Đón Tết "con hổ" trên trận địa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau tràng pháo nổ giòn là Chủ tịch Tôn Đức Thắng chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước. Nghe Bác Tôn chúc Tết, mỗi chúng tôi đều thấy lâng lâng một niềm tin chiến thắng. Không nói ra nhưng ai cũng thầm nguyện sẽ chiến đấu giỏi hơn nữa để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Những ngày đầu tháng 12-1973, do các đợt hành quân lấn chiếm đường 5a, 5b, 20, 21 và khu vực Phú Mỹ trên đường 14 ở Nam Pleiku liên tục bị đánh bại, địch cho máy bay đánh bom xuống một số nơi trong vùng kiểm soát của ta, trong đó có hậu cứ Tiểu đoàn 16 ở phía Bắc Chư Bồ. Tuy không thiệt hại về người nhưng đơn vị lập tức được lệnh di chuyển. Đại đội 1 của tôi cùng Tiểu đoàn bộ chuyển đến một khu rừng rậm rạp phía Đông đường 15, cách Chư Ty 4 km về phía Bắc và cách đồn Tầm của địch 10 km về phía Tây Bắc. Chúng tôi tập trung làm lán trại và chỉ hơn nửa tháng, khu doanh trại với những ngôi nhà tiểu đội nửa nổi nửa chìm khung gỗ, mái tranh, vách thưng bằng nan lồ ô sáng sủa, vững chãi nép dưới tán cây xanh cùng hệ thống hầm trú ẩn, đường đi lối lại sạch sẽ đã hoàn thành. Đây là hậu cứ cơ bản của đơn vị để sau mỗi đợt chiến đấu lại về nghỉ ngơi, củng cố, huấn luyện và tăng gia sản xuất. Năm 1973 kết thúc và Tết Giáp Dần cũng sắp đến. Chúng tôi thầm nghĩ, có lẽ năm nay sẽ được đón Tết, vui Xuân trong ngôi nhà mới. Nhưng chưa ấm chỗ thì đại đội được lệnh cơ động gấp đến Chư Nghé làm nhiệm vụ chiến đấu.
Mới nghe, chúng tôi ai cũng ngỡ ngàng vì căn cứ Biên phòng Chư Nghé (địch gọi là Lệ Ninh) cách Pleiku hơn 40 km về phía Tây đã bị Sư đoàn 320 san phẳng hơn 3 tháng trước. Vị trí này lại nằm sâu trong vùng giải phóng của ta, địch làm sao đến được. Đến khi được phổ biến nhiệm vụ, chúng tôi mới rõ: Chiều mùng 1 Tết Dương lịch 1974, địch cho trực thăng đổ một toán thám báo xuống Chư Nghé cắm cờ rồi loan tin: “Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã đánh lui một lực lượng lớn của Việt Cộng và đã tái chiếm được căn cứ Lệ Ninh”. Một số tờ báo ở Sài Gòn còn đăng cả lá cờ ba sọc của chế độ Sài Gòn tung bay trên cột cờ căn cứ. Đây chỉ là trò lừa bịp dư luận nhằm gây thanh thế cho quân ngụy vốn đã rệu rã, bạc nhược. Song cấp trên vẫn nhắc chúng tôi cần hết sức cảnh giác, nếu chủ quan, sơ hở thì có thể địch sẽ làm thật. Vì thế, nhiệm vụ của đại đội tôi là phải khẩn trương, bí mật hành quân đến Chư Nghé sẵn sàng đánh địch đổ bộ.
Đoạn đường từ nơi đơn vị đóng quân đến Chư Nghé khoảng 30 km. Địa hình khu vực này chúng tôi khá thông thuộc, đơn vị lại đã được tham gia giải phóng Chư Nghé. Vì vậy, mặc dù đêm tối, mang vác nặng nhưng chỉ sau hơn 8 giờ hành quân, chúng tôi đã đến cổng phía Đông căn cứ. Để bảo đảm bí mật, bất ngờ, chỉ huy không đưa đại đội vào căn cứ qua cổng chính mà vòng xuống phía Nam sang cuối đường băng sân bay Sùng Thiện ở phía Tây bố trí trận địa. Mờ sáng ngày 2-1, toàn đại đội hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu. Trời vừa sáng rõ, chúng tôi đã nhìn thấy lá cờ địch treo trên cột cờ ở khu trận địa pháo cũ, phía trái đường băng. Nhiều ý kiến đề nghị cho hạ cờ địch xuống ngay. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Đản với kinh nghiệm chiến đấu dày dạn nhìn bao quát một lượt, vẻ thận trọng: “Cứ từ từ đã!”. Nói rồi anh giao cho Phó Đại đội trưởng Trịnh Xuân Đảng tổ chức lực lượng đi kiểm tra xung quanh. Khi không phát hiện dấu vết gì của địch, anh mới giao cho Trung đội trưởng Trung đội 1 Phạm Văn Hán dẫn một tổ lên hạ cờ địch. Trung đội trưởng Hán liền dẫn 3 chiến sĩ Toàn, Nghiệp, Thắng nhanh chóng tiến về phía cột cờ. Còn cách cột cờ khoảng 5 m, Trung đội trưởng ra hiệu cho các chiến sĩ tản ra rồi anh thận trọng đi lên. Quan sát và phát hiện 3 quả lựu đạn mỏ vịt Mỹ loại nổ tức thì gài quanh chân cột, anh lần lượt vô hiệu hóa từng quả lựu đạn địch rồi vẫy các chiến sĩ lên tập trung rút chốt hãm làm cho cột cờ bằng ống thép đổ kềnh xuống sân. Anh em thu cờ địch rồi rút nhanh về trận địa.
