Pleiku xây dựng nông thôn mới thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm hướng tới xây dựng NTM thông minh.
Xã An Phú đang mở rộng diện tích trồng rau VietGAP để hướng tới xây dựng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Ảnh: B.B

Xã An Phú đang mở rộng diện tích trồng rau VietGAP để hướng tới xây dựng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Ảnh: B.B

Bà Phan Thị Thu Trang-Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku-cho biết: Vừa qua, UBND TP. Pleiku đã ban hành Kế hoạch số 1362/KH-UBND về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu có ít nhất 80% hồ sơ công việc cấp thành phố và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành; 50% xã đạt chuẩn “ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế-xã hội và tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM”; 50% xã đạt chuẩn chỉ tiêu “có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên”; 70% xã có các hợp tác xã, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; 40% đơn vị cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến; xây dựng ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất.

Xã Biển Hồ được Bộ Nông nghiệp và PTNT chọn triển khai mô hình thí điểm xã NTM thông minh. Bà Đinh Thị Hoa-Phó Chủ tịch UBND xã-cho hay: “Chúng tôi đã thực hiện cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức tuyên truyền về xây dựng NTM. Hiện nay, hệ thống mạng diện rộng của xã duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo kết nối internet cáp quang tốc độ cao; cán bộ, công chức được trang bị và sử dụng thành thạo máy tính để giải quyết công việc”.

Cũng theo bà Hoa, triển khai xây dựng xã NTM thông minh, xã Biển Hồ đã ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến của người dân; giám sát chất lượng môi trường, nước sạch nông thôn; theo dõi, quản lý, đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP; triển khai quản lý theo dõi sức khỏe điện tử trên 50% dân số; thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường ứng dụng trực tuyến trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm du lịch Biển Hồ, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp; sử dụng các trang mạng xã hội, mua bán hàng hóa, thanh toán điện tử.

Còn ông Lê Quang Toản-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh thì cho hay: Xã đã ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin để công khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đăng tải thông tin đảm bảo theo quy định. Cùng với đó, xã thành lập Ban Chỉ đạo dịch vụ công trực tuyến với 14 thành viên và Tổ hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến với 12 thành viên, hàng ngày phân công người trực để hướng dẫn Nhân dân thực hiện dịch vụ công; thành lập tổ chuyển đổi số tại 7 thôn, làng, hàng tuần phối hợp với công chức chuyên môn xã và Công an xã tuyên truyền người dân tham gia cài đặt định danh điện tử (VNeID) và các nội dung khác.

Thành phố phấn đấu có 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Ảnh: Bá Bính

Thành phố phấn đấu có 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Ảnh: Bá Bính

Bên cạnh xây dựng nguồn nhân lực và chủ động đầu tư trang-thiết bị, xã An Phú đã triển khai cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thành lập các “tổ công nghệ số cộng đồng” để hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ vào thực hiện các thủ tục hành chính và các hoạt động khác. “Chúng tôi sẽ tăng cường tập huấn nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ cho đội ngũ cán bộ, công chức của xã cũng như các thôn, làng. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong công tác quản lý, điều hành tại xã; thiết lập các nhóm mạng xã hội để tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng đối với kết quả xây dựng NTM; ứng dụng các phần mềm quản lý trực tuyến trong công tác quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn”-bà Nguyễn Thị Hiệp-Chủ tịch UBND xã An Phú-thông tin.

Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku cho biết thêm: Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tham mưu UBND thành phố đề xuất các mô hình thí điểm xã, thôn NTM thông minh, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các nội dung theo quy định; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xây dựng mô hình thí điểm xã/thôn NTM thông minh trên địa bàn đảm bảo phù hợp; ưu tiên thực hiện các mô hình về kinh tế số, xã hội số dựa trên các điều kiện thực tế và nhu cầu áp dụng chuyển đổi số của thành phố; giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay về chuyển đổi số; đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển thương mại điện tử theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, huy động các cơ quan, tổ chức khoa học công nghệ, hiệp hội ngành nghề tham gia đào tạo, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số cho cán bộ và người dân; đẩy mạnh tìm kiếm và thu thập thông tin về đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số trong NTM, xây dựng NTM thông minh.

Có thể bạn quan tâm