DOVECO: Đơn vị tiên phong đưa nông sản Việt Nam ra thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trung tâm chế biến rau quả của Doveco Gia Lai có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam tại Gia Lai nằm trong Cụm Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang trên diện tích gần 6 ha.

Dự án gồm tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại do Italia, Đức, Nhật Bản sản xuất. Hiện nay, dây chuyền Trung tâm chế biến rau quả của Doveco tại Gia Lai chế biến 300 tấn nguyên liệu chanh dây/ngày, 500 tấn dứa/ngày và 200 tấn xoài/ngày.

Ngoài ra, Trung tâm còn có thể chế biến hàng trăm tấn chuối, bơ, thanh long, bắp ngọt, đậu bắp, khoai lang… Sản phẩm của Công ty đã có mặt trên hơn 60 quốc gia, chinh phục được các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil, Israel.

Đặc biệt, các sản phẩm rau quả xuất khẩu của Công ty đang dần khẳng định thương hiệu tại thị trường châu Âu và chiếm hơn 33% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty. Trong đó, tập trung vào thị trường các nước như: Hà Lan, Đức, Italia, Pháp, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha.

Để tận dụng tối đa các cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế, Doveco Gia Lai đã chủ động tạo những bước đột phá trong khâu sản xuất, tập trung thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị trường các nước.

Đồng thời, chú trọng việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu vào, truy xuất khẩu nguồn gốc, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động… nhằm đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường quốc tế. Hiện các sản phẩm xuất khẩu chiến lược của Công ty chủ yếu là: các sản phẩm từ chanh dây chiếm 53%; chuối xuất khẩu chiếm 23%, dứa xuất khẩu 24%.

Hàng năm, Trung tâm chế biến rau quả của Doveco Gia Lai đã sản xuất bình quân hơn 32.800 tấn sản phẩm rau quả các loại. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 70 triệu USD. Riêng năm 2023 và những năm tiếp theo Công ty đặt mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm rau quả đạt từ 36.000 đến 42.000 tấn sản phẩm các loại, giá trị xuất khẩu phấn đấu đạt từ 95 đến 110 triệu USD.

Ngoài ra, để có chất lượng đầu vào ổn định theo tiêu chuẩn, năm 2023 Công ty đã chủ động liên kết với hơn 500 hộ dân trồng 1.500 ha chanh dây và bao tiêu sản phẩm trên diện tích 4.000 ha.

Đến nay, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, vùng nguyên liệu ổn định của Công ty tại địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đạt hơn 15.000 ha, phấn đấu trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích liên kết lên đến 20.000 ha.

Có thể bạn quan tâm