Chư Krêy: Những du kích anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, dấu vết bom đạn đã chìm sâu dưới rẫy nương tươi tốt của người dân xã Chư Krêy (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai). Vậy nhưng, những chiến công lừng lẫy của Đội du kích xã A3 anh hùng thì còn lưu mãi.

Anh hùng trong chiến đấu

Chiếc xe máy chở tôi lướt nhanh trên con đường nhựa rộng thênh thang dẫn từ ngã ba xã An Trung vào Chư Krêy. Chủ tịch UBND xã Khương Đình Huy đợi sẵn ở đầu làng Sơ Rơn để dẫn tôi đến gặp các cụ cao niên từng tham gia Đội du kích xã A3 chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ xâm lược. Vừa đi, ông Huy vừa trò chuyện: “Trong kháng chiến chống Mỹ, Chư Krêy là một phần xã A3 của khu 7-căn cứ địa cách mạng của tỉnh. Vì thế, xã có 105 người tham gia kháng chiến, 66 gia đình có công, 39 liệt sĩ. Chiếm số đông là thành viên của Đội du kích xã A3. Hiện 42 thành viên của Đội du kích còn sống, đều ở tuổi xưa nay hiếm. Trước tiên, tôi đưa anh đến gặp thành viên còn minh mẫn nhất là già Đinh Hnhơch-nguyên Bí thư Đảng ủy xã”.

Ông Đinh Hnhơch (bìa phải) và ông Đinh Drip kể với chúng tôi quá khứ hào hùng của Đội du kích xã A3. Ảnh: Hoành Sơn
Ông Đinh Hnhơch (bìa phải) và ông Đinh Drip kể với chúng tôi quá khứ hào hùng của Đội du kích xã A3. Ảnh: Hoành Sơn


Trong bộ quân phục chỉnh tề, già Hnhơch niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Khi nghe tôi hỏi chuyện xưa, khuôn mặt già ánh lên niềm tự hào lẫn xúc động. “Mình không nhớ cụ thể thời điểm thành lập Đội du kích xã A3. Chỉ nhớ từ năm 1959, khi đang là bộ đội ở đơn vị H15 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) thì ở xã có đội du kích rồi. Từ năm 1959 đến 1969, 2 đơn vị nhiều lần phối hợp chiến đấu ở các nơi lính Mỹ đồn trú như làng Châu, Sơ Rơn, Lơ Bơ (xã Chư Krêy) hay huyện Đak Pơ, Mang Yang. Năm 1970, mình ra quân rồi được giao làm Xã đội trưởng xã A3 và trực tiếp chỉ huy đội du kích với quân số hơn 61 người. Mình làm đến năm 1980 thì nghỉ. Chiến công của Đội du kích xã A3 thì nhiều lắm. Như hồi từ năm 1968 đến 1975, Đội phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi 3 máy bay trực thăng của Mỹ tại khu 7. Song song với nhiệm vụ đánh giặc, chúng tôi nuôi giấu cán bộ, tăng gia sản xuất lương thực để tiếp tế cho bộ đội”-già Hnhơch nhắc nhớ.

Ông Đinh Drip từng tham gia Đội du kích xã A3 cũng không giấu được niềm tự hào khi nhắc về một thời khói lửa. Ông hào hứng kể: “Thời chiến tranh, ban ngày chúng tôi là dân, đêm đến là du kích. Thuở ấy, lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, chúng tôi xuống tỉnh Phú Yên, qua Ayun Pa gánh muối, tải lương thực, đạn dược lên tiếp tế cho các lực lượng của ta. Có nhiều khi, đoàn tải lương thực phải đi nửa tháng mới lên đến nơi do quân địch càn quét, đánh phá ác liệt. Nhiều người bị trúng đạn hy sinh khi đang gùi thực phẩm, đạn dược. Chúng tôi còn dẫn đường cho bộ đội chủ lực hành quân qua địa bàn hoặc phối hợp đánh chiếm các đồn bốt của địch. Ngoài ra, đội còn tổ chức các trận đánh làm tiêu hao sinh lực, quấy phá địch, góp phần vào chiến thắng chung của Nhân dân ta”.

Giai đoạn 1975-1980, Đội du kích xã A3 tham gia chống FULRO. “Sau chiến tranh, FULRO chống phá rất nhiều. Chúng ở trong rừng rồi lén lút ra đốt phá nhà cửa, giết người khiến bà con trong vùng hoang mang. Do đó, Đội du kích xã lại phải tổ chức lực lượng chiến đấu. Trong 2 năm (1978-1979), chúng tôi tập trung lực lượng chiến đấu, tiêu diệt, đuổi được FULRO ra khỏi khu vực làng Châu”-già Hnhơch kể.

Với những chiến công oanh liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, năm 1976, Đội du kích xã A3 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là sự ghi nhận xứng đáng đối với những người không tiếc máu xương để giành lại độc lập, tự do cho đất nước và giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng.

Gương mẫu giữa đời thường

Khi đất nước hòa bình, bằng nhiều cách khác nhau, các thành viên của Đội du kích xã A3 tham gia công cuộc xây dựng quê hương. Có người trở về với đời thường tiếp tục hăng say lao động sản xuất phục vụ cuộc sống gia đình. Cũng không ít người chuyển sang công tác chính quyền, đoàn thể để lãnh đạo, chỉ đạo bà con khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Điểm chung của họ là sự nỗ lực trong lao động bất kể ở cương vị nào.

Diện mạo xã Chư Krêy ngày càng khởi sắc. Ảnh: Hoành Sơn
Diện mạo xã Chư Krêy ngày càng khởi sắc. Ảnh: Hoành Sơn


Già Đinh Druk (làng Sơ Rơn) từng là thành viên của Đội du kích xã A3. Năm 1980, khi dân làng vẫn chỉ biết làm lúa rẫy, ông tiên phong trồng lúa nước cạnh con suối Đak Sơ Rổ. Lúa lên xanh tốt, cho năng suất cao nên chỉ sau 2 năm, gia đình ông Druk trở thành hộ giàu nhất xã với 4 kho lúa thường trực trong rẫy nương. Thành công của ông đã làm thay đổi nhận thức người Bahnar ở xã Chư Krêy. Những cánh đồng lúa nước dần hình thành và mở rộng trên vùng đất này. Bây giờ, chạy xe một vòng quanh Chư Krêy sẽ bắt gặp những cánh đồng lúa ngút ngàn. Người dân ở xã căn cứ địa cách mạng này vẫn ghi nhớ công lao của cố Bí thư Đảng ủy xã Chư Krêy Đinh Druk bởi nhờ trồng lúa nước mà bà con không còn thường trực nỗi lo thiếu lương thực.

Còn già Đinh Hnhơch thì có 25 năm kinh qua các chức vụ quan trọng ở xã như Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy. Ông đã cùng với lãnh đạo xã đưa ra nhiều quyết sách để người dân có cuộc sống ổn định hơn. Chủ tịch UBND xã Chư Krêy thông tin: “Bác Hnhơch rất có uy tín trong xã. Thời còn làm lãnh đạo xã, bác có công lớn trong việc vận động người dân, nhất là hộ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình, ăn ở hợp vệ sinh, đảm bảo an ninh trật tự… Vì vậy, dù bác đã nghỉ hưu 16 năm nhưng bà con vẫn luôn tin tưởng, kính trọng. Các sự kiện to nhỏ trong xã, người dân luôn mời bác Hnhơch đến chung vui. Chính vì thế, khi triển khai một số chương trình của xã mà thiếu sự đồng thuận của người dân, chúng tôi thường nhờ bác hỗ trợ và công việc suôn sẻ hơn”.

Ông Đinh Drip là em ruột ông Đinh Druk. Hòa bình lập lại, ông Drip quay về với công việc ruộng vườn. Dẫu vậy, với uy tín của mình, ông được bầu làm Bí thư Chi Đoàn rồi Bí thư Chi bộ thôn và giờ giữ cương vị già làng. Khi xã triển khai xây dựng nông thôn mới, già làng Sơ Rơn không ngần ngại tháo dỡ hàng rào, hiến đất mở đường để người dân đi lại thuận tiện hơn.

Không chỉ góp sức trong việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương, một số thành viên của Đội du kích xã A3 còn góp công bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài giữ lại những bộ chiêng quý, già Hnhơch, Drip còn khuyến khích, truyền dạy cồng chiêng cho thanh niên trong làng. Riêng già Hnhơch, với thành tích nổi bật trong việc lưu giữ cồng chiêng, năm 2018, ông được Chủ tịch UBND huyện Kông Chro tặng giấy khen.

Các cựu thành viên Đội du kích xã A3 là nhân chứng sống cho quá trình xây dựng, phát triển của xã Chư Krêy anh hùng. “Qua các bác ấy mà chúng tôi hiểu hơn về lịch sử của địa phương. Chính các bác đã dẫn tôi đến hang đá trú ẩn thời chiến tranh, địa điểm bắn rơi máy bay, nơi an táng quân ta hy sinh. Tới đây, chúng tôi sẽ nhờ các bác hỗ trợ tư liệu viết Lịch sử Đảng bộ xã”-anh Bùi Kim Nhã-công chức Lao động-Thương binh và xã hội xã Chư Krêy-cho biết.

…Tôi chạy xe máy một vòng quanh xã Chư Krêy nhằm tìm lại vết tích của một thời khói lửa. Ngọn núi Brơi vẫn lặng lẽ bên cạnh làng Châu như một chứng tích của trận đánh cuối năm 1968 làm rơi 1 trực thăng Mỹ. Nơi góc núi, bằng lăng nở trắng, thoảng hương trong gió như tiếng thơm lưu mãi về những chiến công của Đội du kích xã A3 anh hùng.

 

  HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm