Chế biến sâu: Lối mở để xuất khẩu nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc chế biến thô khiến nông sản Gia Lai thua thiệt đủ đường. Vì vậy, đẩy mạnh chế biến sâu được xem là giải pháp quan trọng giúp nông sản Gia Lai khẳng định giá trị, mở lối để xuất khẩu.

Tăng số lượng cơ sở chế biến nông sản

Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 22.520 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 15.000 tỷ đồng. Năm 2021, dự ước tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 24.800 tỷ đồng, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp khoảng 16.600 tỷ đồng. Điều này cho thấy Gia Lai đang ngày càng đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản, tập trung vào nhóm ngành chủ lực như: cà phê, cao su, trái cây… chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu. Đa số các loại nông sản chủ lực của tỉnh đều có diện tích canh tác lớn với hơn 97.000 ha cà phê, sản lượng hơn 250.000 tấn/năm; 13.000 ha hồ tiêu, sản lượng hơn 47.000 tấn/năm; gần 80.000 ha cao su với sản lượng mủ khô hơn 117.000 tấn/năm; 78.000 ha mì, sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn/năm và khoảng 18.000 ha trái cây các loại... Một số sản phẩm nông nghiệp như mía, hạt điều, cao su, mì, chè đã hình thành liên kết sản xuất, có tỷ lệ chế biến cao, được đầu tư trang-thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.

Chế biến nông sản tại DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Chế biến nông sản tại DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy



Thời gian qua, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tham gia xuất khẩu 50-70 ngàn tấn cà phê các loại với khoảng 90% là cà phê nhân xô, 10% cà phê rang xay và hòa tan, giá trị kim ngạch đạt khoảng 150 triệu USD. Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: “Công ty đã xuất khẩu sản phẩm qua hơn 40 quốc gia, trong đó, thị trường chính vẫn là châu Âu với kim ngạch chiếm khoảng 60%. Vĩnh Hiệp cũng là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vinh dự xuất lô sản phẩm đầu tiên đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA với gần 300 tấn sang thị trường Đức và Bỉ. Hiện vùng nguyên liệu 25.000 ha cà phê được Công ty triển khai chăm sóc, thu hoạch, chế biến đều đạt các chứng chỉ quốc tế”. Còn ông Đinh Gia Nghĩa-Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai thì thông tin: “Sản phẩm của Công ty đã có mặt trên 60 quốc gia, trong đó có các thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi năm của nhà máy đạt khoảng 50 triệu USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Giao. Đây cũng là đơn vị xuất khẩu lô hàng chanh dây đầu tiên của Việt Nam sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 400 cơ sở sản xuất, chế biến nông-lâm sản, trong đó có 82 cơ sở sản xuất, chế biến cà phê với tổng công suất 11.800 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến đường tinh chế với công suất 24.000 tấn mía cây/ngày; 5 nhà máy chế biến hạt điều nguyên liệu với công suất 15.600 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến chè có công suất 52 tấn chè tươi/ngày; 15 cơ sở sản xuất, chế biến mủ cao su với tổng công suất 88.000 tấn/năm; 3 nhà máy sản xuất, chế biến tiêu với tổng công suất 6.500 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến sản phẩm trái cây với công suất 52.341 tấn sản phẩm/năm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có gần 270 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản; 1 nhà máy chế biến nước uống từ dược liệu của Công ty TNHH khoa học quốc tế Trường Sinh, công suất 6 triệu lít/năm và 1 nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Cao Nguyên với công suất 25 triệu lít/năm.

 

Sản xuất hồ tiêu sạch để xuất khẩu. Ảnh: Kim Linh
Sản xuất hồ tiêu sạch để xuất khẩu. Ảnh: Kim Linh

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Xác định mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông-lâm sản, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, kế hoạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở cho việc phát triển nông nghiệp theo chuỗi hiện đại, giá trị gia tăng, bền vững, có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông và nhà sản xuất, chế biến. Cùng với đó, Sở cũng tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư công nghiệp chế biến, phát triển vùng nguyên liệu tiến hành khảo sát, đầu tư trên địa bàn tỉnh”.

Cùng với đó, Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố trong việc lập mới, mở rộng, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu-cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chủ động đề xuất các vị trí phù hợp để quy hoạch các khu-cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất “sạch” đón các nhà đầu tư.

Phát triển sản phẩm mới

Ngoài các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực thì Gia Lai đang sở hữu nhiều sản phẩm khác có chất lượng và ngày càng khẳng định tên tuổi trên thị trường như: gạo, mì, trái cây các loại. Năm 2018, gạo Ba Chăm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; năm 2019 được công nhận là sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao và được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận Thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam. Đến cuối năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho sản phẩm gạo Ba Chăm. Tương tự, năm 2019, gạo Phú Thiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu gạo Phú Thiện.

Nhà máy chế biến nước uống từ dược liệu của Công ty TNHH khoa học quốc tế Trường Sinh có công suất 6 triệu lít/năm. Ảnh: Kim Linh
Nhà máy chế biến nước uống từ dược liệu của Công ty TNHH khoa học quốc tế Trường Sinh có công suất 6 triệu lít/năm. Ảnh: Kim Linh


Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho biết: Sở sẽ đồng hành cùng UBND huyện Mang Yang để quản lý, sử dụng và phát triển hiệu quả, bền vững chỉ dẫn địa lý Mang Yang cho sản phẩm gạo Ba Chăm. Đây chính là bước đệm để gạo Ba Chăm khẳng định vị thế trên thị trường trong nước, từng bước hướng tới xuất khẩu.

Đối với cây mì, trên địa bàn tỉnh có 5 nhà máy chế biến tinh bột đi vào hoạt động với tổng công suất 1.000 tấn thành phẩm/ngày. Tỷ lệ chế biến từ nguồn mì nguyên liệu trên địa bàn tỉnh đạt 49,8% (khoảng 205.000 tấn/năm). Số còn lại được thái lát, phơi khô để xuất khẩu, chế biến thức ăn gia súc và một số sản phẩm khác. Sở Công thương đang định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu, đổi mới trang-thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất, năng lực chế biến, đẩy mạnh chế biến tinh, chế biến sâu đối với sản phẩm này.

Bên cạnh đó, Gia Lai cũng là địa phương có diện tích cây ăn quả tăng rất mạnh trong thời gian gần đây. Ông Nguyễn An-Tổng Giám đốc Công ty TNHH 30-4 cho hay: “Năm 2022, Công ty sẽ xây dựng một nhà máy chế biến các loại hoa quả sấy khô. Sản phẩm vừa cung cấp cho thị trường trong nước, vừa xuất khẩu. Công ty đang trồng 120 ha sầu riêng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Khi nhà máy được triển khai xây dựng, chúng tôi sẽ thu mua nguyên liệu từ người dân để đáp ứng đủ yêu cầu xuất khẩu”.  

Ông Phạm Văn Binh thông tin thêm: Để tăng giá trị và giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản, hình thành các vùng nông sản mới như trái cây, rau củ quả, mì, gạo… Ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, hình thành các doanh nghiệp “đầu tàu” làm hạt nhân, thúc đẩy công nghệ chế biến của chuỗi liên kết, gia tăng sản phẩm nông sản.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: “Trong giai đoạn 2021-2025, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế như: hàng nông sản, nông sản chế biến, hàng lâm sản... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển. Cùng với đó, phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, mở rộng quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu; củng cố, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu”.

 KIM LINH

Có thể bạn quan tâm