Bảo vệ "lá phổi xanh" thành phố Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nằm giữa trung tâm đô thị, Quảng trường Đại Đoàn Kết như lá phổi xanh điều hòa không khí, thanh lọc khói bụi cho TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Để giữ cho quần thể cây xanh với rất nhiều chủng loài luôn sinh trưởng khỏe mạnh là đội ngũ có tình yêu rất lớn với cỏ cây.
“Bác sĩ” của cây
Sáng sớm, dạo một vòng quanh khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết, tôi cảm nhận rất rõ không khí lao động của những người chăm sóc cây xanh, thảm hoa lá cỏ. Sau những đường xén rất ngọt của máy cắt, mùi cỏ tươi xộc vào mũi có cảm giác như được trở về tuổi thơ thuở nào. Những chiếc lá khô rụng kín lối đi trên đường nội bộ và thảm cỏ cũng được thu gom sạch sẽ. Trong khu vực vườn ươm, người tưới cây, người cắt chồi, dưỡng hoa cho những chậu cúc đại đóa chuẩn bị đón Tết. Ngoài ra, để quần thể gần 2.000 cây xanh sinh trưởng tốt tươi, còn cần đến những “bác sĩ lâm nghiệp” kiểm tra sức khỏe cho cây thường xuyên, đảm bảo lá phổi xanh của thành phố luôn được chăm sóc tốt nhất.
Thạc sĩ lâm nghiệp Trần Thị Hiên chia sẻ: Năm 2014, chị về công tác tại Ban Quản lý Quảng trường Đại Đoàn Kết (từ năm 2019 đến nay, Ban Quản lý sáp nhập vào Bảo tàng tỉnh và do đơn vị này quản lý) với nhiệm vụ chính chăm sóc quần thể cây xanh. “Ngoài một số cây hoa sứ, cây thông trăm tuổi và tùng bách tán có từ trước, còn lại toàn bộ cây xanh do các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh bạn tặng. Phần lớn là cây di thực nên việc chăm sóc gặp rất nhiều khó khăn. Đối với một số cây, chúng tôi phải đào lên để xử lý lại như xé bầu cho cây bén rễ, sinh trưởng tốt, thay đổi vị trí cho phù hợp với đặc tính của cây và hài hòa với cảnh quan… Có những cây rất đỏng đảnh, khó trồng và chăm sóc như ngọc lan nhưng trồng thành hàng rất đẹp, ít rụng lá. Hàng ngọc lan thơm ngát còn tạo điểm nhấn cho quần thể cây xanh ở Quảng trường, được rất nhiều du khách yêu thích”-chị Hiên chia sẻ.
Chăm sóc cây xanh. Ảnh: Bá Tính
Khi mới khánh thành Quảng trường, khu vực vườn ươm chưa hình thành, đội ngũ chăm sóc cây cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng sau 10 năm gắn bó, họ đã hiểu rõ đặc tính và có nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây. Riêng chị Hiên còn có nhiều sáng kiến trong bảo vệ, quản lý hệ thống cây xanh. Năm 2019, chị đưa ra sáng kiến “Ứng dụng GIS trong quản lý cây xanh tại Bảo tàng tỉnh”. Thông qua ứng dụng này có thể truy cập nhanh chóng dữ liệu trong công tác quản lý cây xanh, nắm bắt tình trạng sinh trưởng và phát triển, thực trạng sâu bệnh, chất lượng của từng loại cây... Từ đó, đưa ra những biện pháp khắc phục, điều chỉnh để cây phát triển tốt nhất. Bảo tàng tỉnh đã ứng dụng sáng kiến này trong quản lý thông tin cây xanh tại Quảng trường.
Năm 2020, chị Hiên tiếp tục đưa ra giải pháp ủ phân vi sinh từ phế phẩm cỏ lá gừng (axonopus compressus) phục vụ công tác chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, cây hoa lá màu tại Bảo tàng tỉnh. Mẫu phân ủ được kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh cho kết quả đạt yêu cầu về chất lượng của phân hữu cơ vi sinh. Phân bón được thử nghiệm cho hiệu quả cao, tăng cường hệ sinh vật có ích giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất và hạn chế một số nấm bệnh. Giải pháp này cũng tận dụng được lượng phế phẩm rất lớn từ cỏ và giảm chi phí đầu vào. Nữ thạc sĩ cho biết: “Mỗi cây xanh đều có đặc tính riêng, việc bón phân, chăm sóc cũng phải theo chu kỳ sinh trưởng của cây. Điều chúng tôi lo lắng nhất là vấn đề sâu bệnh, vì khâu xử lý rất phức tạp, tuyệt đối không được gây hại tới môi trường. Chẳng hạn như để xử lý rệp đen trên hoa sen hay rệp trắng trên cây ngọc lan, chúng tôi phải dùng phương pháp dân gian kết hợp với biện pháp sinh học. Sự kết hợp này đảm bảo cây hết sâu bệnh và giữ được môi trường trong lành”.
Nâng niu những mầm xanh
Đội ngũ chăm sóc cây xanh hiện có trên 30 người, chia thành 3 tổ lao động và 1 tổ vườn ươm. Nhiều người gắn bó với công việc từ những ngày đầu Quảng trường được đưa vào hoạt động như chị Phạm Thị Thương-Tổ trưởng tổ vườn ươm. Chị Thương bộc bạch: “Tôi đã có 10 năm làm việc tại đây. Công việc hầu như tất bật quanh năm, từ chăm sóc cây cảnh, thảm cỏ đến ươm các loại hoa, cây giống, cắt ghép cành để tạo ra nguồn cây chủ động đưa ra trang trí ở khu vực Quảng trường. Đặc biệt, trong dịp lễ, Tết, chúng tôi ươm giống hàng ngàn cây hoa đủ chủng loại như mào gà, mai địa thảo, thu hải đường, cúc lá nhám, vạn thọ pháp, cẩm chướng… để trang trí cho các điểm quanh khu vực ở Quảng trường, nơi thờ Bác, các khu vực thuộc Bảo tàng tỉnh. Nhìn Quảng trường tươi xanh, ngát hương hoa với đủ màu sắc, nhiều người dân và khách du lịch thường đứng lại trầm trồ khen ngợi, chúng tôi thấy rất vui”.
Khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) luôn được giữ gìn xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Hoàng Ngọc
Tất bật quanh năm nhưng mức thù lao của đội ngũ ở đây lại khá thấp. Bù lại, họ có niềm vui rất lớn trong công việc. “Mức lương của tôi chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, thu nhập khác chẳng đáng là bao. Nếu không yêu việc thì tôi không thể gắn bó với nơi này. Nhìn những hạt giống nảy mầm, trồng xuống đất những cây non rồi nhìn chúng lớn lên từng ngày, nở ra muôn sắc hoa, thì đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khó diễn tả thành lời”-chị Thương tâm sự.
Trao đổi cùng P.V, ông Nguyễn Hải Bình-Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh-chia sẻ: Quần thể cây xanh ở Quảng trường do nhiều địa phương trong tỉnh và cả nước gửi tặng. Đây còn là biểu tượng cho tinh thần đại đoàn kết, tình cảm của đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung hướng về Bác kính yêu. Phía sau bức phù điêu (hay còn gọi là vườn cây đa) là khu vực trồng cây lưu niệm tưởng nhớ công ơn Bác của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương. “Hàng năm, đơn vị giao nhiệm vụ cụ thể trong việc bảo vệ, trồng và chăm sóc cây xanh, khen thưởng kịp thời những sáng kiến hữu ích được áp dụng trong công tác này. Những người trực tiếp trồng, chăm sóc cây còn được đơn vị tạo điều kiện đi một số tỉnh, thành học hỏi kinh nghiệm để chăm sóc tốt quần thể cây xanh và chủ động tạo ra nhiều giống cây, giống hoa mới làm đẹp cho không gian Quảng trường”-ông Bình nhấn mạnh.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm