Ông không chỉ thành thạo kỹ thuật làm trống truyền thống mà còn là người nắm giữ nghệ thuật múa trống, tạo nên dấu ấn riêng trong các lễ hội quan trọng còn lưu truyền tại địa phương.
Trống “buồn”, trống “vui”
Dẫn chúng tôi vào nhà, ông Kpă Bưn cho biết vừa mới tham dự hội nghị tuyên dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện về. Trong ngôi nhà dài đặc trưng của người Jrai vùng Đông Nam tỉnh, trên bức vách bên phải ngay cửa ra vào, ông Bưn treo 1 chiếc trống to, phần thân trống khoảng 60 cm, đường kính mặt trống khoảng 50 cm. “Chiếc trống này chỉ dùng để đánh cùng các bài chiêng trong các lễ hội vui như: mừng nhà mới, tạ ơn, mừng lúa mới, cúng bến nước… thôi”-ông Bưn giới thiệu.
Vừa nói ông vừa tủm tỉm cười vì nhận thấy vẻ mặt tò mò của chúng tôi. Đi vào gian trong, ông lấy ra 2 chiếc trống khác rồi bảo: “Còn cái này mới dùng cho các lễ buồn như: pơ thi, đám ma”. Tiếp lời ông Bưn, anh Ksor Hú-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mlăh-xác nhận: “Đúng đấy. Mỗi chiếc trống của ông Bưn chỉ dùng trong một nghi lễ, không lẫn lộn. Chiếc trống to kia là ông quý nhất, chỉ khi nào trong làng có ai mừng nhà mới, tạ ơn, ông mới cho mượn”.
Nghệ nhân Kpă Bưn (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ cách sử dụng từng loại trống. Ảnh: P.L |
Đặt những chiếc trống xung quanh, ông Bưn lại đưa chúng tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. “Mấy chiếc trống này đều tự tay tôi làm cả đấy. Tôi lớn lên cùng với tiếng trống, tiếng cồng chiêng nên rất thích chúng. Trước đây, tôi cũng không bao giờ nghĩ sẽ tự tay làm ra một chiếc trống hoàn chỉnh. Năm 2021, tôi tự mày mò, tìm hiểu và làm nên chiếc trống đầu tay. Đến nay, tôi đã làm được 6 chiếc, bán 1 chiếc cho buôn Du (xã Chư Rcăm) với giá 3 triệu đồng. Còn chiếc trống to này tôi quý nhất, mất 15 ngày ròng rã mới hoàn thành nên ai hỏi bao nhiêu cũng không bán đâu”-ông Bưn tâm sự.
Theo lời ông Bưn, sau khi nắm bắt kỹ thuật làm trống, ông làm ngày làm đêm, quên ăn quên ngủ. Đầu tiên, ông chọn một thân cây gỗ lộc vừng núi có đường kính khoảng 30 cm, chiều dài khoảng 50 cm, sau đó đem về đục bỏ phần ruột. Nói thì đơn giản nhưng để giữ cho phần vỏ trống không bị rạn nứt và có bề dày đều đặn đòi hỏi người làm phải có đôi tay thật khéo léo và am hiểu chất liệu gỗ. Không ít lần ông đành phải bỏ dở một khúc gỗ chỉ vì đến công đoạn căng da trống thì thân trống bị nứt.
“Mặc dù nghề mộc hiện đại có rất nhiều cách để vá hay sửa chữa phần nứt song cách ấy vẫn không thể giữ cho âm thanh của trống được nguyên vẹn”-ông Bưn giải thích. Phần căng da trống cũng là một công đoạn khá phức tạp. Miếng da phải được chọn từ những con bò, trâu già để đảm bảo vừa căng vừa không dễ ỉu, rách khi sử dụng. Nếu làm bằng da khô thì phải ngâm bằng nước nóng cho mềm trở lại để dễ căng tròn đều đặn theo viền trống. Để thực hiện công đoạn này, ông phải nhờ đến sự giúp sức của 3-4 người nữa. Xong đâu đấy, ông khẽ tạo một lỗ nhỏ ở một mặt trống để thông hơi, khiến cho âm thanh của trống trầm ấm, vang vọng.
“Càng khó tôi càng muốn làm cho được. Ngoài đôi tay khéo thì đôi tai cũng phải biết thẩm âm tốt để tạo ra những chiếc trống có âm thanh khác nhau, phù hợp với từng bộ chiêng, sử dụng trong những lễ hội khác nhau”-ông Bưn chia sẻ. Cũng vì thế mà những chiếc trống “buồn” thường có âm trầm, thấp; còn trống “vui” thì thanh âm trong trẻo hơn.
Làm trống đã khó nhưng để sử dụng thành thạo trống cũng phải có kỹ thuật nhất định. Theo ông Bưn, không phải cứ dùng tay hoặc dùng dùi đánh vào mặt trống là sẽ cho âm thanh hay nhất. Nếu dùng dùi thì phải đúng theo kích cỡ, phần đầu phải được bọc vải hoặc cao su tạo độ đàn hồi, độ nảy khi va vào mặt trống. Tương tự với các ngón tay khi vỗ trực tiếp vào mặt trống, người biểu diễn phải tạo được độ nảy nhất định. Bề mặt trống cũng cần được bảo quản cẩn thận, tránh để bị ẩm. Trong các dịp lễ mà gặp trời mưa, chiếc trống phải được đặt gần bếp lửa để giữ cho bề mặt luôn khô ráo.
Độc đáo điệu múa trống
Nghe ông Bưn giải thích về từng công đoạn làm trống cho đến cách sử dụng mới thấy được tình yêu ông dành cho loại nhạc cụ dân tộc này lớn đến dường nào. Đặc biệt, ông cũng là người duy nhất trong buôn Mlăh còn giữ được điệu múa trống. Dĩ nhiên, điệu múa này cũng chỉ được thể hiện khi đi kèm với bộ chiêng cổ trong những lễ hội mang màu sắc vui tươi như: mừng nhà mới, tạ ơn, cúng bến nước...
Nghệ nhân Kpă Bưn thể hiện một điệu trống vui tươi. Ảnh: P.L |
Thật khó để hình dung về điệu múa trống nếu không được tận mắt chứng kiến ông Bưn biểu diễn. Chiếc trống to đặt nằm nghiêng, cố định trên một chiếc kệ. Bên cạnh là những chiếc chiêng cổ được treo trên giàn do những nghệ nhân lớn tuổi đảm nhận khâu diễn tấu. Lúc này, ông Bưn có vai trò hết sức quan trọng. Bằng vũ điệu của cả cơ thể, đôi chân nhún nhảy, đôi tay cầm dùi, tùy vào sự cảm âm chiêng của riêng mình, ông sẽ gõ theo nhịp lên mặt trống hay vào phần thân trống hoặc gõ xuống đất. Đôi lúc, ông bước ra xa, khi lại vào gần, lúc sang phải, khi lại sang bên trái. Ở bất kỳ điệu thức nào cũng cảm nhận được sự rắn rỏi, mềm dẻo của nghệ nhân. Vì thế, bài chiêng thể hiện sự kết nối, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng với đấng thần linh vốn dĩ theo nhịp đều đều khi được hòa cùng điệu trống, phong thái biểu diễn tự tin của ông Bưn bỗng trở nên rộn ràng, hấp dẫn, tươi vui hơn.
“Từ khi còn nhỏ, tôi đã theo cha đi đánh trống trong các lễ hội. Vì thế, từng điệu múa, từng nhịp trống của cha đã thấm sâu vào trong máu, chỉ cần nghe tiếng chiêng rộn ràng là đôi chân muốn nhúc nhích, thân người muốn lắc lư và tay muốn được gõ trống. Điều đặc biệt là điệu múa này chỉ biểu diễn trong dịp hội vui, thể hiện sự mong cầu bình an, hạnh phúc cho dân làng”-ông Bưn tâm sự.
Lo sợ điệu múa trống sẽ dần mai một, ông Bưn đã truyền dạy cho người cháu trai là Ksor Blưh (14 tuổi). “Khi múa trống phải cảm nhận được nhịp điệu của dàn cồng chiêng để biết lúc nào thì nên gõ vào trống “tùng, tùng”, khi nào thì vào phần tang trống để tạo âm thanh “cắc, cắc”. Lúc nào thì nên gõ nhịp đơn, lúc nào thì nhịp đôi. Cách đi chân như thế nào cũng quan trọng vì thể hiện phong thái của người biểu diễn. Múa trống cũng cần phải khỏe mạnh, dẻo dai bởi một bài chiêng lễ khá dài, việc nhảy múa cũng dễ khiến mất nhiều sức”-ông Bưn nói.
Những chiếc trống được ông Kpă Bưn xem như báu vật. Ảnh: P.L |
Ngồi cạnh bên chăm chú lắng nghe, anh Ksor Hú bày tỏ: “Điệu múa trống này theo ông Bưn đi biểu diễn khắp nơi, tạo được dấu ấn độc đáo trong sắc màu không gian văn hóa cồng chiêng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc Jrai ở huyện Krông Pa nói riêng. Người dân trong buôn ai cũng thấy tự hào mỗi khi nhắc đến ông Bưn. Cũng nhờ ông tham gia tập luyện mà giờ đây, đội cồng chiêng của buôn Mlăh thường xuyên được chọn tham gia biểu diễn tại các ngày hội văn hóa”.
Anh Lê Văn Hạ-công chức Văn hóa-Xã hội xã Phú Cần-cho hay: Ông Bưn thực sự là “báu vật nhân văn sống”. Ông đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai.
Ánh hoàng hôn những ngày đầu xuân buông xuống trên nóc ngôi nhà dài đỏ thẫm. Trước khi tạm biệt ra về, ông Bưn biểu diễn tặng chúng tôi một điệu trống rộn ràng. Miệng lẩm nhẩm mô phỏng điệu chiêng, tay ông nhanh nhẹn cầm dùi gõ vào trống một cách thuần thục. Người dân, lũ trẻ hàng xóm nghe tiếng trống cũng chạy ra, cùng say đắm trong âm điệu trầm bổng, mạnh mẽ, tươi vui…