Văn hóa rượu cần Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ai có duyên đến với đại ngàn Tây Nguyên chợt thấm thía men say qua ghè rượu cần của đồng bào dân tộc thiểu số. Văn hóa rượu giản dị với chất men độc đáo, chẳng giống với loại men ủ nào trên đất nước Việt Nam và thế giới. 
Lưng tựa núi… mắt nhìn ra biển
Rượu ra đời cách đây những 6-7 ngàn năm. Ở mỗi vùng miền, rượu mang những đặc trưng riêng, lưu dấu ấn tâm thức con người và thiên nhiên nơi ấy. Trong tọa độ không-thời gian, văn hóa rượu dần hình thành. Với người phương Tây, rượu là mặt trời soi sáng tình bạn, mặt trăng soi sáng tình yêu. Tiêu chí phân loại là chủng loại rượu với những danh xưng nổi tiếng: Whisky, Cognac, Vodka, Chivas, Bordeaux, Champagne…
Bên ché rượu cần. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Bên ché rượu cần. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Với người phương Đông, rượu là bạn của anh hùng, hảo hớn, bằng hữu, người tình của nghệ sĩ… Tiêu chí phân loại theo vùng miền, dân tộc. Trung Quốc với rượu Mao Đài, Hoàng tửu… Xứ sở hoa anh đào với rượu Sake. Việt Nam-lưng tựa núi, mắt nhìn ra biển… với rượu bắp, rượu gạo, rượu thuốc, rượu hoa quả… như là bầu bạn, tri kỷ, điểm tựa giúp con người hưng phấn, thăng hoa, sáng tạo. “Còn non còn nước còn người/Còn cô bán rượu anh còn say sưa”.
Tay vít cần… nối đất vào trời
Từ vùng trung du kéo dài lên rừng núi Tây Nguyên bạt ngàn nổi tiếng với loại rượu mà trên thế giới không đâu có. Ấy là rượu cần được làm từ các loại lá rừng và một loại men đặc biệt, rồi ủ. Ai có duyên đến với đại ngàn Tây Nguyên chợt thấm thía men say qua ghè rượu cần của đồng bào dân tộc thiểu số. Văn hóa rượu giản dị với chất men độc đáo, chẳng giống với loại men ủ nào trên đất nước Việt Nam và thế giới.
Chẳng cao sang, cầu kỳ, chất liệu làm nên rượu cần Tây Nguyên là sản vật của đất và nước, núi và rừng Tây Nguyên như gạo nếp, bắp, mì, khoai… hòa quyện với chất men được cất lên từ tinh túy của một số lá cây, rễ cây rừng quý. Ấy là nhờ Yàng (trời) tối cao, tối linh ban tặng và ngàn đời trở thành thuần phong mỹ tục trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Chủ nhà đưa tay phải nắm lấy cần, tay trái đặt lên miệng ghè, lâm râm khấn hát… “Mách ỏ rạ mach tổ ỏ rạ, ghệt am ỏ rạ...” (Anh em vui vẻ ăn nhậu, xin anh em thương yêu nhau…). Đẹp giản dị văn hóa đùm bọc thân thương.
Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Văn hóa rượu chủ yếu ở tâm thức uống. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Văn hóa uống rượu cần Tây Nguyên dường như có một không hai, mang đậm đà phong cách bản sắc dân tộc Việt bao đời. Ghè rượu đặt chính giữa, bên cạnh là hũ nước suối ban mai trong suốt. Khách miền xuôi lên thăm thật quý hóa chân tình. “Trường Sơn cao ngất rừng xanh/Quây quần hũ rượu Thượng Kinh chung cần”. Cần rượu Tây Nguyên là loại dây-cây triêng, cuống dài cả mét, chặt về phơi khô, rút bỏ lõi, cắm vào ghè rượu. Học hỏi, thành tâm, tự nhiên… biết vin cần đưa lên miệng, thưởng thức rượu nhờ cái ống hút của sợi dây cần. Hũ rượu vơi, nước suối ban mai được đổ tiếp cho đầy. Tiếng cồng, tiếng chiêng dài như sông như suối trầm hùng âm vang lời ca, điệu múa rộn ràng… Bên ghè rượu, trai gái hát cho nhau nghe những bài hát chan chứa ân tình. “Ta vịn cần uống núi rừng thiêng/Em múc trăng vàng về tan đáy rượu/Giọt mắt hòa vào men chếnh choáng/Tôi chìm trong hương tóc trăng em” (Giang Nam).
Văn hóa núi rừng Tây Nguyên theo nét nghĩa sâu nhất, người đàn ông là quên, người đàn bà là nhớ… bền giữ giống nòi, chế ra thứ quên kỳ diệu nhất của Tây Nguyên: rượu cần. Bàn tay các cô gái rừng núi sông suối làm nên một thứ men… bí mật. Củ riềng là tác nhân của sự say… quên trời đất. Với vẻ đẹp nồng say của các nàng-nửa người nửa thần linh… mê hoặc con người, dẫn dắt ta vào một thế giới khác thực tại nhàm chán đơn điệu hàng ngày.
Hương vị nồng nàn ngây ngất xuân thì
Tây Nguyên xanh hiếu khách, đón tiếp ân cần nồng hậu, cồng chiêng tình thân ái… Hỏi xuân đang chờ ai… Vít tay cong cần rượu, hút hương rừng qua môi. Ngẩng lên ôm bóng trời. Ánh sáng cháy chập chờn. Thắp lửa tình cồng chiêng. Đời người mấy Tết Xuân. Huyền thoại xanh tình yêu…
Đồng bào Tây Nguyên chung vui rượu cần ngày hội. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Đồng bào Tây Nguyên chung vui rượu cần ngày hội. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Vui hay buồn, thanh thản hay đau khổ, đông đảo hay bơ vơ… bóng mình trong men say… “Tăm tăm tình bạn/Chếnh choáng tình đời/Líu lưỡi tình người/Nao nao thân phận” (Phùng Quán).
Văn hóa rượu chủ yếu ở tâm thức uống. “Cũng liều uống rượu cùng em/Bởi chưng người đẹp lại thêm rượu cần/Cái ghè rượu hóa chứng nhân/Chúng mình mỗi đứa một cần vít cong” (Nguyễn Trọng Tạo). Em hóa rượu… anh say…
Thời gian gõ cửa, không gian mở lòng, giọt sương đong đưa, cỏ hoa nhú mầm… Giao thừa… đất-trời-người hòa nhập. Tình xuân chợt đến, khoảnh khắc xôn xao, mình đam mê-tỉnh thức…
LÊ TỪ HIỂN

Có thể bạn quan tâm