Cơ hội lớn từ "xuất khẩu văn hóa"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là những di sản đã được UNESCO công nhận, di tích cấp quốc gia đặc biệt; tăng cường hội nhập, giao lưu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài… là những mục tiêu quan trọng trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” vừa được Chính phủ phê duyệt và được triển khai tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021. Xung quanh khái niệm “xuất khẩu văn hóa” cùng những hoạt động thực tế tại tỉnh ta, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-người có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Tây Nguyên đã dành cho Báo Gia Lai điện tử một cuộc trò chuyện đầu năm.
* P.V: Thưa Tiến sĩ, Gia Lai có những tiềm năng “xuất khẩu văn hóa” nào đặc biệt?
- Tiến sĩ NGUYỄN THỊ KIM VÂN: Gia Lai có tiềm năng để “xuất khẩu văn hóa”. Trong khu vực Tây Nguyên, về dân số, người Jrai đứng đầu các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo-Polynesia, còn người Bahnar cũng đứng đầu nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Gia Lai cũng là trung tâm tụ cư của 2 dân tộc này. Bao giờ cũng vậy, văn hóa vùng trung tâm của một tộc người luôn có những nét độc đáo nhất, phát triển rực rỡ, lưu truyền từ đời này sang đời khác, không bị đứt gãy. Đó chính là những yếu tố làm cho văn hóa của dân tộc Bahnar, Jrai tại Gia Lai trở nên độc đáo, được các nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm. Các viện nghiên cứu, các trung tâm chuyên “xuất khẩu văn hóa” trong nước muốn đưa đoàn nghệ nhân của Gia Lai ra nước ngoài giao lưu, trình diễn là vì thế. 
* P.V: Nhưng bà cũng từng nêu quan điểm có thể “xuất khẩu văn hóa” tại chỗ?
- Tiến sĩ NGUYỄN THỊ KIM VÂN: Đúng vậy. Ở đây, xuất khẩu không chỉ nói đến chuyện ra nước ngoài mà có thể xuất khẩu ngay tại Việt Nam trong những cơ hội có nhiều khách quốc tế tham dự. Ví dụ, Gia Lai đã tổ chức rất thành công Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 với sự tham gia của hơn 60 đoàn nghệ nhân trong nước và 5 nước trên thế giới. Sự kiện này đã để lại ấn tượng sâu sắc cho những người quan tâm đến văn hóa Tây Nguyên nói chung, Không gian văn hóa Tây Nguyên nói riêng. Đây là dịp văn hóa các dân tộc Gia Lai, Tây Nguyên, cộng đồng các cư dân có sử dụng cồng chiêng được lan tỏa rộng rãi nhất ra thế giới. Bên cạnh đó, Gia Lai còn tích cực tham dự những lễ hội trong nước có màu sắc quốc tế. Hoặc việc tỉnh đưa đoàn nghệ nhân Jrai, Bahnar ra sinh sống tại quần thể Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Khu du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) với không gian tái hiện đầy đủ khung cảnh một ngôi làng truyền thống cũng là cách “xuất khẩu” hiệu quả.
Gần đây nhất là việc Hội đồng Anh xét duyệt, thông qua và ký hợp đồng tài trợ 4 dự án văn hóa trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018, tổ chức này đã triển khai dự án “Di sản kết nối” ở làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) để hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản. Khi thông tin, hình ảnh về các dự án được đưa lên website của một tổ chức quốc tế thì cũng có thể xem đó là một cách “xuất khẩu văn hóa” nhờ vào các kênh thông tin. Cộng đồng các dân tộc tại Gia Lai rất háo hức với những hoạt động này. Hội đồng Anh đã thành công khi đầu tư ban đầu để người dân yêu văn hóa của mình hơn và tự hào, chia sẻ với các cộng đồng trên thế giới.
Đội cồng chiêng làng Kon Băh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) trong một buổi tập luyện. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Đội cồng chiêng làng Kon Băh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) trong một buổi tập luyện. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
* P.V: Theo bà, các hoạt động trên tạo chuyển biến tích cực ra sao đối với việc gìn giữ và quảng bá văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa?
- Tiến sĩ NGUYỄN THỊ KIM VÂN: Lấy ví dụ, khi đánh đàn, nếu biết có ai đó lắng nghe thì mình sẽ trau chuốt hơn. Đối với cộng đồng các dân tộc cũng thế, khi họ thấy việc mình làm được nhiều người biết đến, ủng hộ, theo dõi thì chắc chắn sẽ có thêm động lực thực hiện, nhất là lớp trẻ. Họ sẽ quan tâm hơn đến việc trau dồi khả năng, vốn kiến thức văn hóa, vốn di sản mà họ có. Như vậy, ta vừa làm được việc quảng bá di sản, vừa giữ gìn, bảo tồn và phát huy. 
Trước khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chúng ta rất khó nhờ một thanh niên đóng khố đánh cồng chiêng, bởi theo xu thế, họ cho đó là lạc hậu, không hay bằng sử dụng các nhạc cụ hiện đại. Nhưng sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh, các hình ảnh được đưa lên mặt báo, các bài viết về di sản được quảng bá trong, ngoài tỉnh và quốc tế thì nó tác động lại chính cộng đồng; mục tiêu giữ gìn, bảo tồn từ đó cũng rõ ràng hơn. Đó cũng là câu trả lời của tôi trước câu hỏi của một vị giáo sư người Úc: “Tại sao nói Không gian văn hóa cồng chiêng đang trong thời kỳ hồi sinh mạnh mẽ?”. Trước đó, nhiều người không coi cồng chiêng là tài sản quý mà đem cân ký bán với giá đồng nát. Sau này, người ta đã biết quý từ cái vật chất là cồng chiêng cho đến cái phi vật thể là bài chiêng, hoặc các di sản văn hóa khác như sử thi.
* P.V: Một khi câu chuyện này được quan tâm thì sẽ kéo theo cơ hội phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch ra sao, thưa bà?
- Tiến sĩ NGUYỄN THỊ KIM VÂN: Khi một di sản trở nên độc đáo, không thể thay thế thì nó sẽ phát triển mạnh mẽ trong chính cộng đồng dân cư đó và lan tỏa, từ đó đem lại nguồn thu không nhỏ. Ví dụ, muốn đến tìm hiểu di sản văn hóa Gia Lai thì du khách sẽ sử dụng dịch vụ lưu trú, tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm du lịch của Gia Lai… Khi văn hóa tác động đến kinh tế thì nó sẽ làm cho đời sống nghệ nhân và cộng đồng bản địa được nâng lên về cả vật chất lẫn tinh thần.
Theo tôi, phải coi di sản là tài nguyên thật sự để nuôi sống cộng đồng là chủ nhân di sản đó. Đây là linh hồn, là đòn bẩy phát triển du lịch, kêu gọi du khách đến với chính quê hương của di sản để tìm hiểu, thưởng thức, trải nghiệm. Nếu không nuôi dưỡng để di sản trở thành tài nguyên thì khó mà kêu gọi phát triển du lịch.   
* P.V: Bà có những đề xuất gì để vấn đề “xuất khẩu văn hóa” được quan tâm và đẩy mạnh hơn trong thời gian tới?
- Tiến sĩ NGUYỄN THỊ KIM VÂN: Cái chúng ta cần cởi mở hơn là tiếp tục quan tâm đưa các đoàn nghệ nhân của tỉnh ra nước ngoài trình diễn. Bên cạnh đó, tạo cơ hội để các nhà nghiên cứu quốc tế quan tâm đến văn hóa các dân tộc bản địa Gia Lai được tiếp cận, nghiên cứu, từ đó mang các giá trị đặc sắc phổ biến ra nước ngoài. Đây chính là xuất khẩu 2 chiều. Mong rằng trong thời gian tới câu chuyện “xuất khẩu văn hóa” được quan tâm nhiều hơn, giúp những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh ngày càng được nhiều người biết đến.
* P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
LAM NGUYÊN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm