Những bộ cồng chiêng truyền đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ là tài sản có giá trị về mặt vật chất, những bộ cồng chiêng còn mang ý nghĩa về mặt tinh thần đối với mỗi gia đình hoặc cộng đồng. Chúng được đặt tên và gìn giữ từ đời này sang đời khác để tiếng chiêng của ông cha được ngân vang mãi.
Từ chiêng cổ Hơ Kam
Vừa dứt hồi chiêng, ông Đinh Văn Khul (70 tuổi, làng Nghe Nhỏ, thị trấn Kông Chro) trầm ngâm bảo: “Đây là bộ chiêng cổ Hơ Kam của người Bahnar. Dân làng quý nó vô cùng và chỉ dùng trong những dịp trọng đại. Khi trao truyền cho mình bộ chiêng này, cha mình đã dặn dò thật kỹ, rằng giữ chiêng Hơ Kam là giữ được báu vật của người Bahnar”.
Đưa tay vuốt nhẹ những vết rạn trên mặt chiêng, ông Khul bảo, bộ cồng chiêng này là vật gia truyền của gia đình có từ 5 đời trước. Thời gian khoác lên bộ chiêng một tấm áo màu trầm. “Bộ chiêng Hơ Kam chỉ có 4 cái và phải đánh kèm với những bộ chiêng lớn. Chiêng Hơ Kam có âm thanh âm trầm vang xa, âm cao lảnh lót. Dù đánh liên tục mấy ngày đêm vẫn không bị rè, méo tiếng hay chùng âm. Mỗi bộ chiêng Hơ Kam trước đây đổi 10-15 con bò. Còn bây giờ thì vô giá”-ông Khul lý giải.
Ông Đinh Văn Khul (làng Nghe Nhỏ, thị trấn Kông Chro) bên bộ chiêng cổ được truyền qua 5 đời của gia đình. Ảnh: Trần Dung
Ông Đinh Văn Khul (làng Nghe Nhỏ, thị trấn Kông Chro) bên bộ chiêng cổ được truyền qua 5 đời của gia đình. Ảnh: Trần Dung
Ở làng Nghe Nhỏ chỉ còn gia đình ông Đinh Văn Khul lưu giữ được bộ chiêng quý Hơ Kam. Già làng Đinh Plon kể: “Đối với người Bahnar, chiêng Hơ Kam là biểu tượng của sự linh thiêng, cao quý. Âm thanh của loại chiêng cổ này gắn bó chặt chẽ với đời sống tâm linh và các nghi lễ của người Bahnar như: lễ thổi tai, mừng lúa mới, đám cưới, đám ma... Để lưu giữ được bộ chiêng quý này là cả một sự nỗ lực lớn của gia đình”. Mặt chiêng Hơ Kam có cấu tạo hình tròn được đúc bằng đồng pha với đồng đen. Chiêng có núm nhỏ ở giữa. Kích thước chiêng to, nhỏ khác nhau. Chiêng nhỏ nhất chỉ khoảng 20 cm. Những chiếc chiêng nhỏ buộc dây xách bằng tay trái, tay phải cầm dùi gõ. Dùi chiêng làm bằng gỗ, đầu gõ có núm tròn bọc vải hoặc da thú. Cũng có khi không dùng dùi mà đánh chiêng bằng bàn tay, âm thanh nghe không vang to nhưng rất êm dịu và mềm mại.
Gắn bó với bộ chiêng từ những ngày còn nhỏ, ông Khul có thể thẩm âm và thuộc lòng “tính cách” của Hơ Kam. Rồi ông hào hứng kể về con trai cả của mình là Đinh Văn Dơch-người sẽ tiếp nối để lưu giữ hồn chiêng Hơ Kam. Năm nay ông Dơch đã 45 tuổi và rất am hiểu về bộ chiêng quý của gia đình mình. “Năm lên 6 tuổi, mình đã được bố và già làng kể về chiêng Hơ Kam. Mình quý và thích thú bộ chiêng này từ đấy. Khi hiểu và yêu nó thì mình dễ làm chủ từng nhịp điệu của loại chiêng này. Mình xem đây là gia tài mà ông bà để lại cho mình và con cháu sau này”-ông Dơch tự hào chia sẻ.
Cẩn thận xếp gọn bộ chiêng vào góc nhà sàn, ông Khul đưa ánh nhìn xa xăm nghĩ ngợi: “Mình nay không còn đủ sức để gìn giữ nhưng con cháu mình sẽ cố gắng gìn giữ để bộ chiêng này không bị thất truyền, quên lãng”.
Đến chiêng Hronh Char
Khi tiếng chiêng ngân vang cũng là thời khắc báo hiệu một sự kiện trọng đại đang diễn ra trong cộng đồng mà ở đó có sự giao hòa, kết nối giữa con người với đấng linh thiêng. Theo quan niệm của đồng bào Jrai, chỉ có thanh âm của chiêng Hronh Char mới có thể thực hiện được chức năng thiêng liêng ấy một cách trọn vẹn nhất. Để được “mục sở thị” bộ chiêng Hronh Char lâu đời nhất ở vùng đất Chư Prông, tôi đã tìm đến nhà ông Kpuih Vich (làng Xo, xã Ia Tôr). Năm nay, ông đã 90 tuổi, mái tóc bạc phơ điểm dấu thời gian. Dù đang đau bệnh nhưng khi nghe tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về bộ chiêng quý, đôi mắt mờ đục của ông bỗng sáng rỡ. Ông bảo con cháu đưa bộ chiêng ra giữa sàn nhà và bắt đầu câu chuyện về bộ chiêng hơn trăm năm tuổi này.
Nghệ nhân chỉnh chiêng Rơ Châm Luih bên chiếc chiêng Hronh Char. Ảnh: Trần Dung
Nghệ nhân chỉnh chiêng Rơ Châm Luih bên chiếc chiêng Hronh Char. Ảnh: Trần Dung
Bộ chiêng mà ông Vich đang lưu giữ là của ông cố để lại, được gọi là chiêng Hronh Char. Đặc biệt nhất là lòng chiêng có hình hoa pơ lang. Bộ chiêng Hronh Char gồm 15 chiếc. Điều đặc biệt là nó không thể đánh chung hay hòa lẫn vào những loại chiêng khác. “Trước đây, cha ông mình nghèo lắm. Con đông, gia cảnh khó khăn nên các thế hệ cha ông phải quần quật từ mờ sáng tới tận tối mịt vẫn chẳng đủ ăn. Nhưng chẳng ai nỡ bán, đổi bộ cồng chiêng có giá trị bằng nhiều con trâu để lấy miếng ăn. Đến đời mình cũng thế! Trước lúc về với thế giới Atâu, bố mình đã trao lại bộ chiêng Hronh Char cho mình gìn giữ. Dù khó khổ thế nào vẫn giữ nó như vật báu trong nhà. Nhiều người ở xa đánh tiếng hỏi mua nhiều tiền lắm nhưng mình không bán đâu. Đời con, đời cháu của mình cũng sẽ không bán đâu”-ông Vich khảng khái nói.
Tiếp nối. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh
Tiếp nối. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh
Nghệ nhân chỉnh chiêng Rơ Châm Luih đã đến rất nhiều buôn làng ở khắp vùng Tây Nguyên để “lên dây” cho hàng ngàn bộ chiêng lạc giọng cũng phải thán phục trước độ “chuẩn” của bộ chiêng Hronh Char hiếm hoi này. Ông Luih cho hay: “Dù được dùng nhiều trong các lễ hội nhưng bộ chiêng này vẫn không hề bị lạc nhịp. Chiêng Hronh Char bao giờ cũng được ông Vich treo ở vị trí trang trọng nhất. Với người Jrai chúng tôi, tiếng cồng chiêng đã ngấm sâu vào máu thịt rồi. Dù có đói như thế nào cũng không bán chiêng. Đó là vốn quý của ông bà mình để lại cho con cháu đời sau. Bởi vậy, việc lưu truyền từ đời này qua đời khác là điều rất thiêng liêng và đáng quý”.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm