Hình tượng con rồng thật sâu đậm trong tâm thức người Việt và có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng.
Gắn với nguồn cội
Mỗi người Việt Nam ta luôn tự hào mình là con Rồng cháu Tiên. Tâm thức các thế hệ người Việt tin rằng tổ tiên chúng ta là dòng giống Tiên Rồng.
Hình tượng con rồng với nhiều dấu ấn lịch sử ở thời Lý. Đó là chuyện về Lý Công Uẩn, người con nuôi của Thiền sư Lý Khánh Vân, trưởng thành nhờ công lao chỉ dạy của Thiền sư Vạn Hạnh nổi tiếng về đạo hạnh và trí tuệ. Khi lên ngôi, Vua lấy hiệu là Lý Thái Tổ. Từ đất Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình ngày nay), Vua đã ban chiếu dời đô về Đại La. Khi về đến Hà Nội, thấy bầu trời bừng sáng quần thể mây có hình con rồng vàng bay lên, Vua cho đấy là điềm tốt và may mắn nên đã lấy hình tượng đó để đặt tên kinh đô là Thăng Long (rồng bay lên).
Hình tượng rồng trang trí trên kiến trúc mặt tiền chánh điện chùa Bửu Thắng (TP. Pleiku). Ảnh: T.N |
Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh): “Trong văn hóa Việt Nam, hình ảnh con rồng gắn với văn minh nông nghiệp, biểu tượng của nước-yếu tố quan trọng hàng đầu trong nông nghiệp. Rồng là sản phẩm của hư cấu, kết tụ những điều tốt đẹp và sức mạnh tổng hợp của nhiều loài, thể hiện ước mơ khát vọng vươn đến sự hoàn mỹ của con người”. Người xưa quan niệm rồng còn tượng trưng cho những điều thiêng liêng, cao quý; đồng thời cũng là biểu tượng cho vua chúa, quyền lực tối thượng.
Đất nước ta có rất nhiều công trình, địa danh liên quan đến rồng. Nếu hiểu rằng miền Bắc như là đầu rồng thì cố đô Huế ở giữa là mình có bệ rồng (triều nhà Nguyễn) và vùng Nam Bộ là chân rồng. Vịnh Hạ Long xưa kia cũng gắn với truyền thuyết về rồng và nay chính là di tích thiêng liêng và thắng cảnh kỳ quan thế giới đã được UNESCO công nhận. Ở Thủ đô Hà Nội có di tích Hoàng thành Thăng Long, cầu Long Biên. Nam Định có chợ Rồng, Thanh Hóa có cầu Hàm Rồng. Vùng đất phương Nam có nhiều địa danh gắn với rồng như: Long Khánh, Bình Long, Long An, Vĩnh Long. Miền Tây Nam Bộ có sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh có Bến Nhà Rồng.
Trong mỹ thuật và kiến trúc
Từ thời nhà Lý, Phật giáo phát triển mạnh nên hình tượng rồng được thể hiện trong nghệ thuật. Rồng là hình tượng được nhiều họa sĩ, kiến trúc sư đưa vào hội họa, điêu khắc, với ý nghĩa thiêng liêng và bản sắc dân tộc. Tiến sĩ-Hòa thượng Thích Tâm Tường-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh-chia sẻ: “Hai triều đại Lý-Trần vẫn luôn dùng Nho giáo như một thiết chế để quản lý xã hội, nhưng đời sống tư tưởng và hoạt động tâm linh thì lấy Phật giáo làm điểm tựa tinh thần. Biểu tượng rồng giai đoạn này có sự hòa kết giữa 2 luồng tư tưởng mỹ học của cả Nho giáo và Phật giáo. Yếu tố Nho giáo làm cho con rồng mang tính uy quyền và biểu thị sự thần quyền hóa của nhà vua. Yếu tố Phật giáo làm cho con rồng mang tính nhân văn và biểu thị sự Phật tính hóa trong tâm tính của một thời đại”.
Hình tượng rồng cưỡi mây được vẽ trang trí trên đạo sắc phong thần Núi, còn lưu giữ tại đình Chí Công (xã Cư An, huyện Đak Pơ). Ảnh: L.H.S |
Các nhà điêu khắc, kiến trúc đã diễn tả hình ảnh rồng của thời Lý mình dài, uốn khúc mềm mại, thon nhỏ dần từ đầu đến đuôi. Rồng dáng hiền lành, vui vẻ, thường ngẩng cao đầu, miệng há to, mép trên miệng có vòi với độ mềm mại uốn lượn, vươn cao… Rồng thời Trần uy nghi và đường bệ, thân rồng tròn, mập; đuôi thẳng, nhọn hoặc xoắn ốc; vảy như nửa hình hoa tròn, nhiều cánh đều đặn; phong thái rồng dứt khoát, mạnh, trong tư thế vươn lên phía trước… Mỹ thuật thời Lý-Trần đã thể hiện theo những ý tưởng ấy. Nhìn ở góc độ tạo hình và tín ngưỡng, hình tượng rồng thời Lý-Trần mang nét hài hòa, nhân văn, đặc trưng cho tinh thần khoan dung, uyển chuyển.
