Mã số vùng trồng: "Vé thông hành" cho nông sản xuất ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã cấp 41 mã số vùng trồng cho cây ăn quả và 8 cơ sở đóng gói trái cây của tỉnh để phục vụ xuất khẩu. Ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để nông sản Gia Lai có “vé thông hành” vươn ra thị trường quốc tế.

Tạo chỗ đứng ổn định

Tháng 6-2020, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn bắt đầu thử nghiệm mô hình trồng chuối già Nam Mỹ với diện tích 50 ha tại xã Ia Pết, huyện Đak Đoa. Thấy cây chuối phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên Công ty mở rộng diện tích lên khoảng 200 ha. Để quả chuối xuất khẩu theo đường chính ngạch, Công ty được Cục Bảo vệ thực vật cấp 4 mã số vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói sản phẩm. Ông Trương Thành Trọng-cán bộ phụ trách kinh doanh của Công ty-cho biết: Chuối già Nam Mỹ trồng ở đây năng suất đạt 30-40 tấn/ha. Đặc biệt, Công ty sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên sau khi được cấp mã số vùng trồng, có cơ sở đóng gói, chúng tôi đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc hơn 3.000 tấn chuối.

Cũng theo ông Trọng, nếu không có mã số vùng trồng thì sản phẩm chỉ bán ở thị trường nội địa hoặc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Khi được cấp mã số vùng trồng thì xuất khẩu theo đường chính ngạch và giá trị nâng lên 20-30%. Do đó, mã vùng trồng chính là “vé thông hành” cho xuất khẩu trái cây của Công ty ra thị trường thế giới cũng như tạo chỗ đứng ổn định sản phẩm của đơn vị. Sắp tới, Công ty sẽ hướng đến xuất khẩu sang Nhật Bản.

 Mô hình trồng dứa tập trung quy mô lớn. Ảnh: Đức Thụy
Mô hình trồng dứa tập trung quy mô lớn. Ảnh: Đức Thụy


Để xuất khẩu nông sản theo đường chính ngạch, nhiều nước yêu cầu các mặt hàng nhập khẩu phải có truy xuất được vùng trồng, cơ sở đóng gói, quy trình sản xuất. Vì vậy, việc xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là xu hướng tất yếu để sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Về vấn đề này, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Để tạo thuận lợi cho xuất khẩu trái cây, chúng tôi phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Sau đó, chúng tôi tiến hành kiểm tra thực tế và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho các đơn vị”.

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 41 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích khoảng 2.000 ha và 8 cơ sở đóng gói trái cây của tỉnh để phục vụ xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ. Cụ thể, 6 mã số vùng trồng xoài trên địa bàn huyện Ia Pa và Chư Prông; 8 mã số vùng trồng thanh long tại các huyện: Ia Pa, Chư Prông, Mang Yang, Đak Pơ, Ia Grai và thị xã An Khê; 10 mã số vùng trồng mít tại các huyện: Chư Prông, Mang Yang, Ia Grai, Chư Pưh, Chư Păh và thị xã An Khê; 8 mã số vùng trồng chuối tại các huyện: Chư Prông, Mang Yang, Chư Păh, Đak Đoa; 9 mã số vùng trồng dưa hấu tại các huyện: Chư Prông, Kbang, Krông Pa và thị xã Ayun Pa. 8 cơ sở đóng gói trái cây tại các huyện: Chư Prông, Mang Yang, Chư Păh, Ia Grai, Chư Sê, Đak Đoa.

Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức tập huấn cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân để nâng cao nhận thức về việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Từ đó, hình thành ý thức nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu.

Mở rộng diện tích đăng ký mã số vùng trồng

Cục Bảo vệ thực vật được giao chủ trì quản lý, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật có thẩm quyền cấp, thu hồi, hủy mã số vùng trồng và thông báo, thực hiện xác nhận mã số vùng trồng với nước nhập khẩu. Đồng thời, Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành tiếp nhận hồ sơ, tổ chức kiểm tra thực địa vùng trồng, giám sát định kỳ theo đề nghị của đại diện vùng trồng; quản lý, giám sát vùng trồng đã được cấp mã số; báo cáo và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp, duy trì, thu hồi, hủy mã số vùng trồng hoặc thay đổi thông tin dựa trên kết quả kiểm tra, giám sát. Thực hành nông nghiệp tốt trong trồng trọt gồm những yêu cầu trong sản xuất để đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm; sức khỏe và an toàn lao động đối với người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy nguồn gốc sản phẩm.

 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Đak Đoa để gửi hồ sơ cấp mã số vùng trồng (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Nam
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Đak Đoa để gửi hồ sơ cấp mã số vùng trồng (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Nam

Mã số vùng trồng là mã định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc cây trồng, bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng. Vùng trồng chỉ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, đảm bảo theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là rất cần thiết, bởi không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói giúp tăng khả năng cạnh tranh hàng nông sản xuất khẩu, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Do đó, chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và một số doanh nghiệp lớn để chứng nhận vùng trồng cà phê, hướng đến xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: Huyện phấn đấu đến năm 2040 phát triển ổn định diện tích rau khoảng 220 ha; phát triển diện tích cây ăn quả lên hơn 11.800 ha. Từ đó, từng bước hình thành các vùng chuyên canh rau hoa, cây ăn quả hàng hóa tập trung, gắn với công nghiệp chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững và phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, việc hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trái cây đã được đơn vị chú trọng triển khai trong thời gian qua. Bước đầu, tập trung cho một số cây trồng có tiềm năng như: chuối, thanh long, mít, dưa hấu. Từ đó, hạn chế thấp nhất việc ô nhiễm môi trường, giúp cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp. “Thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các mặt hàng nông sản của tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất quy mô lớn, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu”-ông Khải cho hay.

LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm