Xanh thẳm những cánh rừng Đak Pơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) luôn đạt và vượt kế hoạch trồng rừng, nâng tổng số diện tích đất có rừng toàn huyện lên 21.286,49 ha, độ che phủ rừng đạt 44,92%. 
Khép lại năm 2021, toàn huyện Đak Pơ đã trồng mới 63,6 ha rừng sản xuất, vượt 13 ha so với chỉ tiêu đề ra; trong đó, trồng được 158.340 cây phân tán, vượt gấp 2 lần so với chỉ tiêu đề ra. Còn giai đoạn 2017-2020, các đơn vị chủ rừng và người dân đã trồng gần 700 ha rừng sản xuất tập trung và 480.441 cây phân tán. Loại cây được lựa chọn để đưa vào trồng chủ yếu là keo lai, bạch đàn và cây tạo bóng mát trên các tuyến đường như muồng hoa vàng, sao, dầu… Riêng rừng trồng tập trung và trồng phân tán đảm bảo mật độ cây sống từ 95% trở lên, cá biệt tại các tiểu khu thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ya Hội đạt 100%.
Có nhiều yếu tố tạo nên kết quả trồng rừng ở huyện Đak Pơ, song nổi bật vẫn là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt chỉ tiêu hàng năm. Theo đó, huyện đã chỉ đạo quyết liệt việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng và trồng rừng phù hợp với mục đích lâm nghiệp; sự đồng thuận của người dân trong việc đăng ký kê khai đất lâm nghiệp để chuyển đổi cây trồng và trồng rừng. Năm 2021, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê và Ban Quản lý rừng phòng hộ Ya Hội đã hướng dẫn 42 hộ dân tự kê khai và ký kết hợp đồng trồng rừng với tổng diện tích 69,17 ha. Đặc biệt, từ kế hoạch trồng rừng sản xuất thuộc dự án hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được giao hàng năm, huyện đã chỉ đạo các xã vận động hộ gia đình có đất sản xuất trong quy hoạch lâm nghiệp đăng ký trồng rừng. Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý Dự án hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng của huyện cùng UBND các xã kiểm tra, đo đạc, xác định diện tích đủ điều kiện để triển khai kế hoạch trồng rừng.
Người dân xã Ya Hội (huyện Đak Pơ) dọn thực bì phòng cháy vào mùa khô. Ảnh: Đức Thụy
Người dân xã Ya Hội (huyện Đak Pơ) dọn thực bì phòng cháy vào mùa khô. Ảnh: Đức Thụy
Đồng hành với triển khai kế hoạch trồng rừng, các cơ quan chuyên môn của huyện đã lựa chọn những vườn ươm uy tín để giới thiệu cho các xã, hộ dân liên hệ cung cấp cây giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Phân bổ kinh phí kịp thời cho các địa phương, chủ rừng chủ động triển khai thực hiện chỉ tiêu trồng rừng và chăm sóc rừng trồng. Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-thông tin: Năm 2021, nguồn vốn đầu tư trồng rừng và chăm sóc rừng đã trồng trong giai đoạn 2018-2020 là 688 triệu đồng. Ngoài nguồn vốn này, một số chủ rừng đã huy động nguồn vốn khác để trồng rừng. Đặc biệt, các hộ dân đầu tư trồng 31,78 ha rừng. Riêng năm 2021, người dân trồng 66.430 cây phân tán và 9,8 ha rừng. Nhờ vậy, huyện Đak Pơ hiện có 6.978,98 ha rừng trồng, tăng 1.396,06 ha so với năm 2017.
Đất trống không có rừng trong quy hoạch lâm nghiệp; diện tích đất của các hộ dân sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch lâm nghiệp có khả năng trồng rừng luôn được ưu tiên lựa chọn để xây dựng chỉ tiêu trồng rừng hàng năm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển rừng và trồng rừng. 5 năm sau tính từ thời điểm trồng, những thảm xanh của rừng trên vùng đất đồi dốc, cằn khô tại các xã: Phú An, Yang Bắc, Ya Hội, Hà Tam, An Thành… bước vào chu kỳ khai thác. Ước tính 1 ha rừng cho nguồn thu bình quân 51,6 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Kết quả đó đã tiếp thêm động lực để người dân huyện Đak Pơ tham gia trồng rừng, hình thành phong trào trồng rừng tại địa phương phát triển mạnh mẽ, nhất là các xã có tiềm lực như: Hà Tam, Ya Hội, Yang Bắc, Phú An…
Theo kết quả rà soát hiện trạng rừng huyện Đak Pơ về điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2030 và kết quả cập nhật diễn biến hiện trạng rừng năm 2020 đã được UBND huyện công bố, toàn huyện vẫn còn 893,51 ha đất đã trồng rừng trong và ngoài quy hoạch nhưng chưa thành rừng, hơn 3.876 ha đất khác hiện chưa có rừng. Ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện-thông tin: Từ kết quả rà soát rừng, huyện đã đề xuất nhiều nội dung thực hiện Dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021-2025, trong đó có chỉ tiêu trồng rừng sản xuất. Theo đó, dự kiến huyện sẽ trồng mới 250 ha rừng sản xuất (bình quân mỗi năm 50 ha). Để hoàn thành mục tiêu trồng rừng đề ra, huyện sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền để người dân tích cực tham gia trồng rừng theo mô hình nông-lâm kết hợp, từng bước thay thế dần tập quán canh tác độc canh, từ đó tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao đời sống. Đồng thời, diện tích rừng trồng hàng năm kết hợp với diện tích rừng phòng hộ hiện có sẽ cải thiện dần môi trường sinh thái trên địa bàn.
THANH BÌNH

Có thể bạn quan tâm