Cũng theo Hòa thượng Thích Tâm Tường: Ở thời Nguyễn, hình tượng rồng được đánh giá quan trọng nhất, vì khẳng định tính vương quyền của nhà vua và triều đại. Nghệ nhân tạo hình tượng rồng không chỉ vì mục đích nghệ thuật mà còn tuân thủ định chế xã hội, thiết chế văn hóa đương thời. Hình tượng rồng trở về với dáng vẻ uy nghi như đầu rồng to, mũi sư tử, miệng há rộng, râu rồng uốn sóng. Rồng không dài, chỉ uốn lượn với độ cong lớn. Rồng xuất hiện sắc sảo trên các công trình kiến trúc trong và ngoài Hoàng cung Huế hay trên các vật dụng của triều đình, với nhóm mô típ khá phổ biến là “lưỡng long chầu”, “lưỡng long tranh châu” hay “lưỡng long chầu nguyệt”, “lưỡng long chầu nhật”...
Rồng thời Nguyễn thể hiện thành công và rất phong phú bởi nhiều chất liệu như đúc bằng đồng, chạm trổ trên đá, điêu khắc trên gỗ, xương, ngà, các kim loại và đá quý. Hình thức thể hiện như hình khối, trên mặt phẳng, hoặc được vẽ chìm dưới lớp men phủ, với nghệ thuật chạm lộng, chạm nổi, hay khảm-cẩn ngọc trai, sành sứ, dệt thêu trên vải, vẽ bằng bột màu trên giấy và gốm sứ.
Gắn với văn hóa và đời sống
Theo Thượng tọa Thích Giác Hiền-Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Văn hóa Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh: “Văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam quan niệm rồng là linh vật mang sức mạnh thiên nhiên đại diện cho 4 yếu tố cấu tạo nên vũ trụ gồm nước, lửa, đất và gió. Rồng được xem là linh vật đầu tiên trong bộ tứ linh “long-lân-quy-phụng”, được dân gian tôn kính. Ở nước ta, hình tượng rồng phổ biến ở không gian tín ngưỡng của người Việt như chùa chiền, lăng tẩm, đình miếu… Hình tượng rồng cũng là linh vật gắn với sự ra đời của Đức Phật Thích Ca và quá trình tu tập, truyền bá Phật pháp. Đặc biệt, Phật giáo còn có hình tượng Phật Quan Âm cưỡi rồng đi khắp muôn phương để phổ độ chúng sinh”.
Bộ ché của Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn sưu tập có trang trí hình tượng rồng. Ảnh: T.N |
Trong câu chuyện tìm hiểu về những hiện vật có hình tượng rồng còn tồn tại trên địa bàn tỉnh, ông Hồ Xuân Toản-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng tỉnh) chia sẻ: “Tại Gia Lai, hình tượng rồng chủ yếu phổ biến ở các chùa chiền hay ở đình miếu của người Việt vùng An Khê-Đak Pơ. Đối với dân tộc Jrai, Bahnar, hầu như ít có yếu tố văn hóa mang hình tượng rồng. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua con đường trao đổi, mua bán của cư dân miền đồng bằng với miền núi, thì người Jrai, Bahnar đã sử dụng một số hiện vật gốm sứ như ché (ghè) có hình tượng rồng. Tại Bảo tàng tỉnh, ngoài những chiếc ché đang bảo quản và gìn giữ trong kho, đơn vị đang trưng bày chiếc ché lớn có màu nâu sẫm, cao 80 cm, trên ché có 5 tai, mặt ngoài ché trang trí hình tượng rồng nên giá trị rất quý. Ché này được Bảo tàng tỉnh sưu tầm từ nhiều năm trước, chủ nhân lúc ấy là bà Rơ Châm Bluch ở làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh”.
Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn là người dành nhiều thời gian, công sức tìm kiếm và sưu tập các loại ché, đặc biệt là ché Tang. Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn cho hay: “Ché Tang có đồ án trang trí hình tượng rồng độc đáo. Bước đầu nghiên cứu, tìm hiểu, đây là sản phẩm có nguồn gốc văn hóa Chăm, niên đại vào thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, là loại ché quý, tài sản có giá trị cao, thông thường chỉ những gia đình khá giả hay già làng trước đây mới có”.
Cũng theo Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn, một loại hiện vật khác cũng có hình tượng rồng tiêu biểu còn tồn tại ở tỉnh ta, tập trung ở vùng An Khê, Đak Pơ là 25 đạo sắc phong do triều đình phong tặng cho các vị thần theo tín ngưỡng dân gian và 6 đạo sắc phong cho các vị quan lại, người có công với nước, ban cấp từ thời các vị Vua Gia Long đến Bảo Đại (khoảng đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX). Đặc điểm phần trang trí chính của sắc phong vẽ hình tượng rồng cưỡi mây cùng nội dung viết bằng chữ Nho. Ấn triện sắc mệnh chi bảo của hoàng đế thường đóng ngay bên dưới đầu rồng, biểu thị quyền lực tối cao của nhà vua.