Bừng sáng làng tái định cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bố trí đất ở, đầu tư cơ sở hạ tầng và di dời người dân ở các làng thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt đến nơi ở mới là chủ trương đúng đắn. Sức sống mới ở những ngôi làng tái định cư đang dần hiện hữu qua từng nếp nhà khang trang, vững chãi.

Nhanh chóng ổn định cuộc sống

Trải qua nhiều năm sống thấp thỏm trong mối lo ngập lụt, dân làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang) đã có một cái Tết an vui, trọn vẹn trong ngôi nhà mới ở làng tái định cư. Kon Bông từng là một trong những ngôi làng khó khăn nhất của huyện Kbang. Nhưng giờ đây, không khí vui tươi đang lan tỏa, ấm áp trong mỗi nếp nhà, trên từng khuôn mặt người dân.

Sau 1 năm di dời khỏi vùng ngập lụt, cuộc sống của 73 hộ dân Bahnar làng Kon Bông đã bắt đầu ổn định. Làng có 155 hộ với hơn 500 khẩu. Những hộ thuộc diện di dời trước đây sinh sống dọc bên suối, nỗi lo ngập lụt, chạy lũ luôn thường trực. Mỗi năm, người dân phải hứng chịu vài trận lụt, có lúc lũ lớn cuốn trôi nhà cửa, thóc lúa và cả đàn gia súc khiến cuộc sống của họ gặp vô vàn khó khăn.

Ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Đak Rong-cho biết: Từ nguồn ngân sách hơn 20,4 tỷ đồng, huyện đã san ủi mặt bằng gần 3,7 ha để bố trí quỹ đất di dời nhà ở từ làng cũ lên vị trí quy hoạch làng mới; đồng thời hoàn thiện gần 2 km đường giao thông nội làng; đầu tư hệ thống cấp nước, điện sinh hoạt, xây dựng nhà văn hóa, nâng cấp trường mẫu giáo. “Sau khi sắp xếp dân cư, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân thực hiện dự án thâm canh, tăng năng suất cà phê, lúa nước; nhân rộng mô hình trồng mắc ca, nuôi heo đen, mở rộng diện tích rừng giao khoán để bà con có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống nơi làng mới”-Chủ tịch UBND xã Đak Rong thông tin.

Đón chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, chị Đinh Thị Khía không giấu được niềm vui. Sau 1 năm dời về nơi ở mới, cuộc sống của gia đình chị đã ổn định. “Làng mới có điện, nước sinh hoạt đầy đủ, điều kiện sống cũng tốt hơn, bà con ai nấy đều phấn khởi. Từ nay, dân làng không sợ lũ lụt nữa. Tôi cũng như bà con sẽ làm hàng rào, cổng ngõ, trồng cây xanh, chăm chút cho làng thêm xanh-sạch-đẹp”-chị Khía phấn khởi cho hay.

Hơn 1 năm qua, gia đình anh Nay Hlinh (buôn Jứ, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) cũng thoát khỏi cảnh sống trong thấp thỏm, lo âu ngập lụt, sạt lở đất. Chuyển về khu tái định cư, gia đình anh cũng như 90 hộ dân ở đây đã toại nguyện giấc mơ an cư. Được Nhà nước tạo điều kiện cấp cho mỗi hộ gần 400 m2 đất, anh xây dựng căn nhà sàn kiên cố với diện tích gần 100 m2. Với việc trồng hơn 1,5 ha cây thuốc lá và 3 sào lúa, nuôi 5 con bò, thu nhập hàng năm của gia đình anh đạt trên 150 triệu đồng. Anh Hlinh bộc bạch: “Điện, đường, trường lớp xây dựng đầy đủ, các cháu đi học gần nhà, thuận tiện hơn so với trước đây. Từ nay, bà con yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình”.

