(GLO)- Từ sau ngày giải phóng miền Nam 1975 đến nay, năm nào cũng vậy, dù khó khăn đến mấy, tôi cũng cố tự tìm cơ hội để về lại với buôn làng, với Tây Nguyên. Ở nơi ấy, tôi có bạn bè, có bà con anh em và toàn bộ tuổi trẻ của mình. Tôi tự nhận đó là quê hương thứ hai của mình.
Không ai muốn quê hương mình chậm phát triển. Nhưng hơn 2 năm qua, dịch giã tràn lan cả nước, nhất là TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Đại dịch Covid-19 là chuyện của “Ông Trời”, của “Mẹ Thiên nhiên” mà con người ta phải ra sức tìm mọi phương cách chống đỡ. Sức chống đỡ của loài người, từ các nước tiên tiến đến các quốc gia đang phát triển cũng đều được thiên nhiên coi bằng nhau, không nơi nào, không ai, dù anh làm to hay kẻ yếu thế đều không được “ưu tiên”. Và cũng không nơi nào, không ai bị vùi dập, bị coi thường. Vậy nên, nếu ở đâu phòng tốt thì sẽ được dịch bệnh nó kiêng nể, nó né sang bên. Chỉ cần sơ suất thờ ơ một tí là ăn đòn liền! Thế mới có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh” từ xa xưa các cụ ta đã dạy.
Lòng tôi lúc nào cũng nơm nớp lo âu, nơm nớp nghe ngóng, săn thông tin trên mạng, trên ti vi, theo dõi ráo riết và cầu mong sự bình yên cho bà con, anh em mình nơi rừng sâu núi thẳm. Tôi hy vọng vi rút SARS-CoV-2 không đến vùng cao xa xôi nhiều cách trở. Nhưng đâu có được thế, dù từ ngày đầu dịch, ta đã hô vang khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc!”. Ngày xưa, mỗi khi xảy ra dịch bệnh, các nhà vua và triều thần đều phải dựng đàn tế lễ đất trời, cầu mong cho quốc thái dân an, tôi không cho đó là mê tín mà là một lối hành xử nghiêm trang, bình tĩnh với một cái chìa khóa mở ra không gian thông thoáng mà đất trời không bao giờ đóng kín.
Tôi thuộc diện những người yếu thế, vừa già vừa yếu, vừa bệnh nền nên lúc nào cũng thường trực mở mạng, bật ti vi theo dõi và chat với bạn bè hóng thông tin. Tứ phương tin dữ nhiều, góc hẹp tin lành! Vi rút SARS-CoV-2 và biến thể của nó nhiều hôm gây cho ta tối mặt tối mũi, mất phương hướng thì ta mới nhận ra cái cần làm ngay, ấy là sửa lại cách làm cũ. Ta ngay lập tức thực hiện giãn cách theo chỉ thị mới, cho phép dân tự cách ly tại nhà, không còn cảnh phong tỏa gắt gao, phong tỏa cả phường, cả quận nữa. Bây giờ thì cuộc sống dần hồi lại. Mỗi lần về mở Facebook gặp bạn trên núi là một lần hồi hộp. Tôi xin trích một cuộc trò chuyện của tôi với một người bạn thân là Ksor Phúc-nguyên cán bộ Sở Văn hóa-Thông tin và Thể thao Gia Lai mới về hưu, về làng-đoạn chat mới nhất, sáng chủ nhật, ngày 6-12:
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (bìa phải) thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ tại Chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 số 8 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ). Ảnh: Như Nguyện |
- Chào Ksor Phúc. Anh thông báo với chú, bây giờ chỗ anh đã thay đổi nhiều phương thức phòng-chống dịch Covid-19. Không thả nổi nhưng thực hiện chỉ thị mới, cách ly tại nhà, theo phương pháp phòng-chống dịch mới, cuộc sống đỡ căng thẳng hơn nhiều.
- Thế à, anh nói cụ thể xem nào? Em mới nghe đài, báo đưa tin ở Hà Nội đang nặng hơn, F0 nhiều hơn nhưng được xử lý khéo hơn trước, đúng hơn trước anh à?
- Nói chung là mỗi ngày dịch bệnh nó một chuyển biến phức tạp hơn. Các biến thể của nó khôn kham hơn, khiến các nhà khoa học chưa lường hết được. Trên ti vi, trên báo nói Tây Nguyên mình F0 đang rộ lên nhiều nơi, đúng không?
- Dạ em không ngờ nó nhanh thế!
- Cụ thể?
- Làng em tuần trước có đám tang, hôm nay, xã yêu cầu toàn dân đi xét nghiệm. Có 39 người dính F0 anh ạ.
- Thế à? Địa phương em giải quyết thế nào?
- Dạ, theo chỉ thị mới, ngay lập tức phải khoanh lại theo như phương pháp cách ly tại chỗ, giống của Hà Nội anh thôi. Nhưng bà con mình không nhạy bén như dân thủ đô các bác đâu. Lo ghê anh ơi…
- Tạm dừng tí vì anh có khách nhé.
- OK anh!
Vâng. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, muôn cách ứng xử với tự nhiên, xã hội. Mỗi dân tộc có một phong tục tập quán khác nhau. Có nhiều cái giống và cả khác nhau. Mỗi dân tộc có một tín ngưỡng riêng, theo một tôn giáo mà mình tin và không ai nói ai là đúng, ai là sai. Tựu chung lại, đúng sai là theo quan niệm của mỗi người, mỗi cộng đồng. Tôi ở trên rừng có hơn 10 năm, sống chung với bà con Bahnar và Jrai, thế cũng chưa phải là nhiều, cũng không phải là ít. Tôi từng gặp nhiều lần làng rừng của chúng tôi bị trúng dịch liêu xiêu. Dịch cúm, dịch tả, dịch sốt rét, dịch đau mắt, dịch ghẻ lở…
Tất nhiên, thời chiến tranh chống Mỹ ở trong rừng, bộ đội chúng tôi cũng rất khó khăn về thuốc men, về dụng cụ y tế. Các biện pháp phòng-chống dịch trong làng rừng càng đơn giản hơn. Đơn giản đến mức, chỉ biết trông vào các cụ già cùng những kinh nghiệm cá nhân… Khi làng có nhiều người ốm một lúc, cùng một căn bệnh giống nhau, việc trước tiên bà con tập trung vào lo cúng Yàng (thần linh). Bà con dựa vào một hai người già, những người có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Già làng sẽ cúng con gà con heo, khi dịch mới bắt đầu. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát nặng, đa số là chỉ chú mục đến việc đưa người bị ốm ra cách ly, thậm chí cho người nặng ra ở một mình sống hẳn ngoài rừng, để tránh con ma. Người đau nặng phải tự tồn tại rồi… tự chết. Rất nhiều câu chuyện thương tâm. Có làng trong một tuần chết năm bảy người. Có làng gần như không còn sức chống đỡ, nếu không có sự hỗ trợ của các y-bác sĩ đơn vị bộ đội cùng các cán bộ y tế của các cơ quan, ban ngành phối hợp, cùng dập dịch.
Đấy là một thuở bà con làng rừng còn sống trong mông muội, tăm tối, đói nghèo do chiến tranh khốc liệt. Đã lạc hậu còn lâm vào lạc hậu hơn, đồng nghĩa với bất lực. Ngày nay, loài người đã và đang khám phá vũ trụ, có những chương trình vĩ đại đưa con người di cư sang hành tinh khác. Dịch giã cũng phát triển khủng hơn, biến thể của nó bất thường hơn, nhưng nói thế để biết thế, hiểu thế, chứ không phải để sợ. Các nhà khoa học của loài người trước sau gì cũng tìm ra cánh cửa bí hiểm của thiên nhiên, mở ra miền ánh sáng cho sự sống. Tôi luôn luôn nghĩ lạc quan như vậy.
TRUNG TRUNG ĐỈNH