Một thời ở Sân bay Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nằm ở vị trí chiến lược, Sân bay Cù Hanh (nay là Cảng Hàng không Pleiku) từng là một trong những sân bay quân sự và dân dụng quy mô lớn ở miền Nam. Xung quanh sân bay này có những câu chuyện mà ít người biết đến.

Theo một số tài liệu ghi lại, Sân bay Cù Hanh được quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, chủ yếu sử dụng cho mục đích quân sự. Sau khi Pleiku được giải phóng, sân bay này trở thành căn cứ của Không quân Việt Nam.

Ngày đầu sau giải phóng

Trong Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975, Sân bay Cù Hanh là một trong những cứ điểm đầu tiên Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chọn tấn công nghi binh, đánh lạc hướng nhằm thu hút địch từ Buôn Ma Thuột về Pleiku, Kon Tum. Đơn vị trực tiếp nhận nhiệm vụ đánh nghi binh vào Sân bay Cù Hanh là Lữ đoàn Đặc công 198 (Binh chủng Đặc công). Đơn vị này được thành lập vào ngày 19-8-1974 tại huyện Chư Păh.

Sau khi được đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, Cảng Hàng không Pleiku đã đón các máy bay thân rộng như A320, A321... Ảnh: Lê Hòa
Sau khi được đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, Cảng Hàng không Pleiku đã đón các máy bay thân rộng như A320, A321... Ảnh: Lê Hòa


Ông Nguyễn Trọng Hải-nguyên Giám đốc Cảng Hàng không Pleiku-kể lại: “Tháng 9-1979, tôi đang là nhân viên sửa chữa máy dẫn đường tàu bay tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng nhưng thường xuyên được cắt cử lên công tác tại Cảng Hàng không Pleiku. Bởi vậy, tôi nắm khá rõ tình hình hoạt động tại Cảng Hàng không Pleiku giai đoạn này. Lúc đó, Cảng trực thuộc Bộ Quốc phòng quản lý với 17 cán bộ, nhân viên”.

Đến tháng 12-1988, ông Hải chính thức được phân công phụ trách kỹ thuật tại Cảng Hàng không Pleiku. “Nhà ga sân bay thời điểm này vẫn giữ nguyên trạng là căn nhà gỗ cấp 4, mái lợp bằng tấm fibro xi măng. Ghế cho khách ngồi chờ được làm bằng ván ép. Trước giải phóng, sân bay chủ yếu phục vụ mục đích quân sự, khách bay dân sự rất ít và được bố trí một lối đi dẫn ra khu nhà chờ riêng”-ông Hải chia sẻ. Cũng theo ông Hải, người dân sống lâu năm gần Sân bay Cù Hanh kể rằng, vì là cứ điểm quan trọng, Mỹ-ngụy từng nuôi một đàn chó được huấn luyện, rất tinh khôn và hung dữ để canh chừng tại khu vực này. Khi địch tháo chạy khỏi Pleiku, đàn chó bị bỏ lại, đi hoang tìm thức ăn ở khắp mọi nơi.

Một lần đón máy bay bị không tặc khống chế

Ít ai biết rằng, vụ không tặc khống chế cảnh vệ trên không, định cướp máy bay để trốn ra nước ngoài xảy ra trên chuyến bay mang số hiệu 226 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khi đang thực hiện hành trình thường lệ Gia Lâm-Đà Nẵng-Tân Sơn Nhất vào sáng 7-2-1979 do phi công Nguyễn Văn Tôn phụ trách lái chính đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Cảng Hàng không Pleiku. Đây là một trong những trường hợp hy hữu không chỉ trong lịch sử ngành Hàng không Việt Nam mà còn với cả thế giới khi nhân viên an ninh Nguyễn Đắc Thoại bắn hạ 4 tên không tặc. Sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống Cảng Hàng không Pleiku, lực lượng bảo vệ sân bay phối hợp với các đơn vị Quân đội, Công an tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã triển khai xử lý tình huống khẩn nguy hàng không. Toàn bộ hành khách và máy bay được an toàn. Nhờ chiến công này, nhân viên an ninh Nguyễn Đắc Thoại được tặng thưởng Huân chương Chiến công, phong vượt cấp quân hàm từ Trung sĩ lên Thiếu úy.

Theo ông Hải, sau ngày giải phóng miền Nam, một số đối tượng thuộc chế độ cũ nuôi âm mưu cướp máy bay để trốn ra nước ngoài. Vụ không tặc tấn công cướp máy bay mang số hiệu 226 là một trường hợp như thế. Các đối tượng đã giấu vũ khí vào hộp sữa đặc để qua mắt lực lượng an ninh. Ngày ấy, thiết bị soi chiếu chưa hiện đại như bây giờ nên lực lượng an ninh không phát hiện được.

