Dự báo nguy cơ và rủi ro
Là một người con của phố núi Pleiku, lại có chuyên môn sâu về lĩnh vực quản lý môi trường và phát triển đô thị bền vững nên anh Nguyễn Tuấn Anh-giảng viên Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai luôn muốn tìm hiểu về những vấn đề liên quan ở nơi mình đang sống. Từ năm 2020 đến 2022, anh cùng 5 đồng nghiệp quyết định dành thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở về “Đánh giá hiện trạng nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường ở khu vực ven đô thị Pleiku”.
Nhóm nghiên cứu khảo sát thực trạng tại hộ gia đình. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Giảng viên Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: Người dân sinh sống ở vùng ven đô thị là đối tượng dễ bị tổn thương liên quan đến nguồn nước sinh hoạt. Bởi lẽ, hiện nay, hệ thống cấp nước của thành phố chưa hoàn thiện để bao phủ được khu vực này. Người dân chủ yếu sử dụng nước ngầm, nước giọt hay thậm chí là nước mưa cho sinh hoạt hàng ngày. Chưa kể, trình độ dân trí ở vùng ven đô, nhất là người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Họ chưa có thói quen ăn chín uống chín trong khi điều kiện vệ sinh môi trường cũng như cơ sở hạ tầng về cấp-thoát nước, chất thải ở đây vẫn chưa đảm bảo. Vì vậy, nghiên cứu của chúng tôi nhằm mục đích đánh giá hiện trạng nước cấp và rủi ro sinh học tại vùng ven đô để xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp cải thiện; qua đó, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho cư dân ở khu vực này.
Nhóm nghiên cứu đã chọn 6 thôn, làng thuộc 3 xã vùng ven Pleiku gồm: Chư Á, Biển Hồ và Ia Kênh để tiến hành đánh giá hiện trạng thông qua phiếu câu hỏi phỏng vấn trực tiếp gần 170 hộ dân bất kỳ. Trong đó, tập trung vào việc khảo sát các nguồn nước, việc sử dụng nước sinh hoạt, mức độ tiếp cận và lượng nước sử dụng; khảo sát các công trình, thiết bị vệ sinh có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; tình hình thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải, chất thải sinh hoạt và nông nghiệp… Ngoài ra, nhóm còn lấy mẫu nước ở các khu vực khác nhau gửi về Trung tâm Công nghệ và Quản lý tài nguyên-môi trường (Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh) để phân tích, định lượng các chỉ số vi sinh vật (chủ yếu là vi khuẩn E.coli và Coliform) nhằm xem xét rủi ro về sức khỏe và vệ sinh môi trường tại khu vực nghiên cứu.
Anh Trần Nguyễn Lâm Khương-giảng viên môn Quản lý tài nguyên nước Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm tại Gia Lai, thành viên nhóm nghiên cứu-thông tin thêm: Qua khảo sát gần 170 hộ gia đình tại 3 xã thuộc vùng ven đô thị Pleiku, có 93,9% số hộ sử dụng giếng đào và 6,1% hộ sử dụng giếng khoan. Ở khu vực này, người dân chủ yếu canh tác nông nghiệp quanh khu vực sinh sống. Chính việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng trọt cộng với chất thải từ chăn nuôi và trong sinh hoạt hàng ngày của người dân có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, ô nhiễm mạch nước ngầm nông. Trong khi đó, theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ bệnh tật sinh ra bởi nguồn nước ô nhiễm, kém chất lượng chiếm đến 80%. Chưa kể, qua phân tích các mẫu nước thu thập từ các xã, 1 điểm lấy mẫu ở Ia Kênh có hàm lượng vi khuẩn Coliform vượt quá quy chuẩn nước sinh hoạt. Đây là thủ phạm gây nhiều bệnh nguy hiểm liên quan đến hệ tiêu hóa.
Hướng đến “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”
Trên cơ sở đánh giá hiện trạng và rủi ro, nhóm tác giả đã đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tại khu vực ven đô Pleiku, hướng đến xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Theo giảng viên Nguyễn Tuấn Anh, kết quả kiểm định cho thấy chất lượng mẫu nước sinh hoạt tại vùng ven đô thị Pleiku tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, trong quá trình cấp nước có nhiều mối nguy có thể tác động đến chất lượng nước, đặc biệt là các hoạt động chăn nuôi và trồng trọt xung quanh khu vực nguồn nước. Vì thế, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các mối nguy và cấp độ rủi ro ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường quanh khu vực nguồn nước; thiết lập rào chắn, tránh tình trạng chất thải đi vào nguồn nước và đảm bảo khoảng cách nhà vệ sinh hợp lý để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Ngoài ra, hoạt động tập huấn định kỳ về cách thức vệ sinh môi trường, sử dụng nước an toàn, hợp vệ sinh… gắn với kiểm tra sửa chữa đường ống, thiết bị dẫn nước, dụng cụ lưu trữ nước và bảo vệ hệ thống cấp nước sinh hoạt cũng cần được chú trọng để ngăn ngừa các mối nguy tiềm tàng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư.
Người dân vùng ven đô Pleiku chủ yếu sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng đào. Ảnh: Mộc Trà |
“Từ năm 2015 đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các chương trình ý nghĩa về cấp nước an toàn cho cộng đồng dân cư nhỏ. Trong đó, hỗ trợ đầu tư hệ thống cấp nước và xử lý nguồn nước sạch đến tận hộ gia đình gắn với cung cấp sổ tay, trực tiếp hướng dẫn cho người dân các giải pháp bảo vệ nguồn nước và kỹ năng sử dụng nước sạch, an toàn. Tôi nghĩ, TP. Pleiku cũng nên suy nghĩ đến những cơ chế, chính sách tương tự như vậy; trước mắt là tiếp tục quan tâm đầu tư mở rộng mạng lưới cấp-thoát nước để vươn tới bao phủ những khu vực ven đô”-anh Tuấn Anh đề xuất.
Cùng quan điểm, anh Khương cho hay: Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp và ngành chức năng của thành phố có cái nhìn tổng quan hơn về thực trạng cung cấp nước và vệ sinh môi trường ở vùng ven đô; từ đó, tập trung giải quyết vấn đề một cách chính xác và hiệu quả để nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư ở khu vực này. Chúng tôi hy vọng có thể đóng góp một phần nhỏ trên hành trình chung tay xây dựng Pleiku trở thành thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Giảng viên Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết: Sắp tới, anh cùng cộng sự sẽ tiếp tục triển khai thêm một số mô hình nghiên cứu liên quan đến phát triển đô thị bền vững ở Pleiku, trong đó tập trung vào vấn đề xử lý nước thải đô thị hay đánh giá về sự mở rộng đô thị (theo quy hoạch và không theo quy hoạch).