Người thầy giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Hè năm 2004, bản thảo tiểu thuyết “Màu rừng ruộng” của tôi đang giữa chừng thì tắc mạch. Sau chuyến đi Buôn Đôn, tôi đã được dũng sĩ săn voi Ama Kông “vẽ đường” cho nhân vật Y Than.

Không những vậy, cũng nhờ vào sự gợi ý của vị Yàng trên nóc nhà rông làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) mà tôi đã viết xong cuốn tiểu thuyết này.

Từ vị Yàng trên nóc nhà rông

Năm 1992, tôi nhận lệnh chở 5 tấn gạo cứu trợ cho đồng bào Mô Rai. Chỉ còn cách làng Le khoảng 3 km thì xe bị chạm điện, bốc khói mù mịt. Tôi lọ mọ đấu nối xong thì bình ắc quy cạn kiệt, không tài nào nổ máy được. Đường rừng vắng ngắt, chỉ có tiếng vượn hú âm âm. Trong cơn mệt và đói, tôi quyết định lội bộ vào làng Le kiếm cơm ăn.

Tôi vào làng Le đúng lúc một con trâu lớn vàng hươm đang nằm trên giàn lửa tươm mỡ thánh thót xuống than hồng. Những ống cơm lam cũng đã gác dày xung quanh. Đám trai làng leo lên một chiếc giàn cao được ghép bằng cây, dùng chân kẹp những con dao dài đặt ngửa lưỡi lên trên rồi cầm từng tảng thịt trâu nướng bốc khói miết miết lên những lưỡi dao ấy. Thịt trâu bay loang loáng như sao rụng xuống những tàu chuối rừng xanh ngăn ngắt.

Sân lễ vật được bày, ở giữa là chiếc đầu trâu còn sống, kế đến là một dãy ghè rượu đã cắm cần, xung quanh xếp kín thịt và cơm lam vừa bóc. Mùi men, hương nếp quện mùi thịt nướng thơm quặn ruột. Vị già làng đầu quấn khăn đỏ cắm bông chít trịnh trọng vẩy rượu, máu trâu, gạo và muối ra bốn phía, miệng lầm rầm cầu khấn. Bài khấn của vị già làng vừa dứt, một trai làng khỏe mạnh leo lên nóc nhà rông mang Yàng xuống.

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Yàng là tên gọi chung các vị thần chỉ tồn tại trong đời sống tâm linh. Nhưng Yàng làng Le là một vật hữu hình. Đó là một khúc gỗ lũa ngậm một đoạn ngà voi và một hòn đá sắc.

Già làng run run nhấc Yàng ra ngoài. Hàng trăm cặp mắt hồi hộp dõi vào đáy gùi và tất cả cùng ồ lên một tiếng. Dưới đáy gùi là những vật hình tròn, trắng, nhiều kích cỡ. Già làng vui mừng thông báo: “Yàng đẻ rất nhiều, được những 12 quả. Năm nay sẽ được mùa to!”. Sau khi được tắm bằng rượu và nước lá thơm, Yàng được treo lại chỗ cũ.

Mặc dù bán tín bán nghi, đoán những vật trắng trắng tròn tròn kia là do chim rừng bay vào nhà rông làm tổ và đẻ trứng thôi, nhưng tôi vẫn làm theo những người Rơ Mâm ngước mắt nhìn lên nóc nhà rông cao vút để bày tỏ lòng thành kính.

Đến cuộc trò chuyện với dũng sĩ săn voi

Hè năm 2004, bản thảo tiểu thuyết “Màu rừng ruộng” của tôi đang giữa chừng thì tắc mạch. Loay hoay mãi chả thông, tôi vào Tây Nguyên, xuống Buôn Đôn chơi. Và thật may mắn, tôi được gặp Ama Kông. Năm đó, Ama Kông đã 94 tuổi, nổi tiếng khắp nước với thành tích đã bắt được 298 con voi và gần 600 con bò tót. Ông cũng được mệnh danh là người đàn ông đào hoa nhất Tây Nguyên với 4 bà vợ, 21 người con, còn cháu thì… “mình không nhớ hết, đâu hơn trăm gì đó”.

Nghề săn voi rừng đã bị cấm nên Ama Kông buồn lắm, ngày ngày cưỡi voi thơ thẩn trong rừng Yook Đôn kiếm cây rừng về bào chế bài thuốc bí truyền. Biết tôi muốn tìm hiểu nghề săn voi rừng, khuôn mặt Ama Kông thoắt sáng bừng. Ông kéo tôi về ngôi nhà gỗ hơn trăm tuổi có bộ đồ nghề săn bắt voi tại Buôn Đôn uống rượu và nghe ông kể chuyện.

Theo ông Ama Kông, nghề săn voi ở Buôn Đôn phân ra 3 mức: người mới vào nghề gọi là laigang; người bắt được từ 15 con voi được gọi là băksai; đẳng cấp nhất là gru-người săn được từ 30 con trở lên. Gru là người tổ chức những chuyến săn tung hoành khắp Tây Nguyên.

