Thời sự - Bình luận

Kích hoạt du lịch hấp dẫn, an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

TP HCM và ĐBSCL vừa bắt tay nhau nối lại chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch và phát động mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới.

TP HCM trở lại vị trí "mặt tiền, cửa ngõ" của một trung tâm du lịch lớn nhất nước. Miền Tây sông nước, miệt vườn cũng đã sẵn sàng mở van "lò xo du lịch" an toàn cho du lịch quốc tế cùng với các điểm sáng du lịch nội địa đang thu hút du khách.

Thế mạnh du lịch sông nước, miệt vườn, biển đảo, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm văn hóa của ĐBSCL là sự kết nối có nhiều lợi thế với du lịch TP HCM. Hai vùng du lịch nổi tiếng này có thể nương tựa nhau, bổ sung cho nhau để tăng tính hấp dẫn. Liên kết, hợp tác, kết nối du lịch TP HCM - ĐBSCL trước tình hình mới, đã trở thành mệnh lệnh mới cho việc mở cửa "ngành công nghiệp không khói".

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tích hợp đa giá trị từ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, cảnh quan môi trường sinh thái đến "bếp ăn" - các giá trị ẩm thực đa dạng, hấp dẫn của Việt Nam. Nếu không làm mới được sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch mới, kết nối hệ thống liên vùng an toàn thì "khẩu vị ẩm thực" sẽ kém hấp dẫn với du khách. Chỉ một địa phương, một khâu trong chuỗi du lịch không hấp dẫn, kém an toàn sẽ làm mất sức hút, mất an toàn cả hệ thống.

Cần tiếp tục thực hiện linh hoạt thích ứng, tăng cường liên kết hệ thống, từ trọng tâm là thị trường du lịch nội địa sang mạnh dạn khai thác du lịch quốc tế, tránh chậm chân trước các đối thủ cạnh tranh. Các địa phương, doanh nghiệp, người kinh doanh du lịch và các tác nhân có liên quan trong chuỗi du lịch cần cụ thể hóa rõ ràng cơ chế, nội dung, chương trình liên kết, hợp tác thực chất bằng nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch cụ thể; phân định trách nhiệm giải quyết các vướng mắc phát sinh thường xảy ra sau thời gian dài các chuỗi du lịch bị đứt gãy.

Tình hình thay đổi thì cách tiếp cận, biện pháp, giải pháp phải thay đổi. Cần thực thi tốt các nhóm giải pháp phục hồi và tăng trưởng du lịch. Cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết không gian du lịch, sản phẩm du lịch an toàn, chia sẻ, khai thác hiệu quả hơn tài nguyên du lịch của từng địa phương để mang lại hiệu quả tốt hơn, an toàn hơn.

Cần sự gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, tương trợ nhau giữa du lịch lữ hành, vận tải du lịch, lưu trú, du lịch ẩm thực. Các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh du lịch chốt chọn các dịch vụ phù hợp, lên kế hoạch tổ chức hoạt động trong an toàn cùng với đẩy mạnh truyền thông, quảng bá và bảo đảm thực chất yêu cầu.

Khẩn trương số hóa toàn bộ dữ liệu du lịch, kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm, trong đó có thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động dịch ra các ngôn ngữ phổ biến.

Cách tiếp cận phù hợp, giải pháp khả thi, tạo môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận của người dân... chính là cách thức để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi và phát triển an toàn.

TRẦN HỮU HIỆP - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm