Miếu An Xuyên: Cung điện Thủy thần trên núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ cuối thế kỷ XIX, nhiều nhóm cư dân từ vùng duyên hải miền Trung đã lên vùng An Khê (tỉnh Gia Lai ngày nay) sinh sống. Từ hơn 100 năm trước, các ngư dân ở đây đã lập ngôi miếu bên bờ Đông dòng sông Ba thờ phụng vị thần bảo trợ cho vạn chài.

Đó là bà Thủy Long-một vị thần nước sinh ra từ huyền thoại về sức mạnh và quyền năng vô tận của loài rồng. Và miếu An Xuyên (tổ 4, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) đã trở thành nơi duy nhất tại cao nguyên Gia Lai thờ vị thủy thần đặc biệt này.

Ngôi miếu tọa lạc trong khuôn viên rộng gần 400 m2, địa thế đẹp, cách quốc lộ 19 khoảng 800 m, đường vào thênh thang. Cổng miếu hướng ra phía Tây bên bờ sông Ba uốn qua như rồng xanh lượn quanh, tạo thành vịnh nước thu hút tôm cá.

Bởi thế, các tiền bối nơi đây mới đề trước cổng và trụ biểu trong sân câu đối: “Sanh tư Tây thủy long lai nhiễu/Tiết bỉ Đông sơn hổ phục càn” (Dòng sông phía Tây uốn lượn như rồng chầu phía trước/Ngọn núi phía Đông cao chót vót như hổ phục vững chãi đằng sau); “Tiền án vịnh thâm ngư thủy thạnh/Hậu bồi cơ chỉ cán dân sanh” (Phía trước vực sâu có nhiều tôm cá/Phía sau miếu mạo uy nghi dân làng hưng thịnh).

Miếu An Xuyên. Ảnh: Bá Tính

Miếu An Xuyên trải qua nhiều lần dời chuyển vị trí. Ban đầu, miếu nằm ở đầu cầu sông Ba cũ (nay chỉ còn chân cầu). Thời thực dân Pháp xâm chiếm An Khê và tiến hành làm đường, miếu bị giải tỏa di dời đến vị trí thứ 2 là đầu cầu sông Ba mới hiện nay. Vị trí thứ 3 cách miếu cũ khoảng 1 km.

Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Mỹ-ngụy xâm chiếm đóng đồn gần đó, miếu bị bom đạn tàn phá, phải xây dựng lại. Năm 2002, khi huyện An Khê giải tỏa làm đường, diện tích miếu thu hẹp chỉ còn một phần nhỏ, phải dời lui vào trong vài chục mét.

Kiến trúc hiện tại chúng ta thấy là vị trí thứ tư của miếu An Xuyên được xây dựng từ nguồn quyên góp của dân làng. Riêng nhà khách và cổng ngõ miếu mới được xây dựng vào năm 2012 với nguồn tài trợ chủ yếu của ông Lê Đức Mỹ (tổ 4, phường Tây Sơn).

Hiện miếu An Xuyên còn giữ được 2 bài văn cúng cổ từ buổi đầu lập làng năm 1894 thời Vua Thành Thái và năm 1915 thời Vua Duy Tân. Kết quả điều tra di sản Hán Nôm năm 2022 của chúng tôi cho biết, đây là những bài văn cúng có niên đại xa xưa nhất trong số các bài văn cúng mà các đình, miếu trên địa bàn tỉnh còn giữ được đến nay.

Đặc biệt, tất cả các bản văn cúng bằng chữ Nho tại miếu An Xuyên hiện còn giữ được đều khẳng định vị thần chính được thờ tại đây là Thủy Long thần nữ. Kết quả thống kê và đối sánh hệ thống đình, miếu trong cả tỉnh còn cho thấy, miếu An Xuyên là nơi duy nhất thờ Thủy Long thần nữ làm thần chủ và đây cũng là cung điện duy nhất của bà Thủy Long tại An Khê nói riêng và Gia Lai nói chung.

Trang đầu bài văn cúng năm 1894 của miếu An Xuyên. Ảnh: Anh Minh

Ngoài bà Thủy Long, miếu An Xuyên còn thờ phụng 2 vị thủy thần khác là Hà Bá và Lang Lại. “Lang Lại đại tướng quân” thực tế là danh hiệu tôn xưng dành cho rái cá, được các ngư dân tôn thờ gọi bằng “ông Rái”, “Tướng quân” (tùy tòng phò tá bà Thủy Long, Hà Bá) với mong muốn đánh bắt được nhiều tôm cá.

Xung quanh miếu An Xuyên còn nhiều gia đình có truyền thống theo nghề chài lưới như ông Chánh, ông Tựu, ông Đức, ông Minh... Theo lời kể và sự chỉ dẫn của ông Đặng Lắm-thành viên Ban Nghi lễ miếu, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Đức. Ông Đức cho hay, quê ông ở vùng An Thái (Bình Định) làm nghề cá trên sông Côn. Hiện nay, ông vẫn nối nghiệp.

