Sự tương hợp về mỹ quan và ngoại cảnh Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Không gian 4 mặt của TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) có thể tạo được niềm cảm hứng cho các nhà quy hoạch, thiết kế đô thị có những ý tưởng để hình thành những đồ án mang tính đột phá đem đến các tiện ích, mỹ quan cho các cộng đồng dân cư.

Theo Tạp chí Kiến trúc, việc tiếp cận thiết kế đô thị theo triết lý trong/ngoài của deconstruction (giải kiến trúc, giải kiến tạo) là một trào lưu triết học lớn cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI do triết gia người Pháp Jacques Derrida khởi xướng đã ảnh hưởng rất lớn đến kiến trúc đương đại. Tác giả đã đi sâu nghiên cứu sự chuyển dịch không gian bên trong và bên ngoài trong kiến trúc và thiết kế đô thị. Qua khảo sát thực địa nội và ngoại cảnh TP. Pleiku trong xu thế phát triển, chúng tôi cho rằng, các nhà quy hoạch và kiến trúc đô thị cần tham khảo và vận dụng ý tưởng thiết kế đô thị của Jacques Derrida; đồng thời, vận dụng lối kiến trúc sinh thái-kiến trúc vị nhân sinh, vị môi trường và phát triển bền vững, đặc biệt chú trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

Trong địa thế tự nhiên, TP. Pleiku đang được kết nối với vùng ngoại vi lân cận khá đẹp, thông thoáng và hấp dẫn với độ cao trung bình khoảng 700-800 m trên địa hình cao nguyên lượn sóng với nhiều thung lũng, triền đồi thu hút sự quan tâm của du khách. Nếu quan sát từ độ cao trên máy bay, chúng ta có thể nhìn rộng hơn khi bốn bề thành phố liền kề với các vùng ngoại ô đa dạng, xanh tươi thuộc các huyện: Đak Đoa, Ia Grai, Chư Păh, Chư Sê, Chư Prông. Cùng với đó là 2 ngọn núi Chư Jôr, Chư Hdrung, đều cao trên 1.000 m. Tuy không có dòng sông nào chảy qua, nhưng bù lại, TP. Pleiku có 2 nhánh suối chính chảy qua địa bàn, trong đó, nhánh suối Ia Rơdung chảy vào lòng đô thị tạo nên suối Hội Phú, đang trở thành điểm nhấn của thành phố hiện nay; còn nhánh Ia Kiêm (Ia Púch) chảy qua vùng ngoại ô phía Tây và Tây Nam. Rồi hồ tự nhiên Ia Nueng (Biển Hồ) cũng đem đến một vẻ đẹp riêng có cho Phố núi.

Thung lũng ở phường Chi Lăng, TP. Pleiku. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Thung lũng ở phường Chi Lăng, TP. Pleiku. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Xét về tổng thể mỹ quan thì hiện nay ít có thành phố cao nguyên nào của nước ta lại có nhiều thung lũng rộng và đẹp như ở TP. Pleiku. Có thể kể đến như: thung lũng thuộc phường Hoa Lư, trên đường Tô Vĩnh Diện (gần làng Ốp) đối diện Sân bay Pleiku; thung lũng thuộc phường Hội Phú và phường Ia Kring trên đường Lê Thánh Tôn giáp đường Trường Sa; thung lũng thuộc phường Phù Đổng và Hội Phú, trên đường Tôn Thất Tùng và đường Lê Duẩn, kéo dài đến cầu Ia Sol (đường Cách Mạng Tháng Tám); thung lũng thuộc phường Tây Sơn phía Tây đường Phạm Văn Đồng, gần Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh; thung lũng thuộc phường Diên Hồng, nằm phía Tây đường Nguyễn Văn Cừ; thung lũng thuộc phường Chi Lăng, phía Nam đường Nguyễn Chí Thanh… Đa phần các thung lũng này trước nay được người dân địa phương trồng lúa, hoa màu, một số ít diện tích ven bờ được người dân tận dụng làm dịch vụ, mở nhà hàng, quán cà phê…

Dường như trong các đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế kiến trúc được trình làng những năm qua, chúng tôi chưa thấy các nhà quản lý và chuyên môn nói đến các quần thể thung lũng tự nhiên này. Trong những lần điều chỉnh quy hoạch TP. Pleiku gần đây, các nhà lãnh đạo, quản lý đã nhìn ra xu thế mới và đề xuất khi thiết kế, xây dựng hạ tầng, công trình dân sinh nên hướng về sông suối và các thung lũng tự nhiên. Điều đó nếu được kết hợp với việc quản lý tốt về kiến trúc, xây dựng của ngành chức năng thì sẽ tạo ra nhiều khu phố mới đem đến vẻ mỹ quan cho đô thị miền núi. Trước tiên, với đô thị Pleiku hiện nay, chúng ta cần hạn chế tối đa xây dựng các loại cao ốc (building), khuyến khích xây dựng các mô hình biệt thự và nhà vườn với lối kiến trúc thông thoáng, có diện tích dành cho cây xanh hay tiểu hoa viên. Đối với các thung lũng trong nội thành, cần rà soát phạm vi, diện tích, khi lập đồ án phân khu hoặc điều chỉnh đồ án trước đó nên chú trọng đến không gian kiến trúc, không làm biến đổi địa hình, địa mạo đối với các dự án dịch vụ cũng như các công trình dân sinh. Cần giữ nguyên trạng các hình thức canh tác của người dân ở trong lòng thung lũng nhưng phải đảm bảo được môi trường, không gây ô nhiễm trong khu vực. Sau đó, hàng năm, các nhà quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cần rà soát thực tế ở các đồ án phân khu để rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời những bất cập; động viên, khuyến khích những nơi chấp hành thực thi tốt; khen thưởng, quảng bá những mô hình xanh-sạch-đẹp…

Khu vực ngoại thành và đường vành đai tiếp giáp giữa TP. Pleiku với các địa phương khác hiện nay, nhiều nơi có không gian khá lý tưởng phù hợp với các loại hình du lịch trải nghiệm, thưởng ngoạn cuối tuần, ngày lễ, Tết. Vành đai phía Đông có cánh đồng An Phú giáp huyện Đak Đoa khá rộng, bằng phẳng, nơi cửa ngõ đi vào thành phố. Cần quy hoạch nơi đây thành không gian xanh với loại hình kiến trúc sinh thái hài hòa với ngữ cảnh nông thôn ngoại ô nhưng mang nét hiện đại của đô thị mới. Trong khi đó, hành lang phía Tây tiếp giáp với huyện Ia Grai và vùng sông Sê San, hồ Sê San đầy tiềm năng đang thu hút đầu tư du lịch. Con đường vành đai ngang qua thành phố ở phía Tây là cung đường đẹp đang được giới trẻ yêu thích thưởng ngoạn. Ở phía Nam, tiếp giáp núi Hàm Rồng với một vành đai xanh đa dạng, không gian thoáng đãng, đồi núi chập chùng, thoai thoải về hướng huyện Chư Sê, nơi vùng đất có nhiều địa danh văn hóa-du lịch khá hấp dẫn. Riêng khu vực phía Bắc đã và đang hình thành kết nối cụm văn hóa-du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya với các điểm dừng chân ấn tượng như: Tiên Sơn, Biển Hồ trà, hàng thông cổ thụ, bên cạnh các điểm nhấn chính là hồ Ia Nueng (miệng núi lửa âm) và núi Chư Đang Ya (núi lửa dương).

Không gian 4 mặt của TP. Pleiku có thể tạo được niềm cảm hứng cho các nhà quy hoạch, thiết kế đô thị có những ý tưởng để hình thành những đồ án mang tính đột phá đem đến các tiện ích, mỹ quan cho các cộng đồng dân cư. Từ các đồ án hữu hình đó, các nhà đầu tư và người dân đô thị mới có thể biến đổi phố núi này thành nơi quần tụ các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, môi trường trong một không gian có tính thống nhất trong đa dạng. Không gian bên ngoài/bên trong của thành phố là những lát cắt tự nhiên khá đặc thù, tạo ra ngữ cảnh bắt mắt, sống động nên việc hình thành các công trình kiến trúc đô thị trong tương lai phải là hình ảnh hài hòa hoặc tương phản trong một khối hoàn thiện, thu hút sự chú ý của công chúng.

Có thể bạn quan tâm