Bác sĩ về làng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- “Ơi bà con, ngày mai có đoàn bác sĩ của tỉnh xuống thăm khám sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em trong làng. Bà con đến Nhà văn hóa cộng đồng để được thăm khám nhé”-chị Hrac-cán bộ y tế làng Amil (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) trực tiếp đến từng nhà thông báo.

Cũng nhờ những đợt thăm khám như thế mà người dân các làng vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số càng có ý thức hơn trong việc thực hành các biện pháp vệ sinh, phòng-chống dịch bệnh.

Chăm sóc sức khỏe người dân vùng khó

Nghe tin có đoàn y-bác sĩ về làng, bà con dân làng Amil liền sắp xếp công việc để đến thăm khám. Chị Đinh Thiếu địu con gái gần 2 tuổi trên lưng xếp hàng chờ đến lượt. Chị kể: “Trong thời gian mang thai, mình được cán bộ y tế thăm khám sức khỏe định kỳ nên sinh con khỏe mạnh. Cán bộ y tế thường xuyên xuống làng tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc, thực hành chế biến thức ăn dinh dưỡng cho trẻ. Tổ y tế lưu động cũng xuống làng tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ đầy đủ. Gia đình mình đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Xã có bác sĩ nên đau ốm gì mình đều đến Trạm Y tế thăm khám”.

Các đơn vị y tế tuyến xã tổ chức tiêm chủng lưu động giúp trẻ em ở các thôn, làng được tiêm đầy đủ. Ảnh: N.N

Các đơn vị y tế tuyến xã tổ chức tiêm chủng lưu động giúp trẻ em ở các thôn, làng được tiêm đầy đủ. Ảnh: N.N

Ông Đinh Jil-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Amil-cho biết: Là xã vùng III nên bà con làng Amil nói riêng và người dân xã Ayun nói chung đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Cán bộ y tế thường xuyên tuyên truyền, tổ chức các đợt tư vấn chăm sóc sức khỏe nên bà con đã thay đổi nhiều trong nhận thức, đau ốm là đến cơ sở y tế thăm khám, chữa trị. “Bên cạnh công tác chăm sóc sức khỏe, Đảng và Nhà nước còn quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định đời sống nên bà con yên tâm làm ăn, không nghe theo lời kẻ xấu”-ông Jil nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Đặng Trọng Hữu-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ayun: Trạm có bác sĩ, thuốc men đầy đủ nên đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ngoài công việc tại trạm, cán bộ y tế thường xuyên đến các thôn, làng thực hiện các dự án chăm sóc sức khỏe người dân; trong đó có Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng-chống suy dinh dưỡng trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Hàng tháng, Trạm đưa tổ lưu động xuống từng thôn, làng tiêm chủng mở rộng, đảm bảo cho trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ.

Giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế

Huyện Chư Sê có 15 trạm y tế xã, thị trấn; tất cả đều có bác sĩ. Theo bác sĩ Tạ Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, chủ trương đưa bác sĩ về tuyến xã là nhằm nâng cao hiệu quả công tác khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Người dân thuận lợi trong thăm khám sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế và an tâm điều trị ngay tại tuyến cơ sở, chỉ khi bệnh nặng mới chuyển tuyến.

Các đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân thường được triển khai tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: N.N

Các đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân thường được triển khai tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: N.N

Việc luân phiên cử bác sĩ về tuyến xã công tác đã góp phần nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thiên-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa-thông tin: Cả 9 trạm y tế xã đều có bác sĩ nên thuận lợi khi triển khai công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Ngoài khám tại trạm, nhân viên y tế còn thực hiện các đợt khám sức khỏe lưu động tại cộng đồng. Vừa qua, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện triển khai khám sàng lọc bệnh lao trên địa bàn huyện. Đoàn công tác với đội ngũ chuyên môn tốt cùng trang-thiết bị y tế hiện đại đã về tận thôn, làng thăm khám, chụp X-quang cho người dân; kịp thời phát hiện và điều trị cho các trường hợp mắc bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng.

Đội ngũ nhân viên y tế của tỉnh, huyện còn thường xuyên về các thôn, làng triển khai các chương trình, dự án chăm sóc sức khỏe cho người dân như: Chương trình mục tiêu y tế dân số; tiêm chủng mở rộng; khám sàng lọc bệnh lao; phòng-chống các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm; phòng-chống suy dinh dưỡng cho trẻ… Bác sĩ Đào Thị Bình-Trưởng khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho hay: Trung tâm đang triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Đây là một trong các hoạt động thuộc Dự án 7. Đối tượng hưởng lợi trực tiếp của mô hình là phụ nữ mang thai; bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 2 tuổi; trẻ em từ 0 đến dưới 2 tuổi; hộ gia đình có trẻ em dưới 2 tuổi tham gia mô hình. “Mô hình thành lập tại tất cả các xã vùng III trên địa bàn tỉnh; phấn đấu trong năm 2023 có 21 xã/43 xã vùng III thành lập được mô hình này. Khi đi vào hoạt động, mô hình tập trung tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ có thai chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thời gian mang thai và sau sinh giúp nâng cao sức khỏe cho mẹ và bé, phòng-chống suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng dân số”-bác sĩ Bình cho biết.

Trong năm 2023, Hội Chữ thập đỏ phối hợp với các đơn vị, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân với tổng giá trị trên 6,6 tỷ đồng. Ảnh: N.N

Trong năm 2023, Hội Chữ thập đỏ phối hợp với các đơn vị, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân với tổng giá trị trên 6,6 tỷ đồng. Ảnh: N.N

Đến tháng 12-2023, toàn tỉnh có 205/220 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã và 93% trạm y tế xã có bác sĩ. Nhiều địa phương có tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã cao như: Đak Đoa (17/17), Chư Păh (14/14), Ia Grai (13/13), Ia Pa (9/9), Đức Cơ (10/10), Đak Pơ (8/8), An Khê (11/11).

Cùng với các chương trình, dự án chăm sóc sức khỏe, các đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân cũng thường xuyên được triển khai đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Cao Xuân Nam-Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh-thông tin: Năm 2023, Ban Chăm sóc sức khỏe Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với các tổ chức, đơn vị triển khai các đợt khám bệnh từ thiện, cấp thuốc miễn phí và nhiều hoạt động liên quan chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ban thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe. Hướng dẫn và hỗ trợ Nhân dân thực hiện các biện pháp tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng; tuyên truyền vận động thực hiện tốt công tác phòng dịch theo sự chỉ đạo của ngành Y tế…

Bên cạnh đó, Ban Chăm sóc sức khỏe Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục củng cố, phát triển bếp ăn tình thương tại các bệnh viện nhằm cung cấp cháo, cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo… Trong năm 2023, tổng trị giá hoạt động của Ban Chăm sóc sức khỏe đạt trên 6,675 tỷ đồng (tăng 17% so với năm 2022), góp phần trợ giúp 23.947 người, trong đó có 11.714 lượt đối tượng được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, các đối tượng còn lại được hưởng lợi từ những hoạt động khác.

Có thể bạn quan tâm