Học sinh Pleiku sáng tạo quà lưu niệm phục vụ du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều món quà lưu niệm gắn với đặc trưng văn hóa của dân tộc Jrai, Bahnar đã được các em học sinh tạo ra nhằm góp phần thúc đẩy du lịch phố núi Pleiku phát triển. Không chỉ thân thiện với môi trường, những sản phẩm này còn được du khách yêu thích bởi tính thẩm mỹ và ứng dụng cao.

Tại một góc nhỏ trong thư viện của Trường THPT Pleiku, 2 nữ sinh Nguyễn Bảo Trân (lớp 11A9) và Lê Dương Bảo Vy (lớp 11A8) hồ hởi giới thiệu về những món quà lưu niệm xinh xắn do chính các em làm. Đó là bộ bình giữ nhiệt, ly uống nước được làm từ ống tre đã qua xử lý, có in khắc logo du lịch Gia Lai cùng hình ảnh nhà rông; là chiếc túi cói, mũ cói thô đã được sơn vẽ tỉ mỉ họa tiết thổ cẩm hay cành hoa dã quỳ bung nở sắc vàng; là đôi dép, dây đeo bảng tên bằng vải thổ cẩm bắt mắt và cả những chiếc túi tò te, túi đựng điện thoại được may bằng vải bố có điểm xuyết một vài chi tiết trang trí bằng thổ cẩm.

Hai em Nguyễn Bảo Trân (bìa phải) và Lê Dương Bảo Vy bên những sản phẩm lưu niệm của nhóm sáng tạo ra. Ảnh: Mộc Trà

Hai em Nguyễn Bảo Trân (bìa phải) và Lê Dương Bảo Vy bên những sản phẩm lưu niệm của nhóm sáng tạo ra. Ảnh: Mộc Trà

Em Nguyễn Bảo Trân cho hay: “Cách đây 1 năm, chúng em đón một người bạn ở Hà Nội đến TP. Pleiku tham quan, du lịch. Lúc bạn trở về, em muốn tặng cho bạn một món quà kỷ niệm vừa mang đặc trưng của Phố núi vừa có tính ứng dụng cao để dùng hàng ngày. Tuy nhiên, dạo một vòng các cơ sở bán đồ lưu niệm, nhà sách trên địa bàn thành phố, chúng em vẫn không tìm được món quà ưng ý. Lúc đó, chúng em mới nảy ra ý định sẽ tự tay làm một chiếc túi tò te để tặng và bạn rất thích khi đón nhận”.

Từ cơ duyên ban đầu này, Trân và Vy bàn bạc, thông qua sự góp ý, hỗ trợ của thầy-cô giáo, bạn bè để bắt tay sản xuất thử nghiệm các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa của dân tộc Jrai, Bahnar phục vụ khách du lịch nhằm chung tay thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của địa phương phát triển. Bởi theo 2 em, khoảng 10 năm trở lại đây, hoạt động du lịch ở phố núi Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung đã có nhiều khởi sắc, thu hút đông đảo du khách gần xa. Nhu cầu mua sắm quà lưu niệm vì thế cũng tăng lên.

Để hiện thực hóa ý tưởng, Trân và Vy bắt tay hợp tác với 2 học sinh lớp 9 ở TP. Pleiku là Chu Gia Bảo Thư (Trường THCS Nguyễn Du) và Nguyễn Trần Hiểu Phương (Trường THCS Phạm Hồng Thái). Cả nhóm đã cùng khảo sát các sản phẩm lưu niệm tại một số cơ sở kinh doanh quà lưu niệm để nắm bắt những ưu điểm và hạn chế; đồng thời, dành thời gian nghiên cứu tài liệu rồi xuống tận các làng tìm hiểu rõ hơn về văn hóa đặc trưng của đồng bào Bahnar, Jrai.

“Qua khảo sát, chúng em nhận thấy sản phẩm lưu niệm ở Gia Lai khá đa dạng về chủng loại và mẫu mã, từ những sản phẩm mô hình như gùi, nhà rông, nhà sàn, chiêng, chuông gió, hộp bút đến những sản phẩm tinh xảo, có giá trị như phù điêu, tượng gỗ… Tuy vậy, một số sản phẩm vẫn còn đơn điệu, thiếu tính ứng dụng hoặc giá thành cao nên chưa thu hút nhiều du khách mua sắm”-Vy thông tin.

Em Lê Dương Bảo Vy vẽ trang trí hoa dã quỳ và họa tiết thổ cẩm trên chiếc mũ cói thô. Ảnh: Mộc Trà

Em Lê Dương Bảo Vy vẽ trang trí hoa dã quỳ và họa tiết thổ cẩm trên chiếc mũ cói thô. Ảnh: Mộc Trà

Ngoài ra, nhóm học sinh còn tiến hành khảo sát bằng phiếu để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu mua quà lưu niệm của du khách khi đến với Pleiku và Gia Lai; từ đó, định hướng làm ra các sản phẩm lưu niệm phù hợp, vừa mang đặc trưng văn hóa địa phương, vừa đảm bảo thẩm mỹ, có tính ứng dụng cao và thân thiện với môi trường như: bình giữ nhiệt và ly bằng tre, túi cói, mũ cói, dây đeo bảng tên, túi đựng điện thoại, túi đựng laptop, dép, trang sức...

Chị Nguyễn Thị Hường Lý (quận Hoàng Mai, Hà Nội): Trong một chuyến công tác tại TP. Pleiku, tôi được các em học sinh tặng 1 chiếc túi vải. Chiếc túi khá tiện dụng, chất liệu thân thiện với môi trường. Đặc biệt, trông nó rất tinh tế, độc đáo với những nét hoa văn thổ cẩm của các dân tộc Tây Nguyên trang trí bên trên. Tôi nghĩ, việc đưa những đặc trưng văn hóa vùng miền vào sản phẩm lưu niệm sẽ làm cho khách du lịch rất thích thú. Tôi đã sử dụng chiếc túi này thường xuyên trong công việc hằng ngày.

Em Nguyễn Bảo Trân chia sẻ: "Để hoàn thành sản phẩm, ban đầu, chúng em mất khá nhiều thời gian vì phải học thêm kỹ năng may mặc, đóng giày, thiết kế. Chưa kể, sản phẩm làm ra bị lỗi, chưa được đẹp mắt nên phải bỏ đi".

Tuy nhiên, bằng niềm đam mê và sự quyết tâm, cuối cùng nhóm đã thành công. Tất cả món quà lưu niệm đều được chúng em thiết kế sáng tạo với kiểu dáng trẻ trung, hài hòa giữa nét đẹp của văn hóa dân tộc Jrai, Bahnar truyền thống và cuộc sống hiện đại. Chúng em cũng kết hợp nhiều chất liệu trên cùng một sản phẩm để tạo sự mới mẻ, đa dạng. Các sản phẩm khá gọn nhẹ, tiện lợi, dễ dàng bảo quản và vận chuyển; giá thành rẻ, dao động từ 20-155 ngàn đồng/món, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng du khách.

“Với nguồn nguyên liệu sẵn có, không mất quá nhiều thời gian để hoàn thành, em nghĩ rằng, không chỉ chúng em mà ai cũng đều có thể làm được những món quà lưu niệm mang đặc trưng của Pleiku, của quê hương Gia Lai; qua đó, góp phần thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển”-Trân bày tỏ.

Thầy Nguyễn Đình Trung-Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku-đánh giá: Mặc dù còn ngồi trên ghế nhà trường, song các em học sinh đã có ý tưởng khá hay và tạo ra được một số sản phẩm lưu niệm gắn với văn hóa địa phương để phục vụ du khách. Đáng chú ý, tất cả sản phẩm đều được làm từ những nguyên vật liệu có thể tái chế, thân thiện với môi trường; giá sản phẩm rẻ nhưng có tính ứng dụng cao trong đời sống hàng ngày.

“Với tính mới và sáng tạo, dự án của các em đạt giải nhì tại cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2022-2023 và giải ba tại cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ 11-2023. Nếu có điều kiện phát triển, đây có thể là một “mảnh ghép” tiềm năng trong phát triển sản phẩm du lịch ở phố núi Pleiku cũng như của tỉnh nhà”-thầy Trung kỳ vọng.

Có thể bạn quan tâm