“Thành phố chữa lành”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sự gặp gỡ của hoạt động phục hồi tự nhiên và chăm sóc sức khỏe tinh thần xây dựng hình ảnh Pleiku như một “thành phố chữa lành”, mang lại năng lượng tích cực cho cả cư dân tại chỗ lẫn du khách.

1. Giữa mùa mưa, cây cỏ ở Paksong farmstay (34/3 Nơ Trang Long) trở nên xanh tốt. Trên nền một xưởng gỗ cũ, chủ nhân farmstay đã biến khu đất rộng 1 ha thành một không gian sinh thái gần như tách biệt với phố xá ồn ã. Anh Phan Duy-Chủ Paksong farmstay-cho hay: Không ít người cho rằng anh “lãng phí” tiềm năng khu đất khi để cỏ cây đua nhau mọc lên như không chủ ý. Nhưng thật ra, đây lại chính là mục tiêu mà anh hướng đến, là để cây cối phát triển tự nhiên theo hướng vườn rừng bền vững.

Nói về nỗ lực tôn tạo khoảng xanh, anh nêu một câu đáng suy ngẫm: “Chúng ta hay gọi là “Mẹ thiên nhiên”, vậy thì phải kính hiếu. Nhưng thực tế hiện giờ chúng ta đang đối xử với thiên nhiên như thế nào?”.

Năng lượng bình an đến từ cây cỏ ở Paksong farmstay. Ảnh: P.D

Năng lượng bình an đến từ cây cỏ ở Paksong farmstay. Ảnh: P.D

Và Paksong farmstay là câu trả lời của riêng anh. Ngoài các loại rau trái, cây xanh khác nhau được chăm trồng, khu vườn tuân theo “quy luật” của rừng với nấm, cỏ mọc sát mặt đất, tầng cao hơn là cây bụi, dây leo rồi đến cây to hơn. Sau 3 năm theo đuổi mục tiêu sống hài hòa với thiên nhiên, nói không với phân thuốc hóa học, anh Duy vui mừng thấy khu vườn thu hút chim chóc về đậu kín sân và làm tổ, tối đến đom đóm bay lập lòe như trong ký ức tuổi thơ anh hàng chục năm về trước.

“Tôi tạo dựng farmstay không chỉ vì mục đích kinh doanh mà còn cho thế hệ sau này, để con tôi, cháu tôi có một khu vườn rừng đúng nghĩa giữa lòng thành phố”-anh Duy chia sẻ. Anh kể, nhiều du khách khi đến đây cho hay, họ được phục hồi năng lượng nhờ thiên nhiên trong lành. “Nói Pleiku là thành phố ngủ ngon nhất là không sai. Du khách ngủ ngon khi đến thành phố vì họ tìm thấy cảm giác bình yên”-anh Duy tâm sự.

Xây dựng một khu vườn rừng đa dạng sinh thái cũng là mong muốn của anh Đỗ Tấn Hưng (thôn 3, xã Diên Phú) khi mua lại mảnh vườn rộng 2 ha, sẵn có nhiều loại cây ăn quả. Anh Hưng từng là một chuyên viên phân tích nghiệp vụ phần mềm nhưng lại rời bỏ công việc vì mê làm nông nghiệp sạch.

Nhận định khu đất đã chịu nhiều “tổn thương”, anh quyết định dưỡng cho đất tốt lên bằng cách không sử dụng phân hóa học, ngưng làm cỏ. Sau khi đất được “chữa lành”, anh trồng thêm cây ăn quả và các loài cây thân gỗ, hoa, dây leo, cây dược liệu đủ tầng đủ tán… Đến thời điểm tự cân bằng để sinh trưởng, khu vườn trở thành vườn rừng với hệ sinh thái hết sức đa dạng. Để rồi chính mỗi người cũng tìm thấy sự thảnh thơi, được tự chữa lành khi dạo bước giữa cây cỏ vô ưu. Đúng như anh Hưng trò chuyện: “Không chỉ là kinh tế, khu vườn còn mang đến giá trị to lớn đối với sức khỏe tinh thần”.

2. “Chữa lành” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Điều này cần thiết khi một người không còn cảm thấy hạnh phúc hoặc mất cân bằng, đau khổ về tinh thần. Đặc biệt, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần ngày càng nhận được quan tâm lớn từ cộng đồng sau khi đại dịch Covid-19 quét ngang, để lại những tổn thương tâm lý cho nhiều người khi chứng kiến những mất mát diễn ra hàng ngày. Đó là lý do Liên hợp quốc đã chọn “Chữa lành” là thông điệp của năm 2021 (Year of Healing).

Sau khi tham gia chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh, bạn trẻ Đoàn Thị Nguyên Thanh (tốt nghiệp ngành Y đa khoa, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh) nhận ra những tổn thương ấy ngay bên trong mình và trong xã hội hiện đại, nhất là khi cô từng có khoảng 8 tháng làm công tác vận hành tại phòng tham vấn học đường trong một trường học ở Hà Nội. Theo nhận định của cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, một bộ phận bạn trẻ gen Z (thế hệ ra đời từ năm 1995 đến 2012) bị nhiều “áp lực thời đại” đi cùng những tổn thương đa thế hệ khiến họ hoang mang về bản thân, về định hướng tương lai.

Vì một vài lý do cá nhân, Thanh tạm dừng công việc ở Hà Nội và quay về Pleiku. Tháng 6-2023, cô triển khai dự án có tên là “Hồ” nhằm mục đích hỗ trợ sức khỏe tinh thần cộng đồng bằng phương pháp vòng tròn chia sẻ (hình thức sinh hoạt của cộng đồng Healing Circle Global-Mạng lưới Tròn lành toàn cầu). Sinh hoạt vòng tròn nổi bật với các đặc điểm chung là tạo ra không gian chia sẻ an toàn bằng sự tôn trọng, lắng nghe, không cố gắng chỉnh sửa hay đưa ra lời khuyên, từ đó kết nối và đồng kiến tạo những hành động có ý nghĩa.

Tự nhận mình là mảnh ghép nhỏ trong cộng đồng hỗ trợ sức khỏe tinh thần tại Pleiku, Thanh mong muốn góp phần giúp những người tham gia dự án quay về với chính mình, kết nối với bên trong để tìm lại sự cân bằng. Trong 2 tháng qua, các vòng tròn do Thanh tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều bạn trẻ địa phương và cả du khách một số nơi.

Thanh nhận định: Chữa lành có thể tiếp cận từ 3 tầng gồm: can thiệp sâu bằng y khoa và trị liệu tâm lý chuyên sâu; can thiệp ở mức trung bình như tham vấn, tư vấn tâm lý và cuối cùng là tiếp cận từ phía cộng đồng với mục đích phòng ngừa. Tính cộng đồng là điều mà Dự án “Hồ” hướng tới để qua đó nâng đỡ sự dẻo dai trong sức khỏe tinh thần của mỗi người.

Vòng tròn chia sẻ vì thế giúp mỗi cá nhân bộc lộ bản thân, được là chính mình để cùng ôn tìm sự bình an đến từ bên trong. Khá nhiều chủ đề hay đã được thảo luận tại các vòng tròn chia sẻ do “Hồ” tổ chức như: vấn đề sức khỏe tinh thần; ranh giới mong manh giữa giúp đỡ và mong muốn chỉnh sửa người khác; hành trình tự làm việc với bản thân và cho phép mình được bộc lộ.

Không gian vườn rừng lý tưởng của Paksong Farmstay. Ảnh: Phan Duy

Không gian vườn rừng lý tưởng của Paksong Farmstay. Ảnh: Phan Duy

Nói thêm về việc triển khai dự án tại Pleiku, Thanh nhìn nhận: “Thêm không gian thiên nhiên trong lành của Pleiku nữa thì quá tuyệt vời. Chỉ cần hít thở một hơi thật sâu là đã thấy thích thú. Nhiều du khách tới đây nói rằng họ bớt đi những suy nghĩ, lo lắng. Tổ chức tại Pleiku, vòng tròn này là một điểm “neo” lại, giúp du khách có không gian để quay về bên trong”.

Từng tham gia vòng tròn chia sẻ tổ chức vào tháng 6-2023, anh Phạm Trí Đức-nhân viên truyền thông quảng cáo tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) bày tỏ: “Thời gian đó, mình có khá nhiều mối lo ở bên ngoài nên hơi chộn rộn. Mình đến Pleiku để được ngồi yên lại và vòng tròn là cái duyên khi mình được tham dự. Với mình, vòng tròn là lúc ngồi lại quan sát tâm thức bản thân, chia sẻ với mọi người. Sau khi tham gia, mình có thêm bạn mới và những cái nhìn đa chiều”.

Anh Đức cho biết thêm, Pleiku mang lại cho anh cảm giác yên bình, không gian rất gần với Mẹ thiên nhiên. “Sắp tới, nếu đủ duyên, mình sẽ lưu lại đây sinh sống một thời gian”-Đức dự tính.

3. Khá mới so với các loại hình du lịch khác song thường được đề cập là “du lịch chữa lành”. Loại hình này đề cao giá trị tinh thần do thiên nhiên mang lại cùng với những hoạt động mang tính “tĩnh” hơn là “động”, giúp làm mới cảm xúc, hướng đến những giá trị sống tích cực. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu (Global Wellness Institute), đến hết năm 2022, doanh thu của mảng du lịch chữa lành ước đạt 919 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng ngành du lịch thế giới.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh-Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững, điểm đến của du lịch chữa lành thường là những không gian sở hữu thiên nhiên nguyên sơ, có khả năng mang đến cho du khách sự kết nối thuần khiết với thiên nhiên. Đối tượng của du lịch chữa lành vì thế cũng tương đối rộng lớn, bên cạnh những người đang chịu tổn thương về tâm lý sau những biến cố của cuộc đời còn là những người muốn khám phá thế giới tâm hồn bên trong, muốn được chăm sóc, nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần.

Với sự năng động, nhạy cảm và hướng đến giá trị sống bền vững Pleiku, thành phố này đang được bồi đắp những vẻ đẹp riêng có của sự nguyên sơ, trở về với chính mình. Vẫn cần thêm sự tiếp sức để những nỗ lực đơn lẻ tạo ra sức mạnh cộng đồng, từ đó kiến tạo Pleiku thành “thành phố chữa lành” cho cư dân nơi đây và cho cả du khách các nơi tìm về.

Có thể bạn quan tâm