Rừng-biển kết nối

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Truyền thuyết kể rằng, khi Lạc Long Quân trở về biển, nhớ chồng, nàng Âu Cơ thường đứng trên núi cao hướng về Biển Đông gọi tên cha của các con.

Lạc Long Quân nghe tiếng gọi tha thiết ấy thì trở về, nhưng quyết định mang theo 50 người con xuống biển và dặn Âu Cơ rằng: “Nay ta đem 50 con xuống biển, còn nàng đem 50 con lên núi, chia nhau trị vì các nơi, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, nhớ đừng quên…”.

Một truyền thuyết đẹp đã đi vào đời sống văn hóa của bao thế hệ người Việt. Ở thì hiện tại, chuyện “lên rừng xuống biển”, liên kết phát triển du lịch giữa 6 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên như một sự tiếp nối truyền thuyết. 3 tỉnh Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum được ví như “rừng vàng” hợp duyên cùng “biển bạc” là 3 tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định. Mỗi địa phương đều định vị thế mạnh của mình, có thể hợp sức để tạo sức mạnh liên vùng, xây dựng thương hiệu du lịch chung. Đây là vấn đề được các địa phương, doanh nghiệp đặt lên bàn nghị sự sau hơn 1 năm ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh trong giai đoạn 2022-2027.

Rừng-biển kết nối

20 năm trước, lần đầu tiên du lịch Việt Nam có 1 sản phẩm mang tên “Con đường di sản miền Trung”. Đó là kết quả liên kết giữa 3 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế. Thành công của “Con đường di sản miền Trung” tiếp tục được nối dài bằng nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa các vùng, miền trên dải đất hình chữ S, trong đó có khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Sau thỏa thuận ký kết hợp tác vào năm 2022, ngành du lịch 6 tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động liên kết, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch.

Gia Lai giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc, điểm check-in trong tỉnh tại các sự kiện, hội nghị liên kết du lịch. Ảnh: N.B

Gia Lai giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc, điểm check-in trong tỉnh tại các sự kiện, hội nghị liên kết du lịch. Ảnh: N.B

Ông Nguyễn Lê Phúc-Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ ra đặc trưng du lịch của 6 tỉnh. Đây là khu vực có tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn phong phú. Sự khác biệt rừng-biển tạo nên sự hấp dẫn riêng biệt cho du lịch miền Trung-Tây Nguyên, tạo tour kết nối có sức cạnh tranh cao. Nhiều điểm du lịch của 6 tỉnh được các tạp chí trong nước và quốc tế bình chọn là điểm đến hấp dẫn du khách như Buôn Đôn (Đak Lak), Thủy điện Ia Ly, Biển Hồ-hồ Tơ Nưng (Gia Lai), Khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Tum), Cù Lao Xanh, Eo Gió (Bình Định), Gành Đá Đĩa, Hòn Yến (Phú Yên), bãi biển Mỹ Khê (Quảng Ngãi). Trong đó, di sản thế giới “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là một lợi thế khai thác du lịch văn hóa, thu hút khách du lịch đến với vùng miền Trung-Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Lê Phúc khẳng định: “Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong triển khai chương trình liên kết phát triển du lịch giữa 6 tỉnh. Với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương nhằm khai thác tối đa lợi thế, tài nguyên du lịch để tạo ra những sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh cao”.

Sau hơn 1 năm triển khai, chương trình liên kết hành trình chung “lên rừng xuống biển” vẫn còn trong quá trình thai nghén. Kon Tum là trưởng nhóm liên kết trong năm 2023. Đây cũng là năm đầu triển khai các nội dung ký kết thỏa thuận hợp tác 6 tỉnh. Theo ông Nguyễn Duy Truyền-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum: Việc các địa phương cùng ngồi lại để nhìn nhận, phân tích những hạn chế khiến việc ký kết chưa tạo được dấu ấn sẽ giúp tìm hướng đi sát thực tế hơn. Trong nhiều hạn chế, cốt lõi là 6 địa phương vẫn chưa xây dựng được sản phẩm chung, chưa có thương hiệu chung, đặc trưng liên kết như logo, slogan để dễ nhận diện và tạo ấn tượng mạnh mẽ với du khách.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai, liên kết là sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau để đẩy mạnh phát triển. Trong cái chung phải bật lên cái riêng, cái đặc sắc, khác biệt mới có khả năng thu hút khách từ sản phẩm chung. Khí hậu 3 tỉnh Tây Nguyên khác biệt với 3 tỉnh duyên hải miền Trung nên phần lớn các công ty thường đưa khách Tây Nguyên về miền Trung vào mùa hè nghỉ dưỡng và ngược lại, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi đưa khách từ biển lên rừng vào những tháng cuối năm để thưởng ngoạn mùa đẹp nhất của Tây Nguyên.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai đề xuất: “Để cùng nhau tạo dựng được thương hiệu du lịch cần có sự liên kết thực chất giữa doanh nghiệp du lịch dịch vụ các tỉnh. Cần kết hợp đặc trưng của “Tây Nguyên đại ngàn” với sự đặc sắc của “biển xanh cát trắng” để hình thành 1 sản phẩm chung của 6 tỉnh, thể hiện rõ tính chất “lên rừng xuống biển”, đồng thời thống nhất chất lượng, giá cả. Khi có tour liên kết chung thì đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá trong guidebook hướng dẫn du lịch, trên website của Cục Du lịch Quốc gia, trên cổng điện tử du lịch thông minh của 6 tỉnh. Các hội chợ du lịch như VITM, ITE cần có sự phối hợp của các tỉnh cùng đăng ký tham gia gian hàng liền kề, tạo sự liên kết cho du khách ngay bước đầu tìm hiểu và quyết định lựa chọn”.

