Mơ về suối Hội Phú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Suối Hội Phú như một dải lụa mềm uốn lượn giữa lòng thành phố cao nguyên. Suốt mấy chục năm quy hoạch, quyết tâm thực hiện, Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú với mục đích chính giải quyết tình trạng ô nhiễm, cải tạo cảnh quan đô thị mới thành hình. Xa hơn, nó sẽ như thế nào? Tôi có quyền mơ về nó hay không?

Không gian cộng đồng được xác lập

Kè chống sạt lở suối Hội Phú nằm ở trung tâm TP. Pleiku, từ đường Sư Vạn Hạnh nối dài (chùa Minh Thành) đến khu đô thị Hoa Lư-Phù Đổng (đường Nguyễn Lương Bằng) dài 1,76 km. Công trình đi qua địa bàn 4 phường: Hội Phú, Hội Thương, Phù Đổng, Hoa Lư với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 90 ha. Triển khai từ năm 2015 đến ngày 15-12-2021, dự án đã hoàn thành. Từ đó đến nay, kè suối Hội Phú từng ngày vẫn có những đổi thay nhất định. Những công trình nhà ở, cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ mọc lên, có cơ sở rất quy mô, thiết kế khá đẹp. Bờ kè đoạn từ cầu Hội Phú ra hướng đường Nguyễn Tất Thành hay ngược về chùa Minh Thành, hàng quán đã nối nhau mọc lên nhiều hơn, đèn điện sáng trời.

Nhiều người, nhất là các bạn trẻ chọn bờ kè làm nơi cà phê, đi bộ, chạy bộ, tổ chức các hoạt động cộng đồng. Nhiều giải chạy cấp tỉnh, cấp thành phố đã lựa chọn nơi này tổ chức, như giải Việt dã truyền thống Kpă Klơng TP. Pleiku. Không ai bảo ai nhưng từ vài ba năm nay, hoạt động chạy bộ hưởng ứng phong trào từ thiện nhân đạo tại khu vực kè được nhiều câu lạc bộ, tổ chức lựa chọn, từ đó lan tỏa lối sống tích cực, lành mạnh.

Một đoạn bờ kè suối Hội Phú. Ảnh: Đ.T

Một đoạn bờ kè suối Hội Phú. Ảnh: Đ.T

Nhóm bạn trẻ Trần Văn Đức, Nguyễn Văn Tuấn, Lê Văn Trung (tổ 4, phường Hội Phú) trước đây thường xuyên chạy bộ và tập thể dục tại Công viên Nguyễn Viết Xuân nhưng sau này chuyển sang kè suối Hội Phú. Đức chia sẻ: “Bờ kè rộng rãi nối dài, trẻ như bọn em chạy thế mới đã. Nhiều người cũng chọn nơi này làm nơi đi bộ, chạy bộ mỗi sáng chiều. Em thích tập buổi sáng, tập xong thấy rất sảng khoái”.

Những hoạt động đó làm cho thành phố trở nên trẻ trung, sinh động. Tuy nhiên, về lâu dài thì điều người viết cũng như nhiều bạn đọc quan tâm là tỷ lệ không gian dành cho các hoạt động cộng đồng, dành cho người dân ở đây là bao nhiêu và đó là những hoạt động nào? Sở dĩ phải đề cập vì nếu không tính đến, rất có thể kè suối Hội Phú sẽ chật chội trong nay mai. Để xảy ra điều đó cũng có nghĩa địa phương chưa chủ động tính toán khả năng, xu thế phát triển, tầm nhìn dài hơi trong tương lai.

Xử lý ô nhiễm

Công trình thiếu mảng xanh, nhiều chỗ đất đá, rác thải ứ đọng và nguồn nước có nguy cơ ngày càng ô nhiễm là mối lo hiện hữu. Làm gì tiếp theo khi công trình đã có được hình hài, dư luận đang rất cần câu trả lời từ thành phố và các cơ quan, ban, ngành liên quan. Rà soát, chấn chỉnh việc xả nước thải nhà dân hai bên bờ kè, cũng như tình trạng vứt rác bừa bãi, đi đôi thường xuyên nạo vét, khơi thông dòng chảy, xử lý ô nhiễm là nhiệm vụ phải được đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Sáu (đường Sư Vạn Hạnh, phường Hội Thương) bày tỏ: “Tôi nghĩ, giá mà Dự án suối Hội Phú không phải nhiều lần điều chỉnh quy hoạch theo hướng thu hẹp để dành nhiều đất hơn cho khu vực công cộng, cho người dân không chỉ Phố núi. Như ở Quy Nhơn đấy, người ta dành hết bãi biển cho người dân”. Ông Sáu còn viện dẫn chủ trương trước đây mấy chục năm khi giao cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai nghiên cứu khảo sát lập dự án đầu tư suối Hội Phú khác với bây giờ nhiều lắm. Và làm được như thế, nó có cơ hội trở thành “trái tim” của Pleiku, không gian mở rộng để có thể tổ chức nhiều phân khu chức năng với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Còn ông Nguyễn Văn Nam (phường Hội Thương) thì cho rằng: “Nếu làm tốt quy hoạch, đầu tư xây dựng, chăm chút thì chẳng những dự án suối Hội Phú xử lý rốt ráo vấn nạn ô nhiễm, cải thiện môi trường mà còn tạo cảnh quan thêm đẹp và gia tăng nguồn thu từ hoạt động kinh tế dịch vụ đi kèm”.