Chuyển về khu tái định cư, gia đình anh Nay Hlinh (buôn Jứ, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) thoát khỏi cảnh sống thấp thỏm trong mối lo ngập lụt. Ảnh: M.N

Chuyển về khu tái định cư, gia đình anh Nay Hlinh (buôn Jứ, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) thoát khỏi cảnh sống thấp thỏm trong mối lo ngập lụt. Ảnh: M.N

Còn tại xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa), 96 hộ dân buôn HLang hiện cũng đã ổn định cuộc sống sau khi dời nhà từ vùng sạt lở cạnh sông Ba về buôn Du. Khu tái định cư gần quốc lộ 25, cách buôn cũ hơn 1 km, có tổng diện tích gần 4,5 ha. Bình quân mỗi hộ được cấp hơn 400 m2 đất ở, đất vườn và 20 triệu đồng để di dời nhà ở. Trước kia, buôn HLang có gần 400 hộ đồng bào Jrai sinh sống gần sông Ba. Đây là một trong những khu vực trọng điểm về sạt lở đất, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Qua rà soát, 102 hộ dân có nhà ở thường bị ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng cần di dời.

Anh Rơ Lan Bay vui mừng nói: “Nơi ở mới rất thoải mái, có đường giao thông, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt. Bà con thoát được nỗi ám ảnh về mưa lũ, sạt lở đất. Cảm ơn Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ấm no, vui xuân, đón Tết trong ngôi nhà đẹp đẽ như hôm nay”.

An cư để lạc nghiệp

Tận mắt chứng kiến nét rạng ngời trên khuôn mặt người dân mới hiểu được giá trị của 2 từ “an cư”. Đó cũng là cảm xúc của 62 hộ dân sống ở các sườn dốc, ven chân núi thường xuyên chịu cảnh sạt lở tại buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) khi sắp được chuyển về nơi ở mới. Hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khu tái định cư đã hoàn thiện.

Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-khẳng định: “Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thi công. Một khi cơ sở hạ tầng khu tái định cư đã hoàn chỉnh, huyện sẽ tổ chức di dời người dân đến nơi ở mới, giúp bà con ổn định nhà ở để chuyên tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.

Làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: M.N

Làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: M.N

Làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) trước đây từng là “ốc đảo”, đi lại khó khăn khiến cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ bề. Nhờ tháo gỡ “nút thắt” về giao thông cùng hàng loạt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế được triển khai đã giúp bà con từng bước thoát nghèo. Ông Huỳnh Ngọc Hải-Chủ tịch UBND xã Lơ Pang-cho biết: Làng Pờ Yầu hiện có 135 hộ đồng bào Bahnar. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của làng chiếm đến 70% thì nay đã giảm còn 37,04%.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động bà con vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời hướng dẫn bà con nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả, tập trung mọi nguồn lực để đưa làng Pờ Yầu vươn lên. Đặc biệt, xã đang phối hợp với các ngành liên quan triển khai dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Pờ Yầu. Giờ người dân ở đây không chỉ “lạc nghiệp” mà sắp tới đây còn được “an cư”, tiếp thêm động lực vươn lên thoát nghèo, hướng đến đời sống ấm no”-Chủ tịch UBND xã Lơ Pang cho hay.

Theo ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh, đến thời điểm này, 13 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết đã được phê duyệt quyết định đầu tư tại các thôn, làng thuộc 8 huyện trên địa bàn tỉnh. Hiện các chủ đầu tư đang tổ chức thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định. Còn lại các dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư xã Hà Đông (huyện Đak Đoa), làng Díp (xã Ia Kreng) và làng Bui (xã Ia Ka) của huyện Chư Păh đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Do thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dài (trung bình 6 tháng), các dự án đều thiết kế 2 bước (trung bình 3 tháng) nên không kịp giải ngân vốn theo kế hoạch đề ra. Tiến độ triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư là UBND cấp huyện còn chậm. Do vậy, Ban Dân tộc đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành các thủ tục đầu tư để triển khai giải ngân vốn giao cho dự án đảm bảo tiến độ quy định.

“Đây là điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số tại các làng vùng khó ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí và ổn định dân cư theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là “điểm tựa” giúp hàng ngàn hộ dân trong tỉnh “an cư lạc nghiệp”-Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm