Vén bức màn bí ẩn về đồn điền đầu tiên của người Pháp ở Bắc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với những tài liệu bằng tiếng Pháp vừa được Nguyễn Quang Hiền khai thác từ trang web của Thư viện Đông Dương (Pháp) và bản dịch sang tiếng Việt của chính ông, Đak Joppau-đồn điền đầu tiên của người Pháp ở Bắc Tây Nguyên đã hiện rõ hình hài.
Năm 1898, chỉ 2 ngày sau khi từ Pháp đến Cảng Quy Nhơn, ngày 23-5, ông Camille Paris đã lên An Khê (lúc đó còn thuộc tỉnh Bình Định), tới khu vực mà Công ty Delignon & Paris xin nhượng quyền để lập đồn điền. Tại cao nguyên An Khê, ông ta chọn vùng đất bên con suối Joppau cho mục đích này. Vài ngày sau đó, ông Delignon đến Quy Nhơn và chấp thuận sự lựa chọn của ông Paris. Được sự đồng thuận của 2 ông chủ, năm 1898, đồn điền Đak Joppau ở An Khê ra đời. Vị trí của đồn điền này nằm ở phía Nam quốc lộ 19, nay thuộc địa bàn xã Cư An và Tân An (huyện Đak Pơ). Suối Joppau là con suối cắt ngang quốc lộ 19, nơi hiện có cây cầu Thầu Dầu bắc qua. Trên bản đồ của chính quyền Sài Gòn năm 1972, tại vị trí phía Tây của con suối Tầu Dầu vẫn còn địa điểm ghi là “Hội đồng hành chánh xã Jappau”. Hiện trong vùng vẫn có địa danh Đồng Chè. Chúng tôi cho rằng, các tên gọi: Thầu Dầu, Tầu Dầu, Jappau… sau này chính là từ địa danh gốc Joppau mà ra.
Việc đầu tiên mà ông Paris bắt tay làm cho đồn điền là lập các khu vườn ươm để ươm số hạt giống được cung cấp từ vườn thực vật Buitenzorg ở Java (Indonesia). Gần 3 tháng sau, tại nơi đây, 200.000 cây cà phê và 40.000 cây chè đã bắt đầu nảy mầm. Đến ngày 10-2-1899, hơn nửa năm sau khi thành lập, đồn điền đã có một khu vườn được rào chắn xung quanh với tài sản bên trong gồm: 34 con trâu bò, 21 con ngựa, 2.000 cây cà phê, 12.000 cây chè và khu vườn ươm.
Vườn cây cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh. Ảnh: Đức Thụy
Vườn cây cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh. Ảnh: Đức Thụy
Ngày 20-1-1900, thay mặt Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Annam (Trung Kỳ) là Boulloche đã ban hành Nghị định số 81 công nhận nhượng địa vĩnh viễn của Công ty “Delignon và Cty” thuộc công thổ nước Annam với diện tích 500 ha, nằm giáp giới giữa khu vực cư trú của người Bahnar (ở phía Tây) với tổng Tân Phong.
Đến tháng 12-1923, Công ty nặc danh L.Delignon đã khai thác 3 nhượng địa về nông nghiệp ở tỉnh Bình Định và Kon Tum (từ năm 1917, vùng đất An Khê được tách khỏi tỉnh Bình Định để nhập vào tỉnh Kon Tum) gồm: Đồn điền Đak Joppau: nhượng quyền sử dụng đất vĩnh viễn là 500 ha để trồng cây cao su và cà phê. Hai đồn điền còn lại là Sông Xanh và Dong-Xim (Đồng Sim) nay thuộc tỉnh Bình Định. Trong số 3 đồn điền này thì đồn điền Đak Joppau và Sông Xanh được xác định là thích hợp với cây cao su. Tại thời điểm đó, 2 đồn điền trên có diện tích cao su là 200 ha với 45.110 cây. Năm 1920, có 4.908 cây cao su đã được cạo mủ ở cả 2 đồn điền Đak Joppau và Sông Xanh, đạt sản lượng 5.515 kg (tấm cao su xông khói). Năm 1921, số cây được cạo mủ là 6.662.