Khó nhất là vấn đề tích nước và đảm bảo nguồn nước an toàn. Muốn vậy phải rà soát, ngăn chặn, xử lý ngay tình trạng nước sinh hoạt các hộ dân thải thẳng ra suối gây ô nhiễm. Tính toán khơi thông và mở rộng lòng suối để khai thác dịch vụ mặt nước một cách phù hợp. Giữ lại nguồn nước bằng hệ thống kè chắn ngang từng đoạn thành các bậc thang kết hợp xử lý rác thải, lắng lọc bùn đất, khử khuẩn định kỳ. Quy hoạch đầu nguồn con suối và khu vực ven bờ để giữ mảng xanh, cây xanh, đẩy mạnh trồng rừng, khuyến khích trồng rừng đi đôi với nghiêm cấm và xử lý nặng hành vi vi phạm để duy trì và tăng cường nguồn nước. “Kể cả giải pháp tốn tiền để làm cho suối có nước và nước sạch cũng phải tính đến. Ưu tiên xây dựng các bậc thang tích nước, xử lý lắng lọc làm sạch nước trước đã”-anh Nguyễn Ngọc Linh-một kiến trúc sư trẻ công tác tại Sở Xây dựng đề xuất.

“Trái tim” thành phố

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định: Xây dựng Pleiku phát triển toàn diện, bền vững, theo hướng đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe. Quy hoạch chung xây dựng đô thị Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 định hướng phát triển Pleiku-thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe, dựa trên đặc điểm khí hậu mát mẻ quanh năm, nguồn nước trong lành, cảnh quan độc đáo, sản vật xanh, sạch, có lợi cho sức khỏe.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Việt Hưng: “Để thực hiện, thành phố triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, trình ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị để làm cơ sở quản lý. Huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị, quan tâm phát triển cây xanh, đầu tư nâng cấp các hoa viên, công viên, cải thiện mở rộng các không gian công cộng theo hướng phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân”.

Đô thị Pleiku về đêm. Ảnh: Phạm Quý

Đô thị Pleiku về đêm. Ảnh: Phạm Quý

Với định hướng và giải pháp chung đó, liên quan đến suối Hội Phú, thiết nghĩ vấn đề hiện nay là cùng với xử lý ô nhiễm nguồn nước phải tiếp tục chỉnh trang, làm thêm nhiều bồn hoa, trồng thêm cây xanh, chiếu sáng. “Có thể thử nghiệm lựa chọn một số đoạn để thiết kế tạo điểm nhấn, lắp khung vòm nối đôi bờ suối và trồng hoa, dây leo trang trí phủ lên một số đoạn. Các bồn hoa, tiểu cảnh cũng phải góp mặt”-ông Nguyễn Văn Cường (phường Diên Hồng) đề xuất.

“Khó như kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè mà TP. Hồ Chí Minh còn làm được. Hay tỉnh Kon Tum mấy năm gần đây quy hoạch, liên tục đầu tư mở rộng không gian hai bên bờ sông Đak Bla, tạo ấn tượng mạnh với nhà đầu tư và không chỉ người dân sở tại”-ông Lê Thang Quang (phường Hoa Lư) cho hay. Theo ông Quang, làm gì cũng khó nhất là với dự án công trình lớn, tầm cỡ, quy mô như suối Hội Phú. Nhưng một khi đã nghiên cứu kỹ, quyết tâm thì ắt làm được.

Suối Hội Phú không có nhiều nước nhưng nước chảy quanh năm, nghĩa là nguồn khá dồi dào. Vấn đề là làm sao để nó ít bị xâm hại, trong đó có việc quản lý chặt khu vực đầu nguồn, trồng thêm cây xanh và áp dụng giải pháp tích nước lâu dài. Thách thức mà cũng là yêu cầu đầu tiên đặt ra đối với cơ quan chuyên môn, ngành chức năng cũng như không chỉ người dân Pleiku là ở chỗ này. Khi đã “hòm hòm” nhiệm vụ nêu trên thì cũng nghĩ đến phương án, cách thức thu hút du khách. Trong đó, việc quảng bá vẻ đẹp dòng suối là yếu tố quan trọng, chú trọng quảng bá trên không gian mạng như lập Fanpage đăng tải những hình ảnh đẹp, kiến thức liên quan đến dòng suối. Mặt khác, làm mới thêm để không gian hai bờ suối đủ rộng, khung cảnh phong phú, ẩm thực độc đáo, quán cà phê view đẹp, một số điểm nhấn nhất định. “Nếu thật sự tâm huyết và có tiềm lực, chúng ta hoàn toàn biến suối Hội Phú thành “trái tim” của thành phố, là điểm đến hấp dẫn, lãng mạn kết nối đầy đủ vẻ đẹp và giá trị yếu tố văn hóa-lịch sử”-ông Nguyễn Văn Nam hy vọng.

Ngay lúc này, thành phố có thể nghiên cứu mở một cuộc thi để thu hút, tập hợp được nhiều ý tưởng, trí tuệ, tình cảm tham gia hiến kế xây dựng suối Hội Phú đẹp hơn, hay hơn?

Có thể bạn quan tâm