Luật săn quy định, trước khi đi, thợ săn phải tuyệt đối chay tịnh trong 30 ngày, phải làm lễ cúng Yàng, cúng voi… Ở nhà, vợ các thợ săn không được phép có bất cứ một biểu hiện liếc mắt đưa tình với ai, cũng không được phép lật úp cối giã gạo, vì như thế voi nhà sẽ ngã khi giao đấu với voi rừng. Riêng với các laigang còn phải tuân thủ thêm những quy định khác, đó là khi đi săn thì không được phép… mặc áo quần, không được phép gần đàn bà con gái…

Trong tất cả các cuộc săn, laigang luôn được ưu tiên xung trận, cả đoàn săn sẽ hỗ trợ để những người mới vào nghề có cơ hội bắt được những con voi rừng đầu tiên. Thế nhưng, nếu vi phạm một trong những điều cấm kỵ thì hình phạt được áp dụng tức thì laigang phải chọn một trong hai con đường: hoặc một mình quay về, chấm dứt “giấc mộng gru”; hoặc chấp nhận một mình cưỡi voi giao đấu với đàn voi rừng, nếu còn sống thì tiếp tục được theo nghề.

Và cuộc đấu voi trên giấy

Bản thảo “Màu rừng ruộng” của tôi bị tắc đúng đoạn nàng sơn nữ Y Than xinh đẹp nhất làng Sập nhất quyết không chịu bắt chồng. Nàng không muốn con cháu nàng mãi mãi chỉ thấp ngang ghè rượu. Nàng không muốn con cháu nàng chỉ quẩn quanh mãi một xó rừng theo vết chân muông thú. Nàng cần một cuộc vượt thoát. Nhưng vượt thoát bằng cách nào đây khi làng Sập bị núi rừng vây bủa tứ bề, khi những cuộc chiến tranh sắc tộc liên miên đã tạo nên một bức tường nghi ngại, đề phòng lẫn nhau? Tôi đã thử cho nàng “phá rào” bằng nhiều cách, nhưng cách nào cũng khiên cưỡng.

Sau chuyến đi Buôn Đôn, tôi đã được dũng sĩ săn voi Ama Kông “vẽ đường” cho nàng Y Than. Một buổi vào rừng hái măng tìm nấm, nàng gặp một đoàn thợ săn đang ngủ bên bờ suối. Nàng đã choáng váng khi thấy chàng laigang Krôl một mình tách đoàn thênh thang khỏa bên bờ suối rợp hoa râm ran tiếng chim rừng.

Chàng trai M’Nông thông minh phóng khoáng và cô gái Rơ Mâm xinh đẹp đang trong cảnh sống u uẩn tù đọng. Khung cảnh thơ mộng thần tiên. Tuổi trẻ bồng bột và đam mê… Chuyện gì đến phải đến. Và phạm luật. Chàng laigang Krôl với hoài bão trở thành dũng sĩ tự chọn hình phạt thứ hai, một mình một thớt voi lao vào bầy voi rừng hung dữ.

Tôi hăm hở lao vào viết. Nhưng rồi tôi giật mình khựng lại vì nhận ra trí tưởng tượng của mình đã đi quá xa và… mất phương hướng. Chả nhẽ lại cứ “tả trận” mãi? Nhưng kết như thế nào? Chàng laigang Krôl đã thông minh khéo léo đánh được bầy voi rừng và bắt sống 1 con voi con? Đó là hoang tưởng. Chàng laigang Krôl kiệt sức gặp nguy và cầu xin đoàn săn giải cứu, chấp nhận từ bỏ ước mơ trở thành dũng sĩ săn voi? Thế thì… xoàng quá!

Tôi nằm vật ra sàn nhà nhắm mắt bóp đầu suy nghĩ lao lung tìm cách kết thúc câu chuyện, đến khi mệt quá chuẩn bị thiếp đi thì thật bất ngờ, vị Yàng ở nhà rông làng Le năm nào bỗng hiện về rõ nét trước mắt tôi. Phải rồi! Khúc gỗ lũa ngậm đoạn ngà voi và một hòn đá sắc! Tôi reo thầm và bật dậy viết liền một mạch. Trong đó có đoạn: “Chàng móc nhẹ đòng vào tai voi. Con voi 1 ngà hơi lưỡng lự một chút, bởi bao trận huyết chiến với voi rừng chưa bao giờ nó phải nhận lệnh này. Nhưng tay đòng của Krôl vẫn cương quyết, nó đành quay gót cõng chủ bỏ chạy. Con voi rừng đầu đàn đang say máu lập tức đuổi theo. Khi tốc độ phi của 2 con voi đã đạt đỉnh, Krôl nghiến răng giật mạnh tay đòng. Bốn chân con voi của Krôl dừng tắp cày tung bụi đất. Rồi nhanh như chớp, nó ngoắt ngay trở lại. Krôl rướn thẳng người trên cổ voi hét lên một tiếng lạnh người. Hai con voi như 2 quả núi xé gió lao vào nhau với một tốc độ hủy diệt. “Rầm!”. Một tiếng động khủng khiếp vang lên. Đàn voi rừng chạy táo tác kéo theo những vệt cây đổ ầm ầm.

Đuốc được đốt lên. Đoàn săn lặng phắc cúi đầu trước cảnh tượng bi tráng: Chiếc ngà voi xuyên thấu thân cây giữ nguyên dáng chết của thớt voi dũng mãnh. Không thấy Krôl đâu. Đoàn săn túa ra xung quanh soi từng gốc cây bụi cỏ. Họ chỉ thấy máu thịt chàng đỏ chói tóe lên cây lá thành những tia mặt trời, thành những đóa hoa bất tử…”.

Chương tiểu thuyết có tên “Voi sao” của tôi được hoàn thành nhờ sự gợi ý của vị Yàng trên nóc nhà rông làng Le như thế. Đối với những nhà nghiên cứu dân gian Tây Nguyên hiện nay, Yàng làng Le chỉ là một ngẫu tượng, nhưng với riêng tôi, đó là một vị thầy. Một vị thầy bí ẩn giữa đại ngàn.

Có thể bạn quan tâm