Ông Đức cho biết thêm, do sự biến đổi của thời gian, nhiều ngư cụ và cách đánh bắt xưa như câu kiều, lưới giăng làm bằng dây gai, sõng nan tre trát dầu rái đã được thay thế bằng cách thức và phương tiện mới. Một số loài cá từng là đặc sản vùng sông này cũng đã biến mất hoặc còn rất hiếm như: cá rói, cá sóc, cá phá, cá niên...

Hỏi về loài thủy tộc khác tại lưu vực sông Ba này, ông Đức vui vẻ tiết lộ, nơi đây từng có khá nhiều cua đinh (một loại ba ba) lưng rộng như cái bàn, nặng trên dưới 100 kg, hiện thỉnh thoảng cũng thấy nhưng nhỏ và hiếm.

Thuở xưa, vật phẩm dâng cúng ở miếu An Xuyên đặc sắc với các loại cá. Ông Lắm nheo mắt hồ hởi kể: Ngoài mấy loài cá ông Đức nói trên, hồi đó vùng này còn rất nhiều loài cá khác như: nhao, mương, chình, ngựa, diếc, trê, lóc, mè...

Cá tươi được bắt lên để nguyên con, chỉ bỏ ruột, rồi xếp vào nẹp tre thành từng “gắp”, nướng xa lửa bằng củi cho cứng ngay tại chỗ trên bãi cát, sau đó mang về miếu để nguyên gắp như vậy rồi xếp lớp lên những chiếc bàn dài. Số cá đánh bắt được trong ngày ra nghề sau khi cúng tại chỗ còn dư, sẽ đem về miếu lễ, đãi.

Miếu An Xuyên xưa kia cũng là vệ tinh của đình An Khê nên các ngày lễ lớn như Xuân kỳ, các miếu An Tập, An Phong, An Tân, Thanh Minh chịu trách nhiệm góp gạo, thịt, rau củ, tiền bạc thì miếu An Xuyên chịu trách nhiệm cung cấp cá để cúng đình.

Nghi lễ cúng quý xuân. Ảnh: Đình Luân

Nghề nào cũng có lễ nghi, cấm kỵ riêng. Ông Trần Văn Minh (tổ 4, phường Tây Sơn) cho hay: Những ngư dân ở đoạn sông Ba này có “lễ cúng xuống nghề” thực hiện vào đầu năm âm lịch, sau lễ Khai sơn. Lễ cúng được thực hiện tại bãi đá bằng phẳng ở giữa sông, vật phẩm thường là chè xôi và cá.

Vào ngày xuống thuyền, tất cả số cá bắt được chỉ dùng để cúng, không được đem về nhà, càng không được trao đổi mua bán, vì chúng đã được xem là dành riêng cho thần linh. Trước đó, không ai được tự ý ra sông đánh cá, người nào vi phạm điều cấm kỵ sẽ bị quy tội nếu năm đó làng bị thiên tai dịch bệnh, đói kém.

Theo ông Đức, vào ngày lễ của ngư dân, ai đang ở đâu thì cúng Hà Bá và cô hồn các bác tại đó, lễ vật là cơm, gà, cá kho. Cá dùng để cúng được bắt từ mẻ lưới đầu tiên. Một điều kiêng cữ khác của ngư dân ở đây là kỵ bắt rái cá.

Ngày lễ trọng đại nhất diễn ra tại miếu An Xuyên là “vía Bà” 17 tháng 2 âm lịch. Lễ thu hút đông đảo người dân trong vùng về tham dự tưởng nhớ công lao của các tiền nhân lập làng và gửi lời nguyện cầu may mắn, thịnh vượng cho bản thân và gia đình. Riêng đối với ngư dân ở đây (hoặc có gốc gác làm nghề đánh cá) hàng năm vẫn duy trì lễ cúng xuống nghề để cầu mong một năm mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi.

Hiện nay, những di vật của các bậc tiền hiền, hậu hiền lập làng xây miếu vẫn được gìn giữ cẩn thận. Ngoài các bài văn cúng cổ, chánh điện miếu An Xuyên còn lưu giữ được 2 bộ liễn đối ván chữ Nho khảm trai có từ năm 1937 thời Vua Bảo Đại, 1 bộ do những người họ Lê đến An Khê tặng, 1 bộ do những người họ Châu, họ Nguyễn, họ Trần từ các làng Tân Thuận, Quang Thuận, Mỹ Thạnh mới di cư từ vùng Tuy Phước (nay thuộc Bình Định) lên An Khê tặng.

Vì vậy, về di sản văn tự, miếu An Xuyên giữ một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn tư liệu gốc để làm sáng rõ lịch sử văn hóa địa phương.

Miếu An Xuyên đang được UBND thị xã An Khê hoàn thiện hồ sơ trình xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Hy vọng, sau khi được công nhận, miếu sẽ được quan tâm phục hồi một số nghi lễ truyền thống độc đáo; đồng thời, trả lại đúng “danh phận” cho bà Thủy Long là việc cần được quan tâm, nhằm tôn vinh đúng giá trị đặc sắc của di tích.

Có thể bạn quan tâm