Bưởi da xanh Krông Pa rộng đường xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cây bưởi da xanh mới “bén rễ” vùng đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai) được vài năm nhưng đã được các vựa trái cây ở miền Nam đánh giá cao về chất lượng để xuất khẩu.

Quả ngọt vùng “chảo lửa”

Lâu nay, ai cũng nghĩ vùng “chảo lửa” Krông Pa chỉ thích hợp với cây mì, mía, thuốc lá chứ khó trồng được cây bưởi da xanh. Vậy mà chị Lưu Thị Thu Hường (buôn Mlah, xã Phú Cần) lại thành công khi vườn bưởi 4 ha bắt đầu cho thu hoạch ổn định với sản lượng đạt gần 100 tấn/năm.

Nói về cơ duyên đến với loại cây trồng này, chị Hường kể: “Trong một lần đến tham quan các vườn bưởi ở miền Nam, tôi thấy họ làm rất hiệu quả. Nghĩ đến việc lâu nay trong vườn nhà mình có mấy cây bưởi ra quả quanh năm, vị rất ngon, có thể thích hợp trồng chuyên canh. Vậy tại sao mình không phát triển để cây bưởi da xanh trở thành cây hàng hóa cho giá trị kinh tế lớn? Sau khi nghiên cứu thị trường và tìm hiểu kỹ thuật, năm 2018, vợ chồng tôi quyết định chuyển đổi từ các loại cây ngắn ngày sang trồng 1.100 cây bưởi da xanh trên diện tích 4 ha. Qua năm thứ 3, vườn bưởi bắt đầu cho thu bói. Năm nay, sản lượng đạt gần 100 tấn. Với giá bán trung bình 15-20 ngàn đồng/kg, gia đình tôi ước tính lợi nhuận đạt khoảng 1,3 tỷ đồng sau khi trừ chi phí”.

Sản phẩm bưởi da xanh của gia đình chị Lưu Thị Thu Hường (buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đạt giải nhất tại Hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” tỉnh Gia Lai lần thứ II-2023. Ảnh: T.N

Sản phẩm bưởi da xanh của gia đình chị Lưu Thị Thu Hường (buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đạt giải nhất tại Hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” tỉnh Gia Lai lần thứ II-2023. Ảnh: T.N

Vườn nhà chị Hường nằm trên thửa đất cao, sát bên suối Ia Mlah, thuận lợi về nguồn nước tưới. Tuy nhiên, việc canh tác đúng kỹ thuật mới là yêu cầu cao nhất đối với cây bưởi. “Kỹ thuật trồng bưởi rất khó, từ cách tỉa cành, bón phân, trị bệnh đến làm cỏ để nuôi dưỡng bộ rễ. Cứ qua từng năm, vợ chồng tôi lại đúc rút thêm kinh nghiệm. Song, làm nông nghiệp không đơn giản và suôn sẻ bởi trong 3 năm đầu tiên, chúng tôi đã gặp nhiều rắc rối khi vườn xuất hiện các loại bệnh, rồi đến giai đoạn thu bói thì quả bị sồ, vỏ dày, nám. Thế rồi, tôi kiên trì với phương pháp điều trị bằng thuốc sinh học, tuyệt đối không dùng thuốc hóa học để trị bệnh cho nhanh. Nhờ đó, gia đình tôi đã vượt qua được thời kỳ chăm sóc khó khăn nhất. Mặc dù vậy, hàng năm, tôi đều mời một số kỹ sư nông nghiệp ở miền Nam ra kiểm tra vườn bưởi. Nhưng gần đây, khi đi thực tế, nhìn vườn cây trĩu quả, họ bỏ luôn ý định tư vấn kỹ thuật và bán phân, thuốc bảo vệ thực vật cho tôi. Họ tấm tắc khen cách làm nông nghiệp thông minh như của gia đình tôi đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với những vườn khác”-chị Hường vui vẻ chia sẻ.

Nếu chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật mà vợ chồng chị Hường đang áp dụng, cây bưởi có thể cho thu hoạch đến 20 năm. Mỗi năm, vườn nhà chị cắt quả khoảng 3 đợt chính. Mỗi lần như vậy, thương lái đến tận vườn để thu hái. Lứa quả nào trùng vụ bưởi ở ngoài Bắc thì giá sẽ thấp. Ngược lại, vào vụ Tết, rồi mùa nắng nóng, bưởi sẽ được giá hơn.

Nhờ chăm sóc đúng theo quy trình VietGAP, vườn bưởi nhà chị Lưu Thị Thu Hường phát triển tốt, cho năng suất cao. Ảnh: T.N

Nhờ chăm sóc đúng theo quy trình VietGAP, vườn bưởi nhà chị Lưu Thị Thu Hường phát triển tốt, cho năng suất cao. Ảnh: T.N

Mấy năm gần đây, bưởi da xanh bắt đầu được nhiều người dân ở Gia Lai đầu tư trồng, trong đó có những nông dân vùng “chảo lửa” Krông Pa. Anh Nguyễn Thái Duy (buôn Prong, xã Ia Mlah) cho hay: “Hồi trước, tôi trồng mì, rồi chuyển qua trồng na và sa chi nhưng không hiệu quả. Sau này, tôi thấy cây bưởi da xanh phù hợp với nền nhiệt độ cao, quanh năm nắng nóng, thu hoạch vào mùa mưa hay mùa nắng thì chất lượng cũng tương đương. Bưởi lại cho thu hoạch rải vụ quanh năm, có đầu ra tốt nên tôi đã quyết định trồng 2 ha. Dù còn đến 2 năm nữa mới cho thu bói nhưng tôi rất tin tưởng cây bưởi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Vựa miền Nam “săn” hàng để xuất khẩu

Ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: “Hiện nay, toàn huyện mới chỉ có 24 ha cây ăn quả, trong đó có 9 ha bưởi. Toàn bộ diện tích bưởi đều được chúng tôi định hướng và hỗ trợ sản xuất theo quy trình VietGAP. Năm 2022, vườn bưởi da xanh của gia đình chị Hường đã được chứng nhận VietGAP. Tháng 7-2023, tại Hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” tỉnh Gia Lai lần thứ II, bưởi da xanh của gia đình chị Hường là 1 trong 2 sản phẩm đạt giải nhất”.

Qua nhận định của một số chủ vựa thu mua trái cây, bưởi da xanh ở Krông Pa khá tương đồng với bưởi của Bến Tre, từ mẫu mã đến chất lượng. Chị Trần Thị Thu Hồng-Chủ một vựa thu mua bưởi ở thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cho hay: “Tùy theo thổ nhưỡng, khí hậu và kỹ thuật sản xuất mà hàng mỗi nơi có sự khác biệt về chất lượng. Tôi đánh giá rất cao bưởi Krông Pa bởi ruột có vị thanh ngọt, da láng đẹp. Đặc biệt, vườn bưởi của gia đình chị Hường canh tác hoàn toàn bằng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên an toàn cho sức khỏe người dùng. Đây là một trong những tiêu chí các vựa lớn chọn mua để đảm bảo tiêu chuẩn hàng xuất khẩu”.

Thấy hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều nông dân ở huyện Krông Pa đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Ảnh: T.N

Thấy hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều nông dân ở huyện Krông Pa đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Ảnh: T.N

Hiện nay, bưởi da xanh có rất nhiều triển vọng mở rộng thị trường xuất khẩu bởi đây là một trong những loại trái cây được ưa chuộng tại thị trường EU, Trung Đông, Trung Quốc… mà Việt Nam đã xuất khẩu trước đó. Đặc biệt, cuối năm 2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ sau nhiều năm đàm phán. Đây là cơ hội lớn cho mặt hàng bưởi da xanh.

Theo ông Châu, nếu tuân thủ đúng quy trình sản xuất sạch và đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng thì các vựa trái cây ở miền Nam sẽ đẩy mạnh thu mua. Sau khi mua về, họ sẽ tiến hành phân loại, tuyển chọn những quả đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Qua tìm hiểu, các chủ vựa trái cây cho rằng Krông Pa không phải là vùng sản xuất nhiều loại cây ăn quả nhưng bưởi da xanh ở đây đã khẳng định được chất lượng tốt. Vì vậy, cứ đều đặn vào kỳ thu hoạch, các chủ vựa ở Bến Tre, Đồng Nai đã ngỏ lời đặt hàng. Do đó, nếu có đủ sản lượng, bưởi Krông Pa sẽ có cơ hội mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Từ thực tế đó, huyện Krông Pa định hướng đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích cây ăn quả lên khoảng 100 ha. Huyện sẽ vận động người dân chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Tuy nhiên, hiện nay, cái khó là làm sao để thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang trồng theo hướng tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo nên vùng nguyên liệu lớn. Bởi một vùng phải đạt diện tích từ 10 ha mới xây dựng được mã số vùng trồng để định danh và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hướng đến xuất khẩu chính ngạch.

Có thể bạn quan tâm