Những người làm đẹp Quảng trường Đại Đoàn Kết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) được khánh thành ngày 9-12-2012, là một trong những công trình văn hóa trọng điểm của tỉnh Gia Lai. Quảng trường không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội lớn mà còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không gian thư giãn của Nhân dân và du khách thập phương.

Quảng trường Đại Đoàn Kết nằm trong quần thể các công trình: Bảo tàng cổ vật, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum (nay thuộc Bảo tàng tỉnh) bao gồm nhiều hạng mục công trình, tổng diện tích hơn 12 ha; có trên 2.000 cây xanh và 205 ô cỏ. Nhiều loại cây được trồng ở đây như: kơ nia, mai, đào, sứ, trắc bách diệp, tường vi, phượng tím, sao đen, giáng hương, sanh, lộc vừng… Năm 2010, Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng tỉnh 10 cây bàng vuông Trường Sa và năm 2022, một số cây hoa anh đào do Chính phủ Nhật Bản trao tặng cũng được trồng trong khuôn viên Quảng trường.

Đội ngũ công nhân lao động vệ sinh, chăm sóc cây xanh tại Quảng trường hiện có trên 30 người, công việc thường ngày là bón phân, tưới nước và cắt tỉa cành lá. Dù trời mưa hay trời nắng, các công nhân đều đảm bảo tiến độ công việc, bón phân cho cây trồng; chủ động kiểm tra phòng trừ sâu, bệnh hại và đưa ra các phương án khắc phục cho từng loài cây; nâng cao kỹ thuật cắt sửa cây cảnh, cây thế, bảo đảm tính kỹ thuật, mỹ thuật; thực hiện trang trí các bồn, chậu phù hợp với cảnh quan khu vực, trang trí quanh khu vực thường xuyên và vào các dịp lễ, Tết. Cùng với đó, cắt tỉa, chống gãy đổ cây, duy trì đúng quy trình chăm sóc sân cỏ, bảo đảm cỏ phát triển xanh tốt, góp phần điều hòa không khí, tạo không gian thoáng mát cho khu vực.

Công nhân chăm sóc cây và hoa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên

Công nhân chăm sóc cây và hoa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên

Năm 2017, Quảng trường Đại Đoàn Kết được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) bình chọn là 1 trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Gia Lai. Mới đây, ngày 17-3-2023, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức công bố Quyết định số 637/QĐ-UBND, ngày 25-11-2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Quảng trường Đại Đoàn Kết.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đội ngũ công nhân đã không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ trong việc chăm sóc cây xanh như hệ thống tưới nước tự động, sử dụng máy cắt cành trên cao để cho lao động thực hiện nhiệm vụ thuận tiện và an toàn, bảo đảm giữ gìn, tôn tạo cây hoa, cây cảnh, tìm ra những giải pháp duy trì cảnh quan xung quanh khu vực, bảo đảm luôn xanh-sạch-đẹp.

Chị Huỳnh Thị Kim Tiếp chia sẻ: Tôi đã gắn bó với công việc này được hơn 6 năm. Hàng ngày, khi nhìn thấy các cơ quan, đoàn thể đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Bác, tôi thấy rất vinh dự và tự hào khi được góp một phần nhỏ bé của mình làm đẹp cho Quảng trường. Công việc quét dọn, vệ sinh khá đặc thù. Bất kể nắng mưa hay những ngày lễ, Tết, chúng tôi phải đảm bảo khuôn viên luôn sạch sẽ. Vào dịp Tết Nguyên đán, tổ vệ sinh của chúng tôi có khi phải làm việc đến 1-2 giờ sáng. Vất vả là thế, nhưng chúng tôi luôn hoàn thành tốt công việc của mình, luôn vui và tự hào khi ngày nào cũng được gần gũi bên Bác.

Không gian trong lành, sạch sẽ, thoáng mát là những ấn tượng tốt đẹp của người dân và du khách khi đến với Quảng trường Đại Đoàn Kết. Có được kết quả đó là nhờ công sức, sự lao động miệt mài, không quản ngày đêm của những người lao động chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường.

Thường xuyên tới Quảng trường để luyện tập thể dục rèn luyện sức khỏe, anh Tô Đình Đông (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) chia sẻ: Ngày nào tôi cũng đi bộ tập thể dục tại Quảng trường. Tôi rất tự hào vì Pleiku mình có quảng trường khang trang, xanh-sạch-đẹp. Đa số người dân đến vui chơi, hoạt động thể dục thể thao cũng đã có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, vẫn còn giẫm lên thảm cỏ, bẻ hoa. Tôi mong rằng người dân đến đây tham quan, vui chơi cần có ý thức hơn nữa để góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo vệ cảnh quan; giữ cho Quảng trường luôn xanh-sạch-đẹp, góp phần giữ gìn giá trị công trình lịch sử văn hóa, để Quảng trường luôn là điểm đến không thể thiếu với người dân và du khách khi có dịp đến Pleiku.

10 năm qua, việc duy trì, chăm sóc hoa, cây cảnh, cây xanh của đội ngũ công nhân lao động đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp, tính trang nghiêm của quần thể kiến trúc cảnh quan khu vực Quảng trường, người dân có thêm niềm vui vì được tận hưởng không gian văn hóa với không khí trong lành, cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Để có một không gian thoáng đãng, trong lành, những thảm cỏ xanh mướt, những bông hoa bốn mùa khoe sắc là nhờ sự lao động cần cù, không quản nắng, mưa của những lao động chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường của Bảo tàng tỉnh.

Có thể bạn quan tâm