama Nhơn thì gái trai, già trẻ của làng Chrung (sáp nhập từ làng Ama Nhơn vào làng Chrung) ai nấy đều biết.

Già làng Ama Nhơn lúc sinh thời. Ảnh: Đức Phương

Già làng Ama Nhơn lúc sinh thời. Ảnh: Đức Phương

Ông Ama Nhơn tên thật là Nay Yak. Theo tục lệ, ông được gọi theo tên đứa con đầu. Kể chuyện ngày đầu theo chân Ama Nhơn rời làng cũ để lập làng mới, ông Siu Sinh vẫn còn nhớ rất rõ: Ngày đó, cứ vào mùa mưa, làng Chrung (cũ) bị chia cắt thành ốc đảo biệt lập. Ngôi làng nằm cạnh bờ sông Ayun, nhà cửa không những chật hẹp, tạm bợ mà hàng năm có đến 3-4 lần chịu cảnh ngập lụt. Tuy nhiên, theo tập tục bao đời nay, người Jrai có thói quen sinh sống gần bờ sông, gần với nguồn nước để thuận tiện cho việc sinh hoạt và canh tác. Chính vì vậy, dù cuộc sống muôn vàn khó khăn, quanh năm đối mặt với lũ lụt nhưng họ vẫn cứ bám lấy nơi này.

Nhưng cũng tại ngôi làng hẻo lánh này, một người đàn ông lại không cam chịu, khuất phục số phận. Ông Sinh nhớ lại: Để phá thế ốc đảo cho ngôi làng, ông Yak đã âm thầm lên kế hoạch, rồi vận động thanh niên vào rừng lấy gỗ làm cầu bắc qua suối. Trong khi dân làng chưa kịp vui thì sau một trận lũ, cây cầu bị cuốn trôi, ngôi làng lại trở về với cảnh chia cắt, biệt lập. Sau nhiều đêm trằn trọc, Ama Nhơn xin chủ trương của xã rồi nêu ý kiến của mình tại cuộc họp làng về ý định dời làng ra gần quốc lộ 25. “Chưa đợi ông dứt lời, lập tức những người lớn tuổi trong làng lớn tiếng phản đối. Bởi đang yên đang lành mà dời làng thì sẽ bị Yàng phạt. Lời già làng phán ra như đóng đinh vào cột nhà, không ai còn dám bàn đến. Việc dời làng xem ra rất khó khả thi”-ông Sinh kể.

“Không lẽ đời ông bà, cha mẹ cho đến đời mình rồi con cháu sau này vẫn cứ khổ”-trong đầu Ama Nhơn nung nấu về một cuộc “cách mạng”, hướng dân làng đến cuộc sống ấm no. Thế là, ông nói về quyết định mạo hiểm của mình với ông Siu Sinh. Được người bạn thân đồng thuận, giữa năm 1977, Ama Nhơn đã tự mình dời nhà ra gần quốc lộ 25. Theo ông Sinh, nơi ở mới chỉ cách làng cũ chừng 1,5 km, đất đai rộng rãi, đường sá thuận lợi. Thế nhưng, dù Ama Nhơn có ra sức vận động, thuyết phục thì cũng chỉ có 6 gia đình trong làng chịu nghe theo ông dời nhà ra nơi ở mới.

Gia đình bà Nay H'Om là 1 trong số 30 hộ chuyển từ làng cũ ra làng Ama Nhơn đợt 2. Bà H'Om hồi tưởng: Ban đầu, người già phản đối quyết liệt việc Ama Nhơn “dụ dỗ” người dân dời làng. Họ nói ông đi ngược ý Yàng. Thậm chí, có người chửi bới ông không tiếc lời. Nhưng khi chứng kiến cuộc sống những hộ dân ở làng mới dần khấm khá, họ mới im lặng và quay lại ủng hộ. Sau khi ổn định nhà cửa, bằng kiến thức của mình, Ama Nhơn đã chuyển từ việc canh tác lúa rẫy hoàn toàn phụ thuộc nước trời sang trồng lúa nước. Việc làm này của ông đã mở ra một cuộc cách mạng làm thay đổi tư duy sản xuất của dân làng. Đất mới, giống lúa mới và cách làm mới đã giúp năng suất lúa vượt trội. Được mùa, lúa chất đầy nhà sàn. Hơn 5 tháng sau, làng mới đón thêm 30 hộ nữa đến tái định cư và người dân thống nhất lấy tên ông đặt cho tên làng. Làng Ama Nhơn có từ đó.