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày hiện vật của trận đánh cứ điểm Chư Nghé tại Hội thảo di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé được tổ chức ngày 15-6-2018. Ảnh: Ngọc Sang
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày hiện vật của trận đánh cứ điểm Chư Nghé tại Hội thảo di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé được tổ chức ngày 15-6-2018. Ảnh: Ngọc Sang
Khoảng 8 giờ, 1 chiếc trực thăng “cá lẹp” từ hướng Pleiku bay lên lượn 3 vòng quanh căn cứ rồi bay đi. Trận địa vẫn im lặng vì mục tiêu của chúng tôi là quân đổ bộ. Lúc sau, 1 chiếc máy bay trinh sát L19 bay tới lượn vòng trên cao nghiêng ngó quanh căn cứ hàng giờ liền. Những ngày sau, địch tiếp tục cho máy bay trinh sát quần lượn mà không có hoạt động gì khác. Chúng tôi vẫn bí mật chờ địch. Do máy bay địch đã hạn chế bay trinh sát trực tiếp khu vực Chư Nghé nên ban ngày cũng đỡ căng thẳng, đơn vị bắt đầu cử các bộ phận đi kiếm rau cải thiện. Khu vực phía Tây sân bay là đồn điền Lệ Xuân cũ nên còn những cây mít cao to, quả sai lúc lỉu chen lẫn với cây rừng. Ở đây có con suối rộng chạy ngoằn ngoèo có rất nhiều cá, mùa này nước cạn nên anh em chỉ mang màn tuyn ra kéo là bắt được. Từ hôm đó, bữa ăn của chúng tôi có thêm mít luộc, mít muối dưa và canh cá suối. Nhưng lại có nỗi lo mới, đó là sự xuất hiện của hổ. Có thể do anh em đi cải thiện mà chúng phát hiện được và theo chân lần tới. Cứ sáng dậy đi lấy lá ngụy trang, chúng tôi lại thấy vết chân hổ in dày xung quanh trận địa khoảng vài chục mét. Những ngày sau, khoảng nửa đêm về sáng còn có tiếng hổ gầm xung quanh nghe rợn cả người. Đơn vị phải hạn chế đi cải thiện và nếu đi phải tổ chức thành tổ, mang theo súng AK để đề phòng. Ban đêm ở từng khẩu đội, tổ chức canh gác phải có 2 người, súng 12,7 mm cũng phải ở tư thế sẵn sàng đánh hổ. Suốt hàng tuần liền chúng tôi mất ngủ, thắc thỏm lo lắng vì hổ và chờ địch đến. Song, có lẽ bộ chỉ huy địch thấy màn kịch vụng về đã bị lật tẩy nên các hoạt động trinh sát thăm dò thưa dần rồi ngừng hẳn. Chúng tôi tiếp tục ở lại cho đến chiều 4-2 (30 Tết) thì được lệnh cơ động về khu vực ngầm Ia Yom, cách Chư Nghé 5 km về phía Đông phục kích đánh máy bay địch.
Việc rút khỏi trận địa cũng được tiến hành bí mật như lúc đến. Sau khi xóa hết dấu vết trận địa, khoảng 7 giờ tối, chúng tôi mới bắt đầu hành quân. Vị trí tập kết là một làng cũ của đồng bào Jrai nằm bên vệ đường 15, cách ngầm Ia Yom 2 km về phía Tây Nam. Chúng tôi về đến vị trí thì đã gần 9 giờ đêm. Cùng lúc đó, anh em đi lấy hàng Tết ở tiểu đoàn cũng vừa về tới. Ở khu làng cũ còn 1 cái nhà của đồng bào bỏ lại, đại đội phân công các trung đội triển khai công sự xung quanh. Công việc sắp xếp chỗ ở vừa tạm ổn thì đã hơn 11 giờ. Chúng tôi phân nhau canh gác rồi tập trung lại nhà đại đội đón Giao thừa. Trong ngôi nhà ấm cúng, dưới ánh sáng của chiếc đèn dầu tự tạo, chúng tôi ngồi sát bên nhau, nét mặt ai cũng tươi vui phấn khởi. Thay mặt chỉ huy đại đội, Chính trị viên Nguyễn Xuân Sơn đứng lên chúc Tết và động viên cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đoàn kết, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Rồi chúng tôi vừa ăn kẹo, hút thuốc lá-quà tặng của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, vừa kể cho nhau nghe phong tục đón Tết của quê mình. Gần đến giờ Giao thừa, Chính trị viên Nguyễn Xuân Sơn vận to âm lượng của chiếc đài Xiong Mao đặt ngay ngắn giữa nhà. Chúng tôi im lặng lắng nghe âm thanh từ chiếc đài phát ra. Sau tràng pháo nổ giòn là tiếng nói của Chủ tịch Tôn Đức Thắng chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước. Nghe Bác Tôn chúc Tết, mỗi chúng tôi đều thấy lâng lâng một niềm tin chiến thắng. Không nói ra, nhưng ai cũng thầm nguyện sẽ chiến đấu giỏi hơn nữa để góp phần nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
5 giờ sáng ngày mùng 1 Tết, chúng tôi ra chiếm lĩnh trận địa. Trận địa phục kích của đại đội được bố trí trên một dải đồi cây lúp xúp đối diện với ngầm Ia Yom ở phía Đông. Ngầm này khá dài xây bằng đá nằm trên đường 5a nối Chư Nghé với Pleiku. Tháng 9-1973, ta giải phóng Chư Nghé. Ngay sau đó, địch cho Chiến đoàn 21 ngụy lên giải tỏa chiếm ngầm nhưng đã bị Trung đoàn 24 và Tiểu đoàn 631 của ta tiêu diệt. Từ đó, trên quãng đường này địch không dám nống ra nữa. Tuy nhiên, địch vẫn khống chế được vùng trời. Hàng ngày, các loại máy bay của chúng vẫn tự do hoạt động, nếu phát hiện chỗ nào khả nghi có lực lượng ta là đánh phá. Cấp trên đưa đại đội tôi về đây vừa để chủ động đánh máy bay địch bảo vệ vùng giải phóng, vừa tiếp tục đề phòng địch trở lại Chư Nghé. Khoảng gần trưa thì công sự trận địa hoàn thành. Vừa làm xong công tác chuẩn bị chiến đấu thì nuôi quân mang cơm lên. Bữa cơm ngày mùng 1 Tết của chúng tôi có thêm món thịt kho và canh xương nấu chuối rừng khá ngon miệng.
Trong suốt ngày mùng 1 Tết, địch không có hoạt động gì đáng kể, bầu trời trong xanh không một gợn mây. Gần trưa mùng 2 Tết xuất hiện một tốp trực thăng từ hướng Đông Bắc bay về hướng Tây Nam nhưng xa trận địa. Sang mùng 3 Tết, ngay từ sớm, 1 chiếc máy bay trinh sát L19 từ hướng Nam bay lên lượn mấy vòng rộng quanh khu vực rồi bay đi. Khoảng 9 giờ, 1 chiếc trực thăng HU1A bất ngờ từ phía Đông bay thẳng về hướng trận địa. Toàn đại đội được lệnh về vị trí chiến đấu. Máy bay địch vẫn tiếp tục bay vào, độ cao chỉ khoảng hơn 800 m. Chờ cho mục tiêu vào đến cự ly thích hợp, Đại đội trưởng mới phát lệnh nổ súng. Tiếng hô “bắn” của Đại đội trưởng Đản vừa dứt, cả 6 khẩu súng cùng phát hỏa, những viên đạn lửa nối đuôi nhau vút lên chụp vào máy bay địch, làm nó khựng lại, rú lên, bốc cháy rồi lao xuống sườn núi phía Tây.
Bầu trời yên tĩnh trở lại. Chúng tôi nhanh chóng củng cố ngụy trang, chờ địch đến. Tới gần trưa mới thấy 1 chiếc L19 bay tới lượn mấy vòng rồi cút thẳng. Chúng tôi tiếp tục bám giữ trận địa cho tới mùng 5 Tết thì được lệnh cơ động nhận nhiệm vụ mới.
Thế là trọn Tết Giáp Dần, chúng tôi đón Xuân trên trận địa. Tuy gian khổ, căng thẳng nhưng mà vui vì ngay ngày đầu Xuân đã lập công. Với sự khởi đầu tốt đẹp của năm “con hổ”, mỗi chúng tôi đều nghĩ, chắc chắn năm nay sẽ có nhiều chiến công mới.
HÙNG TẤN

Có thể bạn quan tâm