Tết Nhâm Dần năm 2022: Tết của niềm tin, đoàn kết và nhân ái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để mỗi gia đình đều được no đủ, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ tổng số hơn 18.687 tấn gạo cứu đói cho hơn 1,2 triệu nhân khẩu của 18 tỉnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022.

Ban Bí thư đánh giá công tác tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Ban Bí thư đánh giá công tác tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Tết Nhâm Dần năm 2022, cả nước đón Tết trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều phong tục tập quán từ bao đời nay cũng phải thay đổi để thích ứng hơn với hoàn cảnh hiện tại. Nhưng cả nước đã cơ bản đạt được các mục tiêu tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 một cách an ninh, an toàn, an dân, không để ai, gia đình nào không có Tết. Điều đó thể hiện tính ưu việt của chế độ và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước.

Tại cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá về việc tổ chức Tết Nhâm Dần, ngày 8/2/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nhân dân cả nước đón Tết vui tươi, lành mạnh, không khí đoàn kết, tương thân tương ái, tuyệt đối an toàn, đồng tình và càng tin tưởng vào Đảng.

Nhìn lại việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cấp, các ngành đã tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 8/12/2021 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tích cực triển khai các mặt công tác để nhân dân đón Tết vui Xuân an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân thiết thực, ý nghĩa được tổ chức trên các vùng miền; nhiều địa phương tạm dừng tổ chức lễ hội, hạn chế tập trung đông người, không bắn pháo hoa nổ, bảo đảm an ninh, an toàn trong những ngày Tết.

Năm nay, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành được phân công, đã đi thăm, chúc Tết ở 63 tỉnh, thành phố, động viên các tầng lớp nhân dân, tạo sự lan tỏa, ấm áp trong toàn xã hội.

Trong dịp Tết Nguyên đán, cả nước đã chi 8.324 tỷ đồng chăm lo đời sống cho 57,81 triệu lượt người có công, diện chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, bác sỹ, nhân viên y tế, người lao động làm nhiệm vụ trực trong dịp Tết, công nhân lao động, người có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19...

Đại diện các hộ gia đình khó khăn và công nhân lao động được nhận quà, anh Phạm Văn Khanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phố Mới (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã bày tỏ lòng tri ân và sự cảm ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn.

Trong thời gian dịch bệnh khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn đã quan tâm đến đời sống, việc làm của người lao động; hỗ trợ những gói an sinh, những phần quà bằng vật chất và tinh thần đầy ý nghĩa giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn để tiếp tục công việc và những ước mơ phía trước.

Tết này, được nhận căn nhà mới dành cho hộ nghèo, ông Lò Văn Khím, gần 60 tuổi ở bản Tân Hợp, xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) phấn khởi cho biết: Trước đây chưa có nhà mới, hai vợ chồng ông phải ở trong nhà tạm, mùa đông thì lạnh, mùa mưa thì nước vào nhà. Bây giờ được Hội Phụ nữ xã làm cho ngôi nhà mới, gia đình ông rất xúc động và biết ơn.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình hoạt động thiết thực, ý nghĩa được các địa phương tiếp tục duy trì như chương trình Tấm vé nghĩa tình với việc phát miễn phí vé xe, vé tàu, vé máy bay đưa người lao động về quê đón Tết. Chương trình Tết sum vầy tổ chức vui Tết, họp mặt cho hơn 1 triệu đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết.

Tham gia Chương trình “Tết Sum vầy năm 2021 - Kết nối yêu thương”, chị Phan Thị Lan, công nhân Khu Công nghiệp Đồng Xoài, Bình Phước, bày tỏ: "Cảm ơn Ban lãnh đạo Công đoàn các cấp đã dành tặng tôi những món quà ý nghĩa, không chỉ góp phần giúp tôi vượt qua khó khăn nhân dịp Tết đến Xuân về mà còn mang giá trị tinh thần động viên tôi vươn lên trong cuộc sống".

Để mỗi gia đình đều được no đủ, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ tổng số hơn 18.687 tấn gạo cứu đói cho hơn 1,2 triệu nhân khẩu của 18 tỉnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022.

Trong dịp Tết, tình hình thị trường cả nước ổn định; không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đảm bảo cung ứng điện, nhiên liệu đầy đủ.

Tình hình giao thông trên toàn quốc, đặc biệt tại địa bàn Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được bảo đảm, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không có diễn biến bất thường, không xảy ra các vụ việc phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng.

Các khu, điểm du lịch đều chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch. Hầu hết các địa phương, các trường đại học, cao đẳng đã có kế hoạch đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học bắt đầu từ các ngày 7-14/2.


 

Không gian Hội Xuân Huế 2022 thu hút nhiều người đến tham quan và chụp hình lưu niệm. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Không gian Hội Xuân Huế 2022 thu hút nhiều người đến tham quan và chụp hình lưu niệm. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)


Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các địa phương đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là quan trọng nhất; yêu cầu các cơ quan, địa phương không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến của đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vui Xuân đón Tết.

Các cấp, các ngành đã phối hợp về việc đưa đón người dân về quê ăn Tết trật tự, bình an; việc công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại một số nước được hỗ trợ, tạo điều kiện về nước dịp Tết Nguyên đán.

Tình trạng hàng hóa tồn đọng tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc được tháo gỡ. Tình hình thị trường cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo trên phạm vi cả nước. Các lực lượng, đơn vị tổ chức ứng trực nghiêm túc, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ...

Năm nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Để lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhiều đơn vị, tổ chức đã linh hoạt triển khai hình thức mới như tổ chức trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến, vừa đảm bảo quy định phòng dịch vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân. Hơn nữa, qua hình thức trực tuyến, không chỉ người dân trong nước và khách quốc tế cũng có thể trải nghiệm và hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.

Tiếp nối truyền thống "mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân", nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ,” hưởng ứng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh, vì một Việt Nam xanh.

Với tinh thần đoàn kết, các cấp, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp quan tâm chăm lo, chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nhâm Dần với không khí phấn khởi, vui tươi, quyết tâm hoàn thành  thắng lợi nhiệm vụ năm 2022. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chỉ là một việc tổ chức Tết nhưng có thể rút ra được những kinh nghiệm rất quý."

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay ngay vào công việc để thúc đẩy mạnh mẽ và từng bước nhanh chóng mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế-xã hội, tạo khí thế phấn khởi ngay từ đầu năm để phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của năm 2022.

Theo Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm