Nơi "phố trời gần" có điều khác biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tháng 10 Âm lịch, xứ Bắc đã vào đông. Xứ cao nguyên đang là mùa khô.
Năm ấy dường như mùa khô đến sớm. Dọc quốc lộ 14 xuyên Tây Nguyên, hoa cúc quỳ tươi tắn gam màu vàng đậm ràn rạt theo chiều gió. Bên nẻo đường ngược Đức Cơ, xuôi Ayun Pa hay ven rẫy chân núi Hàm Rồng, bên con đường bao quanh Biển Hồ, cúc quỳ óng ánh, lấp lóa, mềm mại và dung dị, mang tới cảm giác nồng ấm.
Thời ấy, năm đôi ba bận, từ Buôn Ma Thuột, tôi ngược Pleiku, Kon Tum, có khi lên tận ngã ba biên giới Ngọc Hồi, ngược lên Đak Glei, vượt lưng chừng con đèo Lò Xo, nghe âm âm trong gió “Tiếng hát đi đày” của người tù Cộng sản Tố Hữu: “Đường lên đỉnh núi Đắc Lay/Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim”… Vài bận dừng chân bên cây cầu Đak Zon, Đak Man ngắm mây vấn vít đỉnh ngàn rừng rồi vào ngôi làng bên đường hỏi chuyện mấy bà mấy cô người Xê Đăng, Giẻ Triêng về những bó củi hứa hôn đẹp như tranh khắc gỗ. Cũng vài lần đi về ngả Đông Gia Lai, đến Kbang, tìm về làng Stơr quê Bok Núp, ăn bữa cơm gạo rẫy đầu mùa với canh cá suối cùng vợ chồng em gái người Anh hùng trong ngôi nhà sàn thấp bé, tối đến ngủ nhà rông cùng đám thanh niên làng, bị lũ bọ chét tấn công, thêm “trải nghiệm” nhớ đời. Người em rể Bok Núp, tên là Jứt, tuổi nhiều hơn ông anh vợ, quấn khố, áo may ô, hồn nhiên kể chuyện ngày nhỏ từng cõng Núp lội suối… Vài bận tìm đến ngôi làng Plei Bông của người Bahnar ở huyện Mang Yang, ngồi ngắm người họa sĩ già Xu Man trầm tư trước giá vẽ, lặng lẽ, chậm rãi phết màu lên khung tranh. Người con của làng sau bao năm quăng quật trên nẻo đường chiến tranh, từng bao năm lựa cọ phối màu nơi đất kinh kỳ, cũng đến độ thành danh, giờ về lại ngôi làng cũ, như hòn than bếp lửa quá đêm, níu thời gian bằng khung tranh giá vẽ, đêm đêm lắng tiếng gọi của Yàng.
Bình minh trên Biển Hồ. Ảnh: Phan Nguyên
Bình minh trên Biển Hồ. Ảnh: Phan Nguyên
Những lần ngược mạn Bắc Tây Nguyên, vào độ mùa khô, cả khi đi và về, tôi đều dừng chân nơi phố núi Pleiku. Tây Nguyên hai mùa, nhưng tôi yêu biết bao cái mùa khô. Dù khô khao bụi đỏ nhưng chân trời rộng mở, khoáng đạt, bầu trời rộng rãi, cao xanh, bốn bề ào ạt gió và những chiều hoàng hôn tím lịm. Tôi yêu thành phố này từ ngày nó đang là thị xã với những con phố lượn theo triền dốc được che mát bằng tán thông và long não. Hai thứ cây tuổi thọ ngang bậc già làng rợp bóng mát theo từng con phố lại tỏa ra thứ hương thơm nhẹ, thanh khiết. Và, có thể ca khúc “Còn một chút gì để nhớ” của nhạc sĩ tài danh Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định đã quyến rũ, mời gọi, để nơi đặt bước chân đầu tiên trên đất Tây Nguyên của tôi hơn 40 năm trước là Pleiku… Trên chuyến xe lam một chiều cuối mùa mưa 43 năm trước, từ bến xe liên tỉnh vào trung tâm Phố núi, với một nữ sinh từ Sài Gòn trở về, tôi đã nhận ra điều khác biệt đáng yêu và ấn tượng hơn nhiều những hình ảnh mà ca từ bản nhạc mang đến. Đã có lần tôi nghĩ, thành phố này sẽ là điểm nhấn khác biệt trong chuỗi đô thị vùng Tây Nguyên khi ngoài khí hậu mát mẻ trời cho chỉ thua kém Đà Lạt, nó sở hữu không gian xanh và thanh, với “phố núi đầy sương”, “phố núi trời gần”, “phố núi cây xanh”, mọi con phố đều rợp thông và long não… Ca khúc “Còn một chút gì để nhớ” từ lâu mặc nhiên đã là “thành phố ca” tinh tế, lắng đọng, tăng thêm sức quyến rũ của vùng đất. Có nơi nào hơn, “em Pleiku má đỏ môi hồng/ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”…
“Phố không xa nên phố tình thân” có tiệm cơm Ngọc Hương, cô chủ khuôn mặt bầu bầu, nước da trắng, dáng thư thả, rất kiệm lời, có nhiều món ăn vùng quê Bắc Bộ, trừ món canh cá nấu chua hơi ngọt lợ vị đường và mì chính. Món chủ đạo thịt đông, dưa chua, giò chả, cá kho ngon và lành, gợi nhớ những bữa cơm tiết đông xứ Bắc. Tiệm cơm gà nằm chếch nhà thờ Thăng Thiên, bàn ghế cũ cũ mà sạch sẽ, có tên Dìn Ký hay Mỹ Tâm? Ông chủ người Tàu, dáng gầy, lưng hơi còng, cử chỉ khiêm nhường mà lạnh. Tiệm có từ trước giải phóng, vẫn bền thực khách đến giờ.
Và những quán cà phê.
Chúng tôi ngồi trong quán cà phê gần một ngã tư trung tâm thành phố, nơi hợp lưu những con phố rợp tán cây xanh nghiêng nghiêng theo triền dốc vào một ngày cuối tuần. Giữa không gian xanh và thanh, ly cà phê tỏa hương cùng không khí bạn bè, bất chợt nhìn lên vòm xanh đầu phố… Một chùm hoa đỏ lấp lóa giữa vòm xanh... Mùa hạ qua lâu, tiết thu qua cả tháng và người trên đường đã khoác thêm áo lạnh mà phượng vẫn hồn nhiên khoe sắc. Chỉ có nơi “phố núi trời gần” này mới có những điều khác lạ đến thế! Một tứ thơ chợt đến, mạnh và sáng…
Có một chùm phượng giữa ngày đông
Tán phượng biếc xanh hoa phượng thắm hồng
Đi trên phố dăm ba người áo lạnh
Ngơ ngác nhìn chùm phượng giữa ngày đông
Dòng cây nghiêng phố núi nhựa chuyển dòng
Thu đã đi xa, hạ lui về phía biển
Một mùa ve ran một mùa tiếc luyến
Nắng xoay tròn bên những vạt rừng xa
Gió lạnh về áo chưa kịp mang ra
Phượng lại thắm giữa một trời run rẩy
Đi trên phố vô tình ta thấy
Ngơ ngác mùa rộn rã nhịp ve ngân…
Đó là Phượng Đông, là điều khác biệt, nét quyến rũ, chỉ nơi “phố núi trời gần”.
Tôi cứ mong là “khách lạ”, để nhận ra thêm nhiều điều khác biệt, nơi thành phố này…
UÔNG NGỌC DẬU

Có thể bạn quan tâm