Vươn "cánh sóng" ra Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đóng quân ở Tây Nguyên nhưng Lữ đoàn Thông tin 132 (Binh chủng Thông tin liên lạc) có nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc trên địa bàn 11 tỉnh, trong đó có các đảo ở Trường Sa. Để “cánh sóng” nối Trường Sa gần hơn với đất liền, những cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đang ngày đêm thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ mạch nguồn liên lạc được thông suốt.

Nối dài những “cánh sóng”

Chiều cuối năm, các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 132 vẫn miệt mài túc trực, giữ vững vị trí đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Đại tá Nguyễn Đạt Phiên-Chính ủy Lữ đoàn-khái quát: “Lữ đoàn 132 là đơn vị tổng trạm thông tin cơ động chiến lược của Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu và truyền hình cơ động phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Đặc biệt, đơn vị có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho các đảo ở quần đảo Trường Sa, lực lượng Kiểm ngư và nhiều đơn vị khác”. Mặc dù Sở chỉ huy đóng quân trên vùng đất Tây Nguyên nhưng các đơn vị trực thuộc Lữ đoàn nằm ở nhiều địa phương. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ tại các tổ, trạm lẻ, cách xa sở chỉ huy luôn khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo thông tin “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” nhằm nối dài những “cánh sóng”.

Tổ chức huấn luyện, bảo đảm tốt thông tin liên lạc cơ động cho các nhiệm vụ.
Tổ chức huấn luyện, bảo đảm tốt thông tin liên lạc cơ động cho các nhiệm vụ. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Đến thăm Tiểu đoàn 86, chúng tôi được Thiếu tá Nguyễn Quang Tuyến-Tiểu đoàn trưởng giới thiệu sơ qua về đơn vị và các trang-thiết bị để đảm bảo “mạch máu thông tin”. Theo đó, hàng tuần, Tiểu đoàn đều tiến hành luyện tập triển khai thông tin liên lạc theo các phương án tác chiến, nhất là các tình huống bảo đảm thông suốt trong điều kiện địa hình phức tạp, mưa bão. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức sắp xếp trang bị kỹ thuật theo từng chủng loại, theo nhóm bảo đảm thuận tiện trong cơ động khi có tình huống xảy ra”.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống, Lữ đoàn thường xuyên tổ chức huấn luyện cho bộ đội nắm chắc, làm chủ các trang-thiết bị được biên chế. Đơn vị khai thác tốt thông tin liên lạc trong điều kiện khó khăn như mưa gió, đêm tối, hành quân trên xe, trên tàu thuyền; biết xử trí linh hoạt các tình huống thông tin khi bị gián đoạn. Đồng thời, củng cố vững chắc hệ thống thông tin hiện có, từng bước làm chủ trang bị thông tin thế hệ mới. Cùng với đó, đơn vị huấn luyện cho bộ đội đủ khả năng tác chiến độc lập trong thời gian dài ngày, thời tiết khắc nghiệt, có khả năng thích nghi ở mọi điều kiện thời tiết để có thể bảo đảm thông tin trong mọi tình huống.

Bảo dưỡng trạm VSAT đảo Sinh Tồn. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Bảo dưỡng trạm VSAT đảo Sinh Tồn. Ảnh: Vĩnh Hoàng



“Không xa đâu Trường Sa ơi!”

 

 

Nhiệm vụ quan trọng của Lữ đoàn 132 là đảm bảo thông tin liên lạc “kịp thời-chính xác-bí mật-an toàn”, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật thông tin liên lạc cho 39 trạm trên quần đảo Trường Sa. Dịp này, Đại tá Nguyễn Đạt Phiên dẫn chúng tôi đến gặp một cán bộ đã có nhiều năm ra Trường Sa làm nhiệm vụ. “Tôi vừa đi bảo dưỡng thiết bị tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa về từ cuối tháng 9. Ngoài đó, cán bộ, chiến sĩ và người dân vẫn khỏe. Nơi đảo xa luôn gửi lời hỏi thăm đất liền và mong hậu phương tập trung đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội; biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc vẫn luôn được các anh chắc tay súng để canh giữ”-Đại úy Hoàng Văn Đại-nhân viên kỹ thuật Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật của Lữ đoàn bắt đầu câu chuyện với những lời nhắn như thế. Đây là năm thứ 6 anh cùng đoàn công tác của đơn vị ra làm nhiệm vụ bảo dưỡng kỹ thuật ở quần đảo Trường Sa. Nhà ở Pleiku nhưng thời gian anh có mặt tại đơn vị và ở đảo nhiều hơn. Anh cho biết: Năm 2011, đơn vị bắt đầu đảm bảo thông tin liên lạc cho quần đảo Trường Sa bằng hệ thống VSAT và hệ thống chuyển mạch truyền hình. Trước đây, thông tin từ đảo về đất liền là hệ thống vô tuyến điện, thế nhưng giờ đây có hệ thống mới thông tin được nhanh chóng, chính xác và có thể nối cầu truyền hình giữa Trường Sa với đất liền.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều cán bộ, chiến sĩ ở Lữ đoàn 132 luôn tâm niệm rằng: Để cánh sóng luôn thông suốt, ổn định và Trường Sa gần với đất liền hơn là niềm tự hào, song cũng nhiều khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, ai cũng hiểu đó là nhiệm vụ thiêng liêng, là mệnh lệnh của trái tim người lính đối với đồng chí, đồng đội và người dân ngoài đảo xa. 5 năm qua, đơn vị đã có 26 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, từ những ý tưởng cá nhân đã trở thành sản phẩm của tập thể. Xuất phát từ quá trình đảm bảo kỹ thuật truyền hình, do môi trường không thuận lợi nên thiết bị thường xuyên bị treo, Đại úy Lê Đình Huy-Trợ lý Kỹ thuật chuyển mạch (Phòng Kỹ thuật) có sáng kiến “Tủ môi trường cho thiết bị truyền hình”. Sản phẩm này không chỉ được áp dụng cho đất liền mà còn ứng dụng ở biển đảo do thiết bị không bị ăn mòn, ổn định trong điều kiện thời tiết phức tạp. Hay như sản phẩm “Tách rời thiết bị VSAT mang xách tay” của Đại úy Hoàng Văn Đại-nhân viên Kỹ thuật Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật. Thiết bị này ứng dụng vào thực tế vừa khắc phục được ảnh hưởng do thời tiết biển đảo vừa đảm bảo thông tin liên lạc qua hệ thống VSAT, hoạt động tốt khi người sử dụng ở trong các hầm trú ẩn.

Kiểm tra công tác đảm bảo thông tin liên lạc tại đơn vị.
Kiểm tra công tác đảm bảo thông tin liên lạc tại đơn vị. Ảnh: Vĩnh Hoàng

 VĨNH HOÀNG

 

Có thể bạn quan tâm