“Khoảng hơn 1 năm sau, tất cả các hộ dân ở làng cũ đều lần lượt di dời ra gần quốc lộ 25 sinh sống. Đa phần những hộ này không có đất ở, đất sản xuất ở đây. Nhưng khi được Ama Nhơn cho biết chính quyền cho phép khai hoang mở đất thì họ đồng loạt rời bỏ làng cũ. Thế nhưng, khi đó, do làng Ama Nhơn không có đủ đất ở, đất canh tác nên số hộ này chuyển qua phía bên kia quốc lộ sinh sống, giữ nguyên tên làng cũ là Chrung. Từ lúc dời ra làng mới ở gần đường lớn thì cuộc sống đầy đủ, tiện nghi hơn, đi lại thuận tiện, đặc biệt là không còn nỗi lo ngập lụt, cuốn trôi nhà cửa, heo bò mỗi khi mùa mưa đến. Có được như hôm nay, dân làng chúng tôi rất biết ơn người có công mở đất, lập làng”-bà HOm tự hào nói.

Ơn người mở đất, lập làng

Nhớ lại thời gian đầu theo cha ra lập làng mới, ông Siu Thiên-Chủ tịch UBND xã Ia Piar (con trai thứ 2 của Ama Nhơn) cho biết: Trước năm 1975, chuyện thanh niên người dân tộc thiểu số được đi học cái chữ là cực kỳ hiếm. Nhưng cha ông lại là kỹ sư cầu đường (học Trường Trung cấp Kỹ thuật công chánh), được chính quyền cũ bổ nhiệm làm Phó Trưởng ty Công chánh tỉnh Phú Bổn (thị xã Ayun Pa ngày nay), phụ trách việc tu sửa cầu đường. Nhờ được mở mang kiến thức, ông thấy việc sinh sống gần đường thuận lợi hơn nên đã tự mình vận động một số hộ có suy nghĩ tiến bộ rời bỏ làng cũ đến nơi ở mới tốt hơn.

Cũng như cha mình, ông Siu Thiên (con trai thứ 2 của ông Ama Nhơn)-Chủ tịch UBND xã Ia Piar cũng hết sức quan tâm đến đời sống người dân tộc thiểu số tại các thôn, làng trên địa bàn xã. Ảnh: Minh Nguyễn

Cũng như cha mình, ông Siu Thiên (con trai thứ 2 của ông Ama Nhơn)-Chủ tịch UBND xã Ia Piar cũng hết sức quan tâm đến đời sống người dân tộc thiểu số tại các thôn, làng trên địa bàn xã. Ảnh: Minh Nguyễn

Chủ tịch UBND xã Ia Piar cho hay: Thời gian đầu chuyển ra làng mới, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng từ khi có công trình thủy lợi Ayun Hạ, người dân chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ thì cơ bản giải quyết được cái đói, cuộc sống dần thay đổi. Nhiều hộ mua được máy cày, máy xới, sản xuất phát triển. Trước thời điểm sáp nhập thành làng Chrung vào năm 2020, làng Ama Nhơn có 127 hộ với gần 900 khẩu, nhiều con em trong làng được học hết cấp III, có em học lên cao đẳng, đại học. “Giờ làng Chrung có 268 hộ. Trước đây, 80% số hộ thuộc diện đói nghèo nhưng đến nay chỉ còn 11 hộ nghèo; hơn 70% số hộ có xe mô tô, 100% hộ có điện thắp sáng, có ti vi... Các tập tục lạc hậu, trong đó có tục chôn chung đã không còn”-ông Thiên khẳng định.

