1. Khoảng 18 giờ hàng ngày, khoảnh sân trước nhà anh Puih Dup (làng Blang 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) lại trở nên rộn ràng khi 33 em nhỏ tập trung học đánh cồng chiêng. Bà con dân làng cũng kéo đến ngồi xem chật kín sân. Mặc dù chỉ là tập luyện nhưng em nào cũng háo hức, mắt lấp lánh niềm vui.
Đội cồng chiêng “nhí” làng Blang 3 được thành lập từ năm 2021 gồm 20 em nam đánh chiêng và 13 em nữ múa xoang. Gắn bó với đội từ những ngày đầu tiên, anh Puih Dup đã nhân lên tình yêu với cồng chiêng trong lớp trẻ bằng tất cả sự tận tình. Anh chia sẻ: “Thời gian đầu chỉ có 3 em theo học. Tôi dạy các em cách đếm nhịp, thẩm âm… Dần dần, nhiều gia đình động viên con em theo học”.
“Truyền lửa” cho thế hệ mai sau. Ảnh: Phạm Quý |
Em Puih Thăng-Đội trưởng đội cồng chiêng “nhí” làng Blang 3-thổ lộ: “Tuần nào không đi tập là em thấy nhớ tiếng chiêng lắm”. Còn cậu bé Ksor Thơ cũng vì mê tiếng chiêng của chú Dup mà cứ lân la đến gần để nghe, để xem rồi xin vào đội. “Ngoài đánh chiêng, cháu còn được các ông, các chú dạy đánh trống. Khi đội chiêng đi biểu diễn thì cháu sẽ ôm trống để hòa nhịp”-Thơ bộc bạch.
Sau những lúng túng ban đầu, giờ đây, các thành viên đội cồng chiêng “nhí” làng Blang 3 đã biết đánh nhiều bài chiêng quan trọng trong đời sống tinh thần của người Jrai như: mừng lúa mới, bỏ mả, mừng chiến thắng… Cùng với đội chiêng của người lớn, đội cồng chiêng “nhí” làng Blang 3 cũng tham gia nhiều hoạt động văn hóa do huyện, tỉnh tổ chức và đạt nhiều giải cao.
Ông Nguyễn Văn Hiển-Tổ trưởng Tổ Văn hóa-Văn nghệ (Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai) cho hay: Đến nay, toàn huyện có 5 đội cồng chiêng “nhí” với 200 thành viên, chủ yếu là học sinh.
2. Mới đây, tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ VI do Tỉnh Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức, tiết mục hát dân ca “Ru con” và hòa tấu nhạc cồng chiêng “Mừng lúa mới” do đội cồng chiêng “nhí” làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) biểu diễn đã giành giải nhất. Người đứng sau sự thành công của các tiết mục này là anh Y Xô và anh Byưn. Em Khok chia sẻ: “Nhờ 2 anh hướng dẫn mà đội chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Việc tập luyện được tổ chức thường xuyên, khoảng 2 tuần/lần. Những lúc tham gia hội thi thì chúng em tập luyện tích cực hơn. Chúng em rất vui vì góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2015, anh Y Xô bàn với Chi Đoàn làng Kon Măh về việc thành lập đội cồng chiêng “nhí”. Ý kiến của anh được nhiều người già trong làng ủng hộ. Đội hiện có 45 thành viên. Dưới sự hướng dẫn tận tình của anh Y Xô, đội ngày càng tiến bộ, được lựa chọn tham gia nhiều hội thi và đều giành được giải cao. Ngoài ra, đội còn được mời lưu diễn ở tỉnh Kon Tum và Hà Nội. “Nhìn các em say mê biểu diễn, tôi thực sự xúc động. Một số em mới 6 tuổi đã biết đánh chiêng và chơi nhạc cụ thành thục. Đây là nguồn động viên để tôi tiếp tục hướng dẫn, truyền dạy giúp các em ngày càng tiến bộ, tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc mình”-anh Y Xô bày tỏ.
Điệu chiêng hùng thiêng. Ảnh: Huyền Tỷ |
3. Anh Rah Lan Lim (làng Chuét Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) cũng là người có nhiều trăn trở với văn hóa truyền thống. Anh đã đứng ra thành lập đội cồng chiêng thanh thiếu nhi gồm 35 thành viên vào năm 2018; trong đó có 20 thành viên nam đánh chiêng và 15 nữ múa xoang. “Mình là đội trưởng của cả 2 đội cồng chiêng người lớn và cồng chiêng “nhí”. Để gìn giữ vốn văn hóa truyền thống, mình đứng ra thành lập đội cồng chiêng này”-anh Lim bộc bạch.
Dưới sự chỉ bảo tận tình của anh Lim, đội cồng chiêng “nhí” làng Chuét Ngol đã được xã Chư Á cử tham gia trình diễn tại nhiều sự kiện do TP. Pleiku tổ chức. Đội còn thường xuyên được các nhà hàng trên địa bàn thành phố mời tham gia biểu diễn, phục vụ theo nhu cầu của khách. Mới đây, đội được mời đi Hà Nội và tỉnh Long An biểu diễn. Việc làm này vừa góp phần quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa giúp các thiếu niên, nhi đồng trong làng có thêm thu nhập.
Trao đổi với P.V, ông Trương Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Chư Á-thông tin: “Nhờ có anh Rah Lan Lim mà phong trào văn hóa-văn nghệ tại làng Chuét Ngol khá sôi nổi. Tại những sự kiện do TP. Pleiku tổ chức, xã Chư Á đều cử đội cồng chiêng người lớn và đội cồng chiêng “nhí” của làng Chuét Ngol tham gia. Sự tâm huyết của anh Lim đã truyền cho thế hệ trẻ tình yêu và lòng tự hào về di sản quý báu của dân tộc”.