Thời sự - Bình luận

Xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các số liệu thống kê gần đây cho thấy, hành vi chống người thi hành công vụ tại nhiều địa bàn trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động. Tình trạng này không chỉ nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tính nghiêm minh của pháp luật mà còn gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận nên cần kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Người thi hành công vụ là người được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội. Thực tế cho thấy trong nhiều hoàn cảnh hiểm nguy như thiên tai, bão lũ, cháy nổ, phòng, chống tội phạm nguy hiểm,... người thi hành công vụ luôn là lực lượng xung kích ở tuyến đầu để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Ðiều này đúng với tính chất của nền đạo đức công vụ xã hội chủ nghĩa, những người thực thi công vụ ở bất kỳ cấp bậc, chức vụ nào cũng đều là người đầy tớ trung thành của nhân dân, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều không quản ngại khó khăn, vất vả, không ít người đã anh dũng hy sinh, để lại sự khâm phục và niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn xã hội.

Bên cạnh đó, người thi hành công vụ cần được mọi tổ chức, cá nhân và xã hội tạo điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, đáng lo ngại là các hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ đang có chiều hướng diễn biến hết sức phức tạp, gia tăng cả về số vụ, phạm vi ảnh hưởng cũng như mức độ nghiêm trọng.

Hiện nay các hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra nhiều nhất là trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng; đấu tranh, bắt giữ tội phạm ma túy, cờ bạc, buôn lậu; giải quyết vi phạm, cưỡng chế đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; thi hành án dân sự, bảo vệ rừng. Trong đó, hơn 90% số vụ chống người thi hành công vụ là chống lại lực lượng công an.

Hành vi này đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoạt động đúng đắn của các cơ quan công vụ, gây thiệt hại đối với tài sản của Nhà nước; đồng thời trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ cũng như người thân của họ; thể hiện thái độ coi thường pháp luật của một số người dân.

Nổi cộm lên là tình trạng chống đối người thi hành công vụ trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông với nhiều vụ việc diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, manh động và liều lĩnh hơn, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thống kê từ Bộ Công an cho biết, trong năm 2022 đã xảy ra 26 vụ chống người thi hành công vụ, làm 10 người bị thương. Ðặc biệt, chỉ trong vòng 3 tháng (từ 15/11/2022-5/2/2023) cả nước xảy ra 17 vụ chống người thi hành công vụ, làm 12 người bị thương.

Mới đây, ngày 5 và 6/2/2023 tại Vĩnh Phúc, Lào Cai liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến đối tượng điều khiển phương tiện giao thông (xe máy, ô-tô) tông thẳng vào lực lượng chức năng khi bị yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Những vụ việc trên thể hiện rõ sự manh động, tính chất côn đồ, bất chấp hậu quả, coi thường tính mạng người khác và coi thường pháp luật của các đối tượng phạm tội.

Nguyên nhân dẫn đến các hành vi chống người thi hành công vụ thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, ý thức chấp hành luật pháp kém, thậm chí coi thường pháp luật của một số cá nhân người dân. Cá biệt một số đối tượng vi phạm còn có hành vi chống đối quyết liệt lực lượng chức năng nhằm trốn tránh việc bị xử lý. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật về xử lý hành vi chống lại người thi hành công vụ chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng đối tượng vi phạm có thái độ coi thường, bất chấp pháp luật.

Cũng phải thẳng thắn thừa nhận, trong đội ngũ những người thực thi công vụ vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng người thực thi công vụ buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu kém về phẩm chất, năng lực chuyên môn, phong cách làm việc chậm đổi mới, thậm chí có một số cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham nhũng, sách nhiễu người dân.

Tình trạng trên nguy cơ tác động xấu đến dư luận xã hội, tạo ra tình trạng nhờn luật và thói quen cố tình vi phạm pháp luật ở một bộ phận người dân; ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, do đó cần phải kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm. Ngày 17/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 208/2013/NÐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

Trong đó hành vi chống người thi hành công vụ được xác định rõ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao. Hành vi chống người thi hành công vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ được quy định cụ thể tại Ðiều 330 Bộ luật Hình sự (sửa đổi năm 2017).

Trường hợp chống người thi hành công vụ chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 144/2021/NÐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Ðể bảo đảm tính công bằng và sự nghiêm minh của pháp luật, tất cả những hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý, trong đó có cả những hành vi vi phạm pháp luật của những người thực thi công vụ. Ðiều này thể hiện đúng bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Ðề cập hành vi chống người thi hành công vụ cũng cần phân biệt với hành vi cản trở người thi hành công vụ. Hiện nay, trong một số văn bản quy phạm pháp luật chưa có sự tách bạch đối với các hành vi này. Cụ thể trong phần giải thích từ ngữ của Nghị định số 208/2013/NÐ-CP xác định trong hành vi chống người thi hành công vụ bao gồm cả “hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Còn tại Ðiều 21, Nghị định số 144/2021/NÐ-CP quy định về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ nêu rõ: hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 4 triệu đồng. Hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng. Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 6 triệu đến 8 triệu đồng.

Như vậy, ở một số trường hợp, hành vi cản trở người thi hành công vụ cũng đồng nghĩa với hành vi chống người thi hành công vụ, cùng chịu chế tài xử phạt như nhau. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp hành vi cản trở người thi hành công vụ có tính chất, mức độ nguy hiểm thấp hơn hành vi chống người thi hành công vụ và thường chỉ đóng vai trò giúp sức cho đối tượng chống người thi hành công vụ.

Thời gian tới, để góp phần ngăn chặn các hành vi chống người thi hành công vụ cũng như cản trở người thi hành công vụ cần phải kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm; nghiên cứu, xem xét nếu cần thiết có thể tăng nặng chế tài xử phạt để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa trong cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật đến quần chúng nhân dân, nhất là trong giới trẻ.

Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tỉnh táo, không để bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hành vi cản trở hoạt động của lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; nghiêm khắc lên án các hành vi chống người thi hành công vụ. Ðồng thời phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chủ động tham gia ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi chống người thi hành công vụ nói riêng.

Ðối với hoạt động công vụ, cần phải lấy công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm nòng cốt, tuyển chọn những người thực thi công vụ có đầy đủ phẩm chất “tâm-tầm-tài”, gương mẫu, chủ động phát huy tinh thần nêu gương; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những người thực thi công vụ tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cần có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời những người thực thi công vụ có thành tích nổi bật, mưu trí, dũng cảm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tích cực ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại vào công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Ðẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng “Dự án đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông đường bộ phục vụ đảm bảo an ninh trật tự và xử lý vi phạm”, phát huy tính khách quan, chính xác trong xử lý, giải quyết các tình huống liên quan về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh loại tội phạm này...

Có thể bạn quan tâm