Quảng bá trên không

Ông Trần Văn Quang-Chủ tịch Công ty VND Travel Quy Nhơn (Bình Định) cho rằng liên kết sẽ giúp du khách có 1 hành trình 5 điểm đến, khám phá nhiều loại hình văn hóa, ẩm thực rừng-biển. Sự khác biệt này là thế mạnh tạo lợi thế cạnh tranh du lịch chung 6 tỉnh. Tuy nhiên, trở ngại về giao thông là vấn đề lớn cho tour kết nối này. “Hạ tầng giao thông với con đường xuyên Á như quốc lộ 19, 24 nối liền biển và rừng với các nước không có biển như Lào và Đông Bắc Thái Lan đang là trở ngại. Đây là con đường xuống biển ngắn và gần nhất, nhưng nhiều năm đường sá chưa làm xong khiến du khách mất nhiều thời gian di chuyển, các vùng không tạo được chuỗi liên kết sản phẩm khép kín”-ông Quang nhìn nhận.

Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Phan Nguyên

Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Phan Nguyên

Vấn đề này cũng được Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai đề cập khi cho rằng, các chuyến bay của Hãng Hàng không Bamboo đến Tây Nguyên hay chuyến bay nối Pleiku-Đà Nẵng ngừng khai thác dẫn đến các chuyến bay nối rừng-biển tần suất thấp, cách nhật cũng đã hạn chế khách đến Tây Nguyên. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Bảy-Phó Trưởng phòng Thương mại hành khách-Chi nhánh Vietnam Airlines khu vực Việt Nam-thông tin: Trong năm 2023, Vietnam Airlines đã ký kết hợp tác toàn diện với trên 30 tỉnh, thành trong cả nước cho phép Vietnam Airlines tham gia hợp tác sâu hơn cùng với các tỉnh trong việc xúc tiến đầu tư, quảng bá rộng hình ảnh, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng vùng miền. Nhưng do một số khó khăn, Vietnam Airlines đã phải ngừng hoặc giảm tần suất khai thác ở một số chặng.

Về các chương trình hợp tác trong năm 2024, ông Bảy cho biết: “Quan điểm xuyên suốt của Vietnam Airlines là hỗ trợ tối đa các tỉnh, đặc biệt là 6 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, các hội chợ du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường quảng bá sản phẩm đặc trưng, tiềm năng du lịch trên các phương tiện sẵn có của Vietnam Airlines như bản tin ngày Tết, bản tin hàng không, trên màn hình máy bay… Chúng tôi hy vọng góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng trong chương trình hợp tác liên kết vùng của các địa phương rộng rãi đối với thị trường khách trong nước và quốc tế qua đường hàng không”.

Liên quan đến vấn đề quảng bá, ông Nguyễn Văn Hoa-Giám đốc Công ty CoCo Travel Quảng Ngãi-cho rằng, mỗi địa phương cần định rõ những điểm du lịch nổi tiếng, sản phẩm đặc trưng, trải nghiệm du lịch độc đáo của mình để xây dựng thương hiệu chung cho miền Trung-Tây Nguyên. Mỗi tỉnh đóng góp tạo hình ảnh đồng nhất và mạnh mẽ về hành trình kết nối rừng-biển, giúp tăng cường ấn tượng và nhận thức cho du khách. Nhóm liên kết cần hợp tác về mặt truyền thông và công nghệ để tạo ra chiến lược quảng bá toàn diện từ truyền hình, báo chí, tạp chí du lịch, mạng xã hội, trang web, các ứng dụng di động để tiếp cận lượng du khách lớn nhất có thể.

Ông Nguyễn Văn Hoa đề xuất ý tưởng: “Chúng ta nên biến mỗi kỳ tổng kết thành một lễ hội du lịch, đó vừa là hội nghị, vừa là cơ hội truyền thông, vừa kết nối giữa các đơn vị lữ hành, các nhà cung ứng sản phẩm du lịch, người dân địa phương và du khách trong nước, quốc tế. Cần biến mọi cơ hội thành những sự kiện mang tính viral (chỉ sự kiện có độ phổ biến rộng, nhanh chóng). Từ hội nghị tổng kết biến thành thành lễ hội du lịch mang tầm khu vực và lan tỏa ra thị trường cả nước, đây cũng là cách quảng bá thương hiệu du lịch miền Trung-Tây Nguyên”.

Có thể bạn quan tâm