Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Không chỉ giúp hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển, quy hoạch tỉnh còn được xem như một chỉ dẫn quan trọng để định vị những giá trị, cơ hội cũng như xác định những thách thức trong tương lai.

Đó cũng là mục tiêu lớn nhất mà Gia Lai phấn đấu đạt được khi triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tầm nhìn chiến lược

Đây là lần đầu tiên các quy hoạch ngành, lĩnh vực được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Gia Lai đặt ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trở thành vùng động lực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên; là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập; hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu.

Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế, cũng trong giai đoạn này, Gia Lai ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp; chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên.

Tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lai là “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa. Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số, phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo dựa trên 3 trụ cột là nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.

Về xã hội, Gia Lai mang đặc trưng vùng sinh thái nhân văn cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng. Xây dựng cộng đồng có lối sống xanh, lấy con người làm trung tâm, nâng cao tri thức cộng đồng, chất lượng nguồn nhân lực. Môi trường sinh thái Gia Lai xanh hơn, bền vững hơn với khả năng phục hồi và thích ứng biến đổi khí hậu. Tái lập hệ sinh thái đặc sắc trên địa bàn tỉnh, tăng cường đa dạng sinh học vùng Nam Trường Sơn, bảo vệ cấu trúc địa chất núi lửa Tây Nguyên. Gia Lai có hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ, xanh, thông minh. Gia Lai kết nối với sự phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông gắn dịch vụ vận tải; hạ tầng công nghệ số liên thông với hạ tầng số quốc gia. Hệ thống đô thị phát triển hiện đại liên kết với khu vực nông thôn, người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ, tiện ích xã hội.

Nhiều chỉ tiêu đã được tỉnh đề ra trong quy hoạch nhằm tạo động lực phát triển. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9,57%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 133 triệu đồng, tương đương 5.500 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 77,5%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 1% đến 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm khoảng 3%/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%…

Xác định các mũi nhọn đột phá

Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra 5 đột phá phát triển gồm: đột phá về cơ chế, chính sách; đột phá về nhân lực; đột phá về hạ tầng; đột phá về mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái; đột phá hành lang phát triển và các cực không gian tăng trưởng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: Đột phá về cơ chế, chính sách chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; thúc đẩy cơ chế liên kết hình thành chuỗi sản phẩm: mô hình chuỗi sản phẩm, cơ chế liên kết; xây dựng chính sách cho các ngành ưu tiên, vượt trội (nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng, du lịch, thể thao và dịch vụ chăm sóc sức khỏe); cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn nguồn lực đầu tư: cải thiện tiếp cận đất đai và chất lượng quy hoạch; xúc tiến đầu tư kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tỉnh đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số: tối đa hóa về tốc độ cấp chứng nhận đầu tư, giấy phép kinh doanh; công tác điều hành của chính quyền dựa trên nền tảng số lấy phục vụ người dân, doanh nghiệp là mục tiêu hàng đầu.

Cánh đồng điện gió xã Ia Pết, huyện Đak Đoa. Ảnh: Huyền Tỷ

Cánh đồng điện gió xã Ia Pết, huyện Đak Đoa. Ảnh: Huyền Tỷ

Còn đột phá về nhân lực chính là chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao có khả năng thích ứng và tự đào tạo, đặc biệt có trình độ chuyên môn cao ở một số lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến công nghệ cao, y tế và chăm sóc sức khỏe, năng lượng tái tạo...; hình thành lực lượng chuyên gia khoa học công nghệ trình độ cao ở các lĩnh vực ưu tiên và xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo theo chuẩn quốc gia; lựa chọn một số lĩnh vực đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Để kinh tế phát triển, không thể không đột phá về hạ tầng. Đó là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng vùng động lực; tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng phục vụ cho khu-cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin viễn thông; ưu tiên đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Lệ Thanh; nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku; phát triển hạ tầng khu-cụm công nghiệp, logistics; đột phá về hạ tầng số trên nền tảng đổi mới hạ tầng công nghệ thông tin, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Gia Lai sẽ nỗ lực hết sức để trong giai đoạn tiếp theo có những thành tựu đột phá về mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái: phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, Gia Lai sẽ chú trọng đột phá hành lang phát triển và các cực không gian tăng trưởng.

Trong đó, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14), quốc lộ 19, quốc lộ 25 sẽ là 3 hành lang kinh tế động lực kết nối TP. Pleiku và vùng phụ cận, thúc đẩy toàn tỉnh tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thành phố Pleiku mở rộng không gian hành chính lãnh thổ kết nối với các huyện lân cận (Đak Đoa, Chư Sê, Chư Păh, Ia Grai) nhằm đảm nhận nhiều chức năng mới của quốc gia, của vùng Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai về chuyển đổi số, dịch vụ trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp, nông-lâm nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục, du lịch, y tế, thể dục thể thao… Đồng thời, TP. Pleiku liên kết với TP. Kon Tum trở thành trung tâm động lực kinh tế-xã hội tiểu vùng Bắc Tây Nguyên. Và, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh là đầu mối quan trọng trên hành lang Đông-Tây.

5 nhiệm vụ trọng tâm

Có thể nói, Quy hoạch tỉnh có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho tỉnh.

Gia Lai nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để trở thành tỉnh phát triển top đầu khu vực. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để trở thành tỉnh phát triển top đầu khu vực. Ảnh: Hà Duy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long: “Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công cụ quan trọng để tỉnh hoạch định đường hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững”.

Theo đó, Gia Lai đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm để phát huy tối đa giá trị của Quy hoạch tỉnh, đó là: cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xúc tiến đầu tư; đảm bảo các điều kiện thuận lợi, công bằng về lợi ích theo hình thức đối tác công tư cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; thúc đẩy hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp; khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng các nền tảng chuyển đổi nền kinh tế hiện đại, ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến, phục vụ phát triển nông nghiệp; hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tăng cường chất lượng các dịch vụ trung gian để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực trọng điểm; nâng cao chất lượng, mức độ thụ hưởng các mặt đời sống xã hội của người dân trong tỉnh, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn vùng sâu, vùng xa; bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử; phát huy bản sắc, vốn sinh thái nhân văn.

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ cho các lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực của tỉnh; ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ, chính quyền số, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, hạ tầng giao thông, kết nối đô thị và vùng động lực, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng hỗ trợ các ngành công nghiệp và dịch vụ tại khu cụm công nghiệp, hạ tầng để kết nối phát triển du lịch.

Xây dựng tỉnh Gia Lai theo hướng trở thành hình mẫu về mô hình phát triển năng lượng tái tạo, bảo tồn và tôn tạo tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng, trở thành một trong những tỉnh đầu tiên có nền kinh tế trung hòa carbon.

Có thể bạn quan tâm