Cũng theo ông Thiên, lúc cha mình còn sống, ông luôn khuyên nhủ người dân phải học chữ, bởi có trình độ thì mới biết cách làm kinh tế. Nghe lời dạy của cha, ông Thiên theo học xong trung cấp nông nghiệp rồi về làm Bí thư Đoàn xã, tiếp đó nỗ lực hoàn thành chương trình đào tạo từ xa tại Trường Đại học Luật (Đại học Huế) và được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND xã. Từ năm 2016 đến nay, ông là Chủ tịch UBND xã Ia Piar. Học hỏi nhiều điều từ cha mình, ông Thiên cũng luôn quan tâm đến đời sống bà con; tích cực tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc.

Làng Chrung (sáp nhập từ làng Ama Nhơn và làng Chrung) nằm bên tuyến quốc lộ 25-đoạn qua trung tâm xã Ia Piar. Ảnh: M.P

Làng Chrung (sáp nhập từ làng Ama Nhơn và làng Chrung) nằm bên tuyến quốc lộ 25-đoạn qua trung tâm xã Ia Piar. Ảnh: M.P

Là thế hệ sinh ra và lớn lên tại làng Ama Nhơn, chị Nay H'Loan-Bí thư Đoàn xã Ia Piar-từng nhiều lần chứng kiến người lập làng vận động bà con di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, xây nhà vệ sinh để đảm bảo môi trường. Ông Ama Nhơn luôn động viên bà con chăm lo sản xuất, không nghe theo lời kẻ xấu gây mất đoàn kết, phá hoại buôn làng. Thấy thanh niên quậy phá, chạy xe quá tốc độ, ông đều nhẹ nhàng nhắc nhở, khuyên răn.

“Là người có uy tín nên những lời nói của ông Ama Nhơn đều được dân làng nghe và làm theo. Ngoài ra, ông còn được dân làng tín nhiệm bầu làm già làng, tổ trưởng tổ hòa giải của làng Ama Nhơn và làng Chrung. Ama Nhơn luôn lấy cái đúng, lẽ phải để giảng giải và phân tích thấu tình đạt lý nên người dân đều tin tưởng, nghe theo. Bà con ở đây ai cũng biết đến công lao của Ama Nhơn, xem ông là tấm gương sáng để học hỏi, làm theo”-chị H'Loan kể với lòng biết ơn.

Còn ông Siu Sinh thì cứ trăn trở mãi về cái ngày mà 2 làng Ama Nhơn và Chrung sáp nhập thành làng Chrung. “Mất cái tên làng, bà con ở làng Ama Nhơn cũng buồn, nhưng trên hết vẫn là tinh thần đoàn kết, chung một lòng, tất cả vì cuộc sống của người dân”-ông Sinh nói. Cũng theo ông Sinh, trước khi về cõi Atâu, Ama Nhơn đã nhờ người bạn mình tiếp tục quan tâm đến đời sống của bà con, khuyên bảo thanh niên trong làng đừng uống rượu nhiều mà phải chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, hướng đến tương lai. Quan trọng hơn là tuyên truyền người dân quan tâm đến việc học hành của con cái, vì có học thì mới biết cách phát triển kinh tế, hỗ trợ bà con, giúp buôn làng đổi mới.

Ngày Ama Nhơn qua đời, dân làng kéo đến rất đông, có người đang ở xa nghe tin cũng vội quay về tiễn biệt người con ưu tú của cộng đồng. Tên làng lùi vào quá khứ, nhưng tên người đã quyết cãi ý Yàng để đưa dân làng hướng đến cuộc sống ấm no thì chẳng khi nào bị quên lãng.

Có thể bạn quan tâm