Niềm tự hào về đô thị Pleiku
Đô thị Pleiku đã có gần 95 năm hình thành và phát triển. Đó là một chặng đường đủ dài để mỗi chúng ta thêm bồi hồi, thổn thức khi nhớ về một “phố núi đầy sương” bình yên, lãng mạn song cũng đầy tự hào khi chứng kiến những bước chuyển mình, phát triển.
Chính điều đó đã tạo nên nguồn cảm hứng để những người làm báo chuyên và không chuyên mạnh dạn thể hiện tình yêu, sự cảm nhận và ý kiến của mình về Pleiku qua ngòi bút.
Đó là hình ảnh về một Pleiku trù phú, xinh đẹp nhìn từ những thung lũng trong bài viết “Những miệng núi lửa âm ở Pleiku” (Trần Dung). Là những cảm nhận về một đô thị năng động, hiện đại qua tác phẩm “Phát triển đô thị Pleiku hiện đại và bản sắc” (Bùi Quang Vinh), “Mơ về suối Hội Phú” (Thất Sơn) hay một Pleiku trầm mặc trong “Di sản sống của đô thị Pleiku” (Hoàng Ngọc).
Những loại hình du lịch đang dần trở thành xu hướng cũng được đề cập như: du lịch chữa lành, du lịch xanh, du lịch văn hóa-lịch sử… cho thấy Pleiku đang dần chuyển mình, ngày càng thu hút, hấp dẫn du khách thập phương.
Một số tác phẩm xoay quanh việc bàn giải pháp xây dựng thương hiệu Cao nguyên xanh vì sức khỏe, đô thị thông minh như: việc bảo vệ “lá phổi xanh” thành phố; hoàn thiện hệ thống công viên, hoa viên; xây dựng nông thôn mới thông minh; đa dạng không gian mở cho đô thị; kiến tạo không gian xanh cho trường học và không gian nhà ở...
Đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Hùng Hoa Lư |
Gắn bó với phố núi Pleiku 25 năm, tình yêu với nơi này ngày càng lớn dần lên trong chị Nguyễn Thị Diễm-giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku).
“Chặng đường nào, hành trình nào tôi cũng được ngắm nhìn thành phố với những dáng hình, những cung bậc cảm xúc của một đô thị đang trên đà phát triển. Hành trình tiếp theo của sự phát triển ấy, theo tôi, cùng với nâng cao chỉ số về không gian sống thì yếu tố quan trọng nhất chính là chân dung những con người.
Vì thế, trong bài viết “Vườn thảo mộc giữa lòng Phố núi”, tôi có đề cập đến những con người nhỏ bé với công việc thầm lặng như anh Hồ Thanh Thuận, là một công dân trẻ lan tỏa xu hướng trồng thảo mộc để người dân được sống gần hơn với thiên nhiên, mang thiên nhiên chữa lành sức khỏe con người”-chị Diễm tâm sự.
Cũng xuất phát từ tình cảm của những công dân dành cho nơi mình đang sinh sống, nhóm tác giả Quang Tấn-Phương Linh-Ngọc Sang đã triển khai loạt bài 3 kỳ “Những “lá phổi xanh” trong lòng Phố núi”.
Để đạt được mục tiêu “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” thì Pleiku rất cần có quy hoạch bài bản, khoa học về những khoảng xanh như công viên, hoa viên để vừa đáp ứng đầy đủ tiêu chí của một đô thị loại I, vừa đáp ứng không gian vui chơi, giải trí cho người dân.
Phóng viên Quang Tấn chia sẻ: “Qua quá trình sống và làm việc tại Phố núi, chúng tôi cũng nhận ra hệ thống công viên, hoa viên dù đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, cải tạo song vẫn chưa phục vụ đủ nhu cầu cho người dân. Đặc biệt, một số nơi đã được quan tâm đầu tư nhưng lại bị lãng quên, chưa phát huy hiệu quả. Vì thế, qua loạt bài, từ các ý kiến của các vị lãnh đạo tỉnh, thành phố, chuyên gia về đô thị và người dân, chúng tôi mong muốn góp thêm một số giải pháp hữu ích nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống công viên, hoa viên”.
Bạn đọc cũng dễ dàng cảm nhận được tình cảm của các tác giả Hùng Hoa Lư, Lê Văn Vinh, Huy Tịnh, Hồ Anh Tiến, Hồng Thi, Đức Thụy… dành cho Phố núi qua từng bức ảnh. Các tác giả đã cố gắng lột tả vẻ đẹp của phố núi Pleiku qua nhiều góc máy mới lạ, đầy sức sáng tạo. Pleiku hiện lên với vẻ đẹp đầy nên thơ, lãng mạn của những cung đường dốc uốn lượn, của mặt nước Biển Hồ bừng sáng dưới ánh chiều tà hay chùa Minh Thành lung linh trong sương sớm…
Không chỉ có cảnh đẹp, các tác giả cũng thể hiện vẻ đẹp của người dân Phố núi từ trong lao động, sản xuất, trong mỗi hành động nhỏ để gìn giữ nét xanh-sạch-đẹp cho thành phố. Tất thảy đều xuất phát từ tình yêu của chính tác giả đối với vùng đất trên đỉnh Trường Sơn này.
Lan tỏa thông điệp “cao nguyên xanh”
Qua 1 năm triển khai, cuộc thi nhận được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo các nhà báo chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh với 54 tác phẩm tham gia cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Cao nguyên xanh vì sức khỏe” và 29 tác phẩm tham gia “Ảnh đẹp Pleiku”.
Nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Trưởng ban giám khảo cuộc thi-cho biết: Thông qua bài viết, các tác giả đã bàn, đề xuất các giải pháp xây dựng thương hiệu Cao nguyên xanh vì sức khỏe, đô thị thông minh cho thành phố; phân tích thế mạnh, chiến lược đầu tư phát triển các khu, điểm đến; kết cấu hạ tầng giao thông du lịch; những kinh nghiệm, sáng kiến góp phần phát triển du lịch TP. Pleiku... cũng như tập trung nêu ý kiến, sáng kiến trong lập, quản lý quy hoạch đô thị, đảm bảo khai thác các tiềm năng lợi thế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa; phát triển hệ thống giao thông đối nội, giao thông tĩnh, đối ngoại theo quy hoạch và chương trình phát triển đô thị đến năm 2030.
Đối với “Ảnh đẹp Pleiku”, các tác giả đã đem đến những góc nhìn mới, thú vị về một đô thị Pleiku vừa năng động, hiện đại, vừa nhẹ nhàng, mộc mạc, yên bình.
Khu vực suối Hội Phú nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tấn |
Chiều nay (22-12), Ban tổ chức cuộc thi viết về chủ đề Pleiku-Cao nguyên xanh vì sức khỏe và Ảnh đẹp Pleiku tổ chức lễ tổng kết và trao giải. Theo đó, đối với nội dung thi viết về chủ đề Pleiku-Cao nguyên xanh vì sức khỏe, Ban tổ chức trao giải cho 11 tác phẩm xuất sắc nhất (gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích); “Ảnh đẹp Pleiku” có 9 giải (gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 3 giải khuyến khích).
Trước đó, trong 2 năm (2021, 2022), UBND TP. Pleiku và Báo Gia Lai cũng đã tổ chức cuộc thi viết về chủ đề “Du lịch phố núi Pleiku” và “Pleiku: Đất và người” trên báo Gia Lai.
Các cuộc thi đã trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng để thành phố có thể tham khảo ý kiến, sáng kiến trong lập, quản lý quy hoạch đô thị, đảm bảo khai thác các tiềm năng lợi thế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa; quản lý và sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh, môi trường; các quy định về quản lý quảng cáo, rao vặt; phát triển hệ thống giao thông đối nội, giao thông tĩnh, đối ngoại theo quy hoạch và chương trình phát triển đô thị đến năm 2030.
Ông Đỗ Việt Hưng-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku, Trưởng ban tổ chức cuộc thi-nhận xét: Đây là những cuộc thi thực sự hấp dẫn, mang đến cho công chúng cái nhìn toàn diện và thông điệp ý nghĩa về lịch sử phát triển của đô thị có tuổi đời gần 100 năm.
Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để thành phố phát hiện, biểu dương, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển trên nhiều lĩnh vực; phát hiện, giới thiệu những hình ảnh đẹp về đất và người Pleiku.
Từ những sự thành công đó, năm 2024, UBND TP. Pleiku tiếp tục phối hợp với Báo Gia Lai tổ chức cuộc thi viết về chủ đề “Pleiku-Bản sắc và hiện đại” nhằm tiếp tục lan tỏa hơn nữa hình ảnh xinh đẹp của Phố núi; đồng thời, qua đó giúp chính quyền thành phố tiếp nhận, khai thác tối đa những ý kiến, sáng kiến, góp ý tâm huyết, trách nhiệm để xây dựng thành phố ngày càng phát triển, phồn vinh, tươi đẹp.