Ngoài việc trồng cao su, tại đồn điền Đak Joppau còn chăn nuôi gia súc. Đến ngày 31-12-1920, các đồn điền của Công ty nặc danh L.Delignon có 528 con bò, 422 con cừu với những đồng cỏ và hệ thống chuồng trại được xây bằng gạch. Công ty dự kiến không mở rộng thêm mảng nông nghiệp, bởi sau những vụ bị người dân tộc thiểu số tại chỗ tàn phá năm 1918, đồn điền Đak Joppau chỉ còn không quá 40.000 cây cao su, trong đó có 20.000 cây đã được cạo mủ. Lúc này, các ông chủ của L.Delignon tại Annam xác định, xu hướng ngành nghề chính của Công ty là kỹ nghệ tơ lụa.
Đầu năm 1930, về nông nghiệp, “Delignon và Cty” vẫn khai thác cả 3 nhượng địa nhượng quyền vĩnh viễn là: Đak Joppau trồng cà phê và cao su cùng với Sông Xanh ở Bình Định và Dong-Xim ở Bình Định. Công ty dự kiến mở rộng đồn điền Sông Xanh, nơi mà họ có những điều kiện phát triển đặc biệt thuận lợi, với đàn trâu bò hơn 1.000 con.
Vun cà phê. Ảnh: Lê Văn Vinh
Vun cà phê. Ảnh: Lê Văn Vinh
Về nhân công, thời gian đầu (1898-1899), đồn điền Đak Joppau tuyển khoảng 70 cu li để phát rừng, khai hoang, làm vườn ươm, làm đường đi nội bộ vườn cây, làm hàng rào… với mức lương 0,1 đồng Đông Dương/ngày. Một khu vườn khoảng 4.000 cây cà phê hoặc 10.000 cây chè sẽ do một đốc công trông coi công việc. Những ông cai này được chọn từ số lính bảo an hoặc dân quân cũ với mức lương 0,2 đồng. Thợ mộc và thợ làm nhà được đưa từ đồng bằng lên. Công việc của họ là dựng nhà, làm kho, làm cửa hàng, chuồng trại và đóng bàn ghế, tủ, giường, đồ nội thất… với mức lương 0,25 đồng.
Việc tìm kiếm nhân công cho đồn điền trong những năm đầu gặp nhiều khó khăn bởi các xã trưởng, chánh tổng tại chỗ không muốn để cho các đồn điền tuyển dụng người của mình làm việc theo thời vụ. Vì mỗi làng là một tập thể phải nộp thuế, phải làm những công việc công ích, hoặc bị trưng dụng làm phu lục lộ… Nếu để thành viên của cộng đồng đi làm cho đồn điền thì các xã, tổng sẽ bị giảm nhân lực. Còn muốn tuyển lao động từ đồng bằng lên cũng không dễ, vì người đồng bằng rất sợ lên vùng cao-nơi “rừng thiêng nước độc”, rồi sẽ bị chết bởi bệnh sốt rét. Trên thực tế, chỉ trong 6 tháng, đồn điền Đak Joppau đã có tới 17 người phải đi bệnh viện vì bệnh sốt rét và tỷ lệ tử vong vì sốt rét rất cao (cứ 9 người bị sốt rét thì có 3 người chết). Đến năm 1923, cả 2 đồn điền Đak Joppau và Sông Xanh của Công ty L.Delignon có 250 phu thợ Annam. Lương 1 ngày cho cu li là 0,16-0,2 đồng Đông Dương; thợ cạo mủ nhận 6 đồng Đông Dương/tháng. Tại đồn điền Đak Joppau giai đoạn này có 1 nhân viên người Pháp.
Trong lịch sử thuộc địa của Pháp, bất kể thuộc địa khai thác hay thuộc địa di dân, việc chiếm đất luôn là mục tiêu hàng đầu. Những nhà thực dân nông nghiệp luôn theo sau chân người lính. Tây Nguyên nói chung, Bắc Tây Nguyên nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Sau đồn điền đầu tiên này, còn hàng loạt đồn điền mọc lên trên vùng đất Bắc Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng mang lại lợi nhuận kếch xù cho những nhà tư sản thực dân.
Tiến sĩ NGUYỄN THỊ KIM VÂN

Có thể bạn quan tâm