Người dân Gia Lai sum vầy đón năm mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng không khí chào đón thời khắc Giao thừa tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn diễn ra khá rộn ràng, phấn khởi. Hầu hết người dân đều lựa chọn đón năm mới tại nhà, sum vầy bên những thương yêu.
 

Đường phố Pleiku trong đêm Giao thừa. Ảnh: Quang Tấn

Quây quần bên gia đình, đồng đội

Chào đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tại Pleiku, sắc xuân với cờ hoa rực rỡ, đèn trang trí vẫn lấp lánh dọc các tuyến phố. Không khí chuẩn bị chào đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới lan tỏa vào từng con hẻm, khu phố, từ người già đến người trẻ, ai ai cũng rộn vui, phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Thắng (thôn 2, xã Trà Đa, TP. Pleiku) chọn đón Giao thừa cùng gia đình, hạn chế tập trung đông người để phòng-chống dịch bệnh. Ảnh: Quang Tấn


Không ít người dân Phố núi đã lên kế hoạch đón Giao thừa năm Nhâm Dần 2022 tại nhà thay vì tới các điểm vui chơi công cộng. Ông Nguyễn Văn Thắng (thôn 2, xã Trà Đa, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi và gia đình xác định ngay từ đầu là sẽ không tham gia đón Giao thừa ở những điểm công cộng mà gia đình quây quần bên nhau để cùng nhau ôn lại chuyện năm cũ và chào đón thời khắc đầu tiên của năm mới. Mong năm cũ qua đi, năm mới sẽ mang đến cho gia đình và mọi người nhiều sức khỏe, dịch nhanh chóng qua đi, nhà nhà có cuộc sống bình an, hạnh phúc”.
 

Gia đình ông Nguyễn Công Dụng (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) quây quần bên nhau trong đêm Giao thừa. Ảnh: Nguyễn Tú

Để phòng tránh dịch bệnh, hầu hết người dân đều chọn cách sum vầy bên gia đình trong thời khắc đầu tiên của năm mới. Ông Nguyễn Công Dụng (thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) cho hay: “Năm nào cũng vậy, vào đêm Giao thừa, cả gia đình tập trung nói chuyện, chia sẻ với nhau về năm đã qua và động viên con cái nỗ lực hơn trong năm tới. Tiếp đó, cả nhà cùng xem chương trình Táo quân và đón Giao thừa. Riêng năm nay, gia đình vừa đón thêm một thành viên mới là cháu trai đầu của con gái thứ 2 nên niềm vui được nhân lên gấp bội”.
 

Chị Phan Thị Thu Sương (tổ dân phố Plei Ktoh, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) mừng tuổi cho con trai trong thời khắc Giao thừa. Ảnh: Mộc Trà


Còn chị Phan Thị Thu Sương (tổ dân phố Plei Ktoh, thị trấn Kông Chro) chia sẻ: “Trước khi cùng nhau đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, vợ chồng tôi đã đưa 2 con về thăm ông bà. Tiếp đó, cả nhà cùng trở về quây quần bên nhau để đón chào tân niên. Chúng tôi cũng lì xì mừng tuổi cho các con trong thời khắc Giao thừa và ước nguyện những điều tốt đẹp nhất vào năm mới”.

Đối với các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ sự bình yên nơi biên giới như Đại úy Nguyễn Kim Thuận-cán bộ Trạm kiểm soát Phà 8, Đồn Biên phòng Ia Chía, huyện Ia Grai thì những giây phút đón Giao thừa bên nồi bánh chưng càng thêm quý giá. “Dù không được đón Giao thừa cùng gia đình, người thân nhưng đối với tôi được ngồi bên nồi bánh chưng cùng đồng đội đón chào năm mới cũng thật phấn khởi. Đầu xuân năm mới, xin chúc các đồng chí, đồng đội luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là bảo vệ đường biên giới “hòa bình-hữu nghị-an toàn”-Đại úy Thuận nói.

Nhóm bạn từ thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) đến Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) từ rất sớm để tham quan, chào đón Giao thừa. Ảnh: Quang Tấn

Đảm bảo an toàn phòng dịch

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đây là năm thứ 2, TP. Pleiku không tổ chức chương trình nhạc hội và bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa. Vậy nên, đường phố Pleiku đêm 29 Tết không quá tấp nập, một bộ phận người dân hạn chế ra đường để phòng-chống dịch. Anh Nguyễn Hữu Kim (tổ 3, phường Phù Đổng) bộc bạch: Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc thành phố quyết định không bắn pháo hoa, tổ chức chương trình nhạc hội để chào đón năm mới là rất hợp lý nhằm hạn chế tập trung đông người. Mong rằng, năm mới tình hình dịch bệnh sẽ giảm bớt và cuộc sống trở lại bình thường

Người dân đến Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) đón thời khắc đầu tiên của năm mới. Ảnh: Đức Thụy
Người dân đến Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) để tham quan, chụp hình lưu niệm. Ảnh: Hà Phương



Không khí đêm Giao thừa tại huyện vùng sâu, vùng xa Kông Chro khá trầm lắng. Các hoạt động vui chơi giải trí, văn nghệ mừng xuân tập trung đông người đều không được tổ chức nhằm phòng-chống dịch Covid-19. Tương tự, thị xã An Khê cũng không tổ chức chương trình văn nghệ chào đón mới. Cũng vì không tổ chức chào đón Giao thừa nên chợ hoa Tết An Khê kết thúc sớm hơn mọi năm. Anh Võ Kế Quyên (thôn 2, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) cho hay: Bắt đầu 19 giờ, mọi hoạt động mua bán ở chợ hoa phải dừng nên tôi cũng tranh thủ dọn dẹp để về đón Giao thừa cùng gia đình.

Để phòng-chống dịch Covid-19, năm nay, thị xã An Khê không tổ chức Giao thừa tại khu vực chợ hoa Tết. Ảnh: Ngọc Minh

Theo anh Hồ Lương Sáng (tổ 6, phường An Phú, thị xã An Khê), việc dừng các hoạt động văn nghệ chào đón Giao thừa là hợp lý vì dịch bệnh hiện nay vẫn rất phức tạp. “Bước sang năm mới, tôi mong muốn gia đình có thật nhiều sức khỏe, dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi, để mọi nhà đều có cuộc sống ấm no, đủ đầy”-anh Sáng tâm sự.
 

Người dân thị xã An Khê hối hả về bên gia đình đón năm mới Nhâm Dần. Ảnh: Ngọc Minh


Theo Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Lê Ngọc Quý, các hoạt động vui đón Tết cho Nhân dân được huyện chú trọng triển khai, nhất là công tác phòng-chống dịch Covid-19. Theo đó, cùng với thăm, tặng quà cho 2.000 hộ gia đình có công, yếu thế tại các xã, thị trấn, huyện đã tổ chức các đoàn thăm, tặng quà lực lượng tuyến đầu chống dịch, tổ Covid-19 cộng đồng, Đồn Biên phòng và bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. “Riêng đội ngũ y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền Nhâm Dần 2022 tại Bệnh viện dã chiến số 10 ở huyện, chúng tôi cũng đã trích ngân sách hỗ trợ 2 triệu đồng/người để động viên, khích lệ vì họ không được đón Tết cùng gia đình”-ông Lê Ngọc Quý cho biết thêm.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm