Tín ngưỡng Chúa sơn lâm ở Tây Sơn Thượng đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bao đời nay, tục thờ cúng Chúa sơn lâm được người dân vùng Tây Sơn Thượng đạo gìn giữ như một nét văn hóa tâm linh độc đáo gắn liền với đời sống tinh thần. Tín ngưỡng thờ Ông Cọp, Ông Hổ thể hiện sự mong cầu của người dân về một cuộc sống khỏe mạnh, yên bình, ấm no, hạnh phúc.
Huyền tích Ông Cọp ba chân
Làng Tân Lai hình thành vào thập niên 30 của thế kỷ XIX, trước đây thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân An, tỉnh Bình Định (nay là tổ 3, phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Khi ấy, Tân Lai có vạn Tân Lai và vạn Tân Chánh. Sau khi tạm ổn định nơi ăn ở, sản xuất, người dân 2 vạn chọn khu đất cao ráo nhiều cây cổ thụ, lập 2 ngôi miếu. Miếu trực thuộc đình Tân Lai. Ban Quản lý đình Tân Lai quản lý chung miếu Tân Lai và Tân Chánh.
“Miếu Tân Chánh được lập vào năm 1940 ở khu vực Gò Sặt-nơi lập dinh thờ Chúa tể sơn lâm trước đó. Miếu thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, thành hoàng bổn xứ, thần thổ công, thổ địa. Khi ấy, miếu, dinh thờ còn đơn sơ, mái tranh, vách đất. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, miếu, dinh được xây dựng kiên cố như ngày nay. Riêng dinh Ông Cọp tu sửa lần gần đây nhất vào năm 1992. Hiện nay, xung quanh miếu vẫn còn 3 “chứng nhân” từ thuở lập miếu là cây bàng, bằng lăng và cây đa”-ông Lê Văn Hương-Trưởng ban Quản lý kiêm Trưởng ban nghi lễ đình Tân Lai-cho biết. 
 Hầu hết miếu, đình trên địa bàn thị xã An Khê đều có thờ hổ. Ảnh: Ngọc Minh
Hầu hết miếu, đình trên địa bàn thị xã An Khê đều có thờ hổ. Ảnh: Ngọc Minh
Gần 100 năm qua, những tàng cổ thụ xòe bóng mát bốn mùa đã tạo nên không gian tĩnh mịch, linh thiêng cho ngôi miếu và dinh Ông Cọp. Dưới gốc đa cổ thụ, chúng tôi được nghe câu chuyện về thời sơ khai lập làng, lập miếu do các cụ trong Ban nghi lễ đình Tân Lai kể lại. Chuyện rằng: Ngày trước, nơi này rừng cây rậm rạp, muông thú sinh sôi, quần tụ, hổ cũng nhiều. Hổ không chỉ ở rừng sâu núi thẳm mà còn lảng vảng quanh vạn. Vì vậy, những cư dân đầu tiên đến Tân Chánh khai đất dựng nhà đã lập dinh thờ Ông Cọp, mong cầu bình an, may mắn. Theo ông Lê Quý-nguyên Trưởng ban nghi lễ đình Tân Lai, từ khi có dinh thờ Ông Cọp, dân vạn đi làm rẫy hay vào rừng kiếm củi, chưa nghe trường hợp nào bị hổ tấn công, thậm chí heo, bò của bà con cũng không bị bắt.
Ông Quý nhớ như in câu chuyện Ông Cọp linh ứng cứu người. Đó là vào năm 1949, quân Pháp lùng sục bắt bớ, bỏ tù những người mà chúng cho là đi theo Việt Minh, trong đó có ông Lê Cốm. Ngồi trong xà lim, ông Cốm khẩn khoản khấn xin Ông Cọp làm sao để thực dân Pháp thả ra và hứa nếu ra khỏi nơi này, ông sẽ cúng hậu tạ 1 con bò. Hai ngày sau, quân Pháp thả ông thật. Nhưng khi ra tù, ông Cốm không thực hiện lời hứa. 3 ngày sau, hổ về bắt bò của gia đình ông. Nghe tin hổ bắt bò, mọi người đốt đuốc đuổi theo. Ra tới dinh Ông Cọp thì thấy con bò nằm đó. Mọi người tiếp tục lần theo dấu chân (3 chân lớn, 1 chân nhỏ) ra tới bờ sông Ba thì mất dấu. “Sau việc này, dân làng thắc mắc vì sao giữa đàn bò hàng chục con của các hộ chăn nuôi, nhốt chung chuồng mà con hổ nhằm đúng con bò nhà ông Cốm. Càng thắc mắc hơn khi hệ thống hàng rào, chuồng trại đóng bằng những cây gỗ to, rất kiên cố mà con hổ vẫn vào được và bắt con bò nặng cả tạ ra ngoài một cách dễ dàng. Lúc này, ông Cốm mới nói ra trước đó mình đã cầu khấn Ông Cọp và hứa cúng bò. Dân làng truyền tai nhau Ông Cọp ba chân linh ứng. Dinh Ông Cọp ba chân có tên gọi từ đó”-ông Quý kể lại.
Hàng năm, tại miếu Tân Chánh, người dân tổ chức cúng Khai sơn vào ngày 10 tháng Giêng; ngày 16 tháng 2 Âm lịch cúng Quý Xuân theo nghi thức truyền thống. Ông Hương chia sẻ: “Tùy theo điều kiện kinh tế mà lễ vật dâng tế, cúng các bậc thần linh và Chúa tể sơn lâm mỗi năm một khác. Năm nào dân làng làm ăn được thì cúng bò, cúng heo, thấp nhất là cúng gà. Sau khi cúng Khai sơn người dân mới được xuống đồng, vào rừng kiếm củi”.
Tín ngưỡng thờ Ông Hổ
Ngày trước, An Khê được mệnh danh là nơi “rừng thiêng nước độc”, núi rừng trùng điệp có nhiều thú dữ. Những cư dân đầu tiên và kế tiếp khai phá đất đai lập làng, lập xã đã xây dựng những thiết chế tín ngưỡng như am, dinh, đình, miếu thờ thành hoàng bổn xứ, Thánh mẫu Thiên Y A Na, sơn thần, thổ địa, Chúa sơn lâm. Ông Trần Ngọc Hỷ-thành viên Ban nghi lễ An Khê đình (Tổ đình) thông tin: “Theo quan niệm tâm linh, hổ được xem là một trong những vị thần cai quản địa bàn. Vậy nên hầu hết miếu, đình tại An Khê đều thờ hổ. Mỗi năm, các đình, miếu duy trì lễ cúng Khai sơn, Quý Xuân, Quý Thu… Trong văn tế từ ngày xưa đã có nội dung cầu khấn Chúa sơn lâm chi thần. Như vậy, có thể khẳng định, tín ngưỡng thờ Ông Hổ của người dân An Khê có từ khi khai sơn, lập địa”.
Hàng trăm năm qua, dinh thờ Ông Hổ tồn tại và song hành cùng ngôi đình An Mỹ (xã Phú An, huyện Đak Pơ). Mỗi năm, nơi đây diễn ra nhiều lễ trọng như cúng ngày mùng 1 Tết, Khai sơn, Quý Xuân, rằm tháng 7… Ông Văn Thanh Cần-thành viên Ban nghi lễ đình An Mỹ-cho hay: Đình An Mỹ được dân làng lập cách đây hơn 200 năm. Trong khuôn viên đình có nhà tiền nhơn, dinh Bà và dinh Ông Hổ. Vào các ngày lễ trọng, Ban nghi lễ thực hiện việc cúng tế theo nghi thức truyền thống. Phần dâng hương đăng, trà quả diễn ra trang nghiêm trong đình. Ở dinh Ông Hổ luôn có mâm cơm cúng riêng. Đặc biệt, trong các vật phẩm dâng cúng Chúa sơn lâm không thể thiếu phần thịt heo gồm 3 rảnh sườn sống còn nguyên da, thịt, xương. “Các cụ ngày xưa làm sao, giờ chúng tôi thực hiện y nguyên như vậy”-ông Cần nói.
Tín ngưỡng thờ Ông Hổ của người dân An Khê có từ thời khai sơn, lập địa. Ảnh: Ngọc Minh
Tín ngưỡng thờ Ông Hổ của người dân An Khê có từ thời khai sơn, lập địa. Ảnh: Ngọc Minh
Giống như nhiều đình, miếu khác trên địa bàn thị xã An Khê, miếu vạn An Xuyên (tổ 4, phường Tây Sơn) cũng thờ Ông Hổ. Ngay lối đi vào, dinh Ông Hổ được xây trên một bệ cao; bên trong dinh vẽ hình Ông Hổ oai phong, dũng mãnh. Ông Lê Văn Hoa-Chánh bái Ban nghi lễ miếu An Xuyên-tâm sự: “An Xuyên xưa là xóm vạn chài, sinh sống bằng nghề đánh bắt cá ở sông Ba. Miếu An Xuyên thờ Hà Bá song mong muốn được ông Hổ có sức mạnh phi phàm che chở, cuộc sống được bình an nên dân làng lập dinh thờ. Hàng năm, vào các dịp lễ cúng, người dân trong tổ tụ họp về miếu tổ chức tế lễ theo nghi thức truyền thống. Trước là cúng tạ ơn thần linh, các bậc tiền nhân có công khai phá, lập vạn, cầu mong làm ăn gặp nhiều may mắn, cuộc sống ấm no hạnh phúc, sau đó thì quây quần thụ lộc, chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Nhờ vậy, tình nghĩa xóm giềng ngày thêm gắn kết”.
Trò chuyện với chúng tôi về tục thờ cúng Chúa sơn lâm, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê Dương Thanh Hà cho biết: “Khoảng đầu thế kỷ XVII, vùng đất An Khê-Tây Sơn Thượng đạo đã có sự hiện diện của người Việt đến khai phá đất đai, dựng làng, xã. Cộng đồng dân cư lập những ngôi miếu, đình thờ các vị thần linh. Trong đó, hổ là linh vật được hầu hết các ngôi miếu, đình làng thờ cúng. Việc duy trì hoạt động thờ cúng Chúa sơn lâm là nhu cầu chính đáng của người dân, nhất là trong điều kiện đời sống kinh tế của cư dân gắn liền với núi rừng, nương rẫy. Tục lệ, tín ngưỡng truyền thống này đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người An Khê xưa và nay”.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm