Binh đoàn 15: Hành trình 37 năm trên miền biên viễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trải qua 37 năm xây dựng và trưởng thành, Binh đoàn 15-đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên tuyến biên giới. Bên cạnh đó, Binh đoàn đã có nhiều việc làm ý nghĩa giúp địa phương xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ các hộ gia đình thoát nghèo bền vững.

Binh đoàn 15 khánh thành và bàn giao công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Ia Grai. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Binh đoàn 15 khánh thành và bàn giao công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Ia Grai. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Ngày 20-2-1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 68/CT thành lập Binh đoàn 15 trên cơ sở chia tách các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường miền Trung và Tây Nguyên. Nhiệm vụ chính trị của đơn vị là phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh, ổn định dân cư, xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Tây Nam tỉnh Quảng Bình và làm nhiệm vụ kinh tế, giúp đỡ một số địa phương ở 2 nước bạn Lào, Campuchia. Trải qua hành trình 37 năm khó khăn, vất vả nhưng cũng rất tự hào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và người lao động trong đơn vị đã viết nên những bản hùng ca tươi đẹp trên miền biên viễn.

 

Tư lệnh Binh đoàn 15 Hoàng Văn Sỹ tặng gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn mùa giáp hạt (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Vĩnh Hoàng
Tư lệnh Binh đoàn 15 Hoàng Văn Sỹ tặng gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn mùa giáp hạt (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nếu như năm 1990, Binh đoàn mới chỉ có gần 5.000 lao động với 3 cụm và 21 điểm dân cư cùng 1.718 hộ thì đến nay có trên 17.000 lao động, trong đó có gần 8.000 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ, xây dựng và ổn định 266 cụm, điểm dân cư trên biên giới. Binh đoàn đã có 30 đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc; đầu tư, chăm sóc và khai thác gần 44.000 ha cao su, 300 ha cà phê, 74 ha lúa nước và hơn 40 ha đồng cỏ chăn nuôi. Bên cạnh đó, Binh đoàn đã ký kết và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp các đơn vị vũ trang trên địa bàn đứng chân và 5 huyện, thành phố của 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Các công ty, đơn vị đã kết nghĩa với 271 thôn, làng trong nước và 6 bản thuộc tỉnh Attapeu (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) và 4 xã thuộc tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Cùng với đó, Binh đoàn tổ chức cho các hộ công nhân người Kinh gắn kết với gần 4.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, Binh đoàn chú trọng phối hợp với chính quyền cấp tỉnh, huyện; Công an, Bộ đội Biên phòng, lực lượng vũ trang Quân khu 5... rà soát, xây dựng kế hoạch tác chiến, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, các phương án cứu hộ, cứu nạn, phòng-chống thiên tai, bảo vệ người dân trong vùng dự án, bảo vệ cơ sở sản xuất của đơn vị, tổ chức luyện tập sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Chất lượng công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ngày càng được nâng lên. Lực lượng tự vệ trong các cơ quan, đơn vị được xây dựng vững mạnh không chỉ góp phần bảo vệ địa bàn, tài sản của người dân, cơ sở sản xuất mà còn phối hợp với các lực lượng khác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới.

 

 Mô hình “Gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và người đồng bào dân tộc thiểu số được nhân rộng toàn Binh đoàn và đem lại hiệu quả cao trong công tác dân vận tại địa phương. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Mô hình “Gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số được nhân rộng toàn Binh đoàn và đem lại hiệu quả cao trong công tác dân vận tại địa phương. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Song song với nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh và củng cố quốc phòng-an ninh trên tuyến biên giới, Binh đoàn còn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, làm tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đơn vị đã đầu tư làm mới 418 km đường điện trung thế, hạ thế, 95 trạm biến áp, trạm thủy điện; làm mới 1.500 km và sửa chữa hàng ngàn ki lô mét đường giao thông, hàng trăm cầu, cống, hàng chục hồ, đập thủy lợi, hàng chục hệ thống nước sạch. Ngoài ra, đơn vị đã đầu tư xây dựng 8 trường tiểu học, THCS, 10 trường mầm non, 1 trường tiểu học bán trú, 1 trường THCS bán trú, 1 bệnh viện hạng II và 11 bệnh xá quân-dân y kết hợp. Việc làm này đã góp phần cùng địa phương làm tốt công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Các đơn vị trong Binh đoàn cũng đã chi hàng trăm tỷ đồng xây tặng nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà ở cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong đại dịch Covid-19 vừa qua, bằng sự nỗ lực của mình, Binh đoàn đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn đứng chân. Nhìn lại chặng đường 37 năm qua, bằng bàn tay, khối óc, công sức của tập thể cán bộ, chiến sĩ và người lao động, Binh đoàn 15 đã biến một vùng đất nghèo trên vành đai biên giới Tây Nguyên trở thành một vùng phát triển năng động. Qua đó, Binh đoàn đã tạo ra những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh; xây dựng niềm tin yêu, gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân”; xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng; tiếp tục làm sáng ngời hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

 Đại tá HOÀNG VĂN SỸ
Tư lệnh Binh đoàn

Có thể bạn quan tâm