Chuyện bay thời bao cấp

Từ tháng 5-1977, Tổng cục Hàng không dân dụng đã tổ chức đường bay Tân Sơn Nhất-Pleiku-Gia Lâm với tần suất 1 tuần/chuyến, chủ yếu phục vụ khách công vụ. Thời kỳ này, tại các tỉnh Tây Nguyên, bọn phản động FULRO hoạt động mạnh nên việc xét duyệt và kiểm soát người đi máy bay rất khắt khe. Lực lượng an ninh lúc này chủ yếu khám kiểm tra thủ công bằng tay. Trang-thiết bị dẫn đường là máy PAC8 do Liên Xô sản xuất đầu thập kỷ 60. Về máy bay, thời kỳ trước năm 1980 chỉ sử dụng các loại máy bay AN24 và YAK40, sức chứa 30-40 hành khách. Cả tỉnh chỉ có một phòng bán vé máy bay đặt tại số 82 Hùng Vương. Phương tiện chở khách chỉ có 1 chiếc xe ca loại Hải Âu cũ do Liên Xô sản xuất.

 Hành khách làm thủ tục trước giờ bay tại Cảng Hàng không Pleiku. Ảnh: Đức thụy
Hành khách làm thủ tục trước giờ bay tại Cảng Hàng không Pleiku. Ảnh: Đức Thụy


Là người trải nghiệm chuyến bay trong khoảng thời gian này, ông Đoàn Minh Phụng-nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai-kể lại: “Ngày đó, tiền mua vé máy bay từ Pleiku ra Hà Nội hết chừng một tháng rưỡi lương của tôi, tức khoảng 90 đồng. Khách đi máy bay đa phần là cán bộ cao cấp hoặc những người có điều kiện. Tôi may mắn được chú Hoàng Thanh Hà-Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum khi ấy đặc cách giải quyết cho đi máy bay để kịp ra nhập học tại Trường Sĩ quan Cơ yếu Xuân Hòa”.

Nhớ lại cảm giác trong hành trình đặc biệt ấy, ông Phụng chia sẻ: “Lần đầu tiên được đi máy bay, tôi thích thú vô cùng. Lúc đó tôi nghĩ: Trong chiến tranh, Mỹ dùng máy bay ném bom giết dân mình. Bây giờ hòa bình rồi, mình được đi máy bay của Liên Xô, cảm thấy rất hạnh phúc”. Cũng theo ông Phụng, thời Mỹ-ngụy, Gia Lai có rất nhiều sân bay quân sự rải khắp các cánh. Trong đó, riêng Pleiku có đến 3 sân bay gồm: Sân bay Cù Hanh, sân bay đặt gần núi Hàm Rồng, sân bay gần Quân đoàn 3 ngày nay. Ngoài ra còn có sân bay tại Bàu Cạn (huyện Chư Prông), Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, An Khê… Tất cả đều là nền đất, bằng phẳng và khá lớn.

Sau hơn 1 thập kỷ trực thuộc Bộ Quốc phòng, năm 1991, Cảng Hàng không Pleiku được chuyển về cho ngành Giao thông-Vận tải quản lý. Trước thời điểm đó, đời sống cán bộ, nhân viên rất khó khăn, một phần cũng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. “Anh em cán bộ, nhân viên ngoài thời gian làm công việc chuyên môn còn phải tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Phi trường rộng lớn được tận dụng nuôi đàn bò vài chục con để vừa có nguồn thực phẩm tươi cải thiện bữa ăn cho anh em, vừa có thêm nguồn thu. Cảng phải mượn đất trống giữa các hàng trong lô cao su vừa trồng mới tại khu vực Ninh Đức (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh ngày nay) để trồng lúa, bắp lấy lương thực. Anh em tại Cảng Hàng không Pleiku còn cung cấp lương thực cho các cảng trong cụm khu vực miền Trung”-ông Hải kể.

Từ những năm tháng gian khó ấy, ngành Hàng không nói chung, Cảng Hàng không Pleiku nói riêng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ với mức tăng trưởng ấn tượng qua từng năm. Giai đoạn 2016-2017, Cảng Hàng không Pleiku được đánh giá thuộc top 10 cảng hàng không trên cả nước. 2 năm gần đây, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, trong đó, vận tải hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy vậy, cán bộ, công nhân viên Cảng Hàng không Pleiku vẫn giữ vững tinh thần vượt khó, gặt hái được những kết quả đáng khích lệ. Giữa tháng 10-2021, sau nhiều tháng tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19, Cảng Hàng không Pleiku là 1 trong 10 cảng hàng không trên cả nước được chọn thí điểm mở lại đường bay nội địa và khai thác hiệu quả kể từ đó đến nay. Với vị trí quan trọng trong tạo mạch máu giao thông, giao thương giữa Bắc Tây Nguyên với cả nước thông qua đường hàng không, Cảng Hàng không Pleiku sẽ góp sức không nhỏ vào sự phát triển của địa phương.

 

 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm