Năng lượng tái tạo: Đòn bẩy tăng trưởng xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong định hướng phát triển, Gia Lai xác định năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột của ngành công nghiệp. Với định hướng đó, tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, hướng đến tăng trưởng xanh.

Phát huy nguồn lực đầu tư

Gia Lai có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Cùng với việc khai thác trữ lượng nước trên hệ thống sông suối để phát triển thủy điện thì tiềm năng điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối cũng đang được phát huy khi nhiều dự án đã đưa vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia. Đến nay, tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.362,89 MW.

Về thủy điện, toàn tỉnh có 60 dự án với tổng công suất 2.330,89 MW. Trong đó, 49 dự án đang vận hành với tổng công suất 2.251,69 MW; 2 dự án với tổng công suất 21 MW đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; 9 dự án với tổng công suất 58,2 MW thuộc danh mục quy hoạch và chưa có chủ trương đầu tư. Về điện mặt trời (nối lưới), Gia Lai được quy hoạch 9 dự án với tổng công suất 787 MWp (tương đương 630 MW); trong đó, 2 dự án đang vận hành với tổng công suất 84 MWp, 1 dự án đang thi công xây dựng với công suất 49 MWp, 4 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư với tổng công suất 614 MWp, 2 dự án chưa có chủ trương đầu tư với tổng công suất 40 MWp. Về điện sinh khối, có 2 nhà máy đang vận hành với tổng công suất 129,6 MW. Toàn tỉnh còn có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 603 MWp.

Công trình điện mặt trời Sê San 4 (huyện Ia Grai). Ảnh: Phạm Quý

Công trình điện mặt trời Sê San 4 (huyện Ia Grai). Ảnh: Phạm Quý

Trong 2 năm qua, ngành công nghiệp năng lượng có bước phát triển đột phá khi triển khai 17 dự án điện gió với tổng công suất 1.242,4 MW. Trong đó, 8 dự án đang vận hành thương mại 100% với tổng công suất 546,2 MW; 3 dự án được công nhận vận hành thương mại một phần với tổng công suất 113,2 MW và chưa được công nhận vận hành thương mại phần còn lại với tổng công suất 191,8 MW; 5 dự án điện gió đã thi công xong nhưng chưa đưa vào vận hành với tổng công suất 341,2 MW; 1 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng với tổng công suất 50 MW.

Nhà máy Điện gió HBRE Chư Prông được khởi công xây dựng đầu tiên ở Gia Lai và đã đi vào hoạt động vào cuối năm 2021. Ông Nguyễn Văn Hội-Quản lý Dự án Nhà máy Điện gió HBRE Chư Prông-cho hay: “Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, công suất 50 MW với 12 trụ tua bin. Năm nay, thời tiết thuận lợi, tốc độ gió trung bình đạt tốt, đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7. Nhờ đó, nhà máy đã phát huy được công suất hoạt động. Năm 2023, sản lượng điện thương phẩm xấp xỉ khoảng 154 triệu kWh (vượt hơn 9% so với năm 2022), doanh thu đạt hơn 13 triệu USD. Năm 2024, nhà máy dự kiến sản lượng điện đạt khoảng 160 triệu kWh”.

Gia Lai có hệ thống lưới điện truyền tải gồm các cấp điện áp 220 kV, 500 kV đảm bảo công suất truyền tải giữa lưới điện của tỉnh với các tỉnh lân cận và hệ thống điện quốc gia ở mức cao, đồng thời đảm bảo khả năng giải phóng công suất của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Qua thực tế triển khai cho thấy, các dự án năng lượng tái tạo đã thu hút nguồn vốn rất lớn, mức đầu tư trung bình điện gió là 35 tỷ đồng/MW, thủy điện là 30 tỷ đồng/MW, điện mặt trời nối lưới 25 tỷ đồng/MW, điện mặt trời mái nhà 15 tỷ đồng/MW.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Công nghiệp năng lượng tái tạo đang tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với tiềm năng dồi dào, hạ tầng lưới điện truyền tải đảm bảo, đến nay, Gia Lai đã triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành với tổng công suất 3.101,69 MW. Tổng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo đạt khoảng 12 tỷ kWh/năm cho thấy việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo đã khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển của tỉnh, phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần tăng nguồn thu ngân sách để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

Công nghiệp năng lượng sẽ trở thành ngành mũi nhọn

Theo đánh giá của Giám đốc Sở Công thương, trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 (Quy hoạch điện VIII), Gia Lai có khoảng 1.800 MW. Đến nay, tỉnh đã triển khai được khoảng 1.200 MW (đối với 17 dự án điện gió). Với khoảng 600 MW còn lại, tỉnh dự kiến tập trung triển khai các dự án điện gió và thủy điện. Quan điểm của tỉnh là dự án thủy điện có công suất từ 9 MW trở lên theo từng bậc phát điện thì mới triển khai để hạn chế tác động môi trường. Hiện nay, Sở Công thương đã tổng hợp, thống kê các danh mục đăng ký gửi Viện Năng lượng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phục vụ công tác xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng tích hợp hạng mục phát triển lưới điện trên địa bàn vào công tác lập Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Gia Lai được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, đất đai, khí hậu và là nơi có rất nhiều tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ảnh: Vũ Thảo

Gia Lai được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, đất đai, khí hậu và là nơi có rất nhiều tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ảnh: Vũ Thảo

Vị thế ngành công nghiệp năng lượng tái tạo thể hiện rõ qua giá trị đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Năm 2023, sản lượng điện sản xuất trên toàn tỉnh đạt hơn 12 tỷ kWh (đạt 100,1% kế hoạch, tăng 2,6% so với năm 2022); giá trị công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt đạt 11.800 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2022), chiếm 37,3% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Hiện nay, sản lượng điện sản xuất trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ 49 thủy điện. Nếu các dự án điện gió đã vận hành thương mại một phần và chưa được vận hành thương mại thỏa thuận được giá bán điện để đi vào vận hành sẽ đóng góp đáng kể vào sản lượng điện sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nếu sớm triển khai các dự án trong Quy hoạch điện VIII thì ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh sẽ tiếp tục có những đóng góp đáng kể cho nguồn điện quốc gia.

Dự kiến năm 2024, các nhà máy điện gió đi vào hoạt động và các dự án điện mặt trời mái nhà phát huy hiệu quả sẽ đóng góp tăng thêm khoảng 453 triệu kWh, nâng sản lượng điện sản xuất của tỉnh đạt khoảng 12,515 tỷ kWh (tăng 3,8% so với năm 2023). Nhóm điện sản xuất sẽ đóng góp giá trị tăng thêm khoảng 428 tỷ đồng, góp phần đưa giá trị công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt đạt 12.490 tỷ đồng (tăng 5,8% so với năm 2023). Hiện nay, dư địa phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trên địa bàn rất lớn nếu phát huy hết tiềm năng lợi thế về năng lượng gió và mặt trời. Đặc biệt, điện sinh khối sẽ là hướng đi đầy tiềm năng trong tương lai khi khai thác nguồn phụ phẩm, phế phẩm phong phú từ công nghiệp chế biến.

Về hiệu quả của ngành công nghiệp năng lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho rằng, các dự án năng lượng đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư vào Gia Lai. Việc đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn đã khai thác được tiềm năng, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tăng kết cấu hạ tầng nông thôn. Không những vậy, các dự án năng lượng tái tạo còn góp phần phát triển du lịch. Đặc biệt, các dự án còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, tăng sản lượng điện hàng năm cho lưới điện quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung với mức bình quân khoảng 15%/năm.

Có thể bạn quan tâm