Thời sự - Bình luận

Mệnh lệnh đổi mới sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nghiên cứu báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sắp tới, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại là chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội nhiều khả năng không đạt kế hoạch năm thứ 3 liên tiếp, trong khi đây là một trong những chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng trung thực nhất.

Theo đó, mục tiêu tăng năng suất lao động xã hội 5%-6% năm 2023 được Chính phủ đánh giá là khó đạt và chỉ xác định “sẽ phấn đấu đạt mức cao nhất”.

Dự kiến kế hoạch năm 2024 cũng khá thận trọng với tốc độ tăng bình quân 4,8%-5,3%. Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội diễn ra tuần trước, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về vấn đề này để xác định, triển khai những giải pháp toàn diện và căn cơ.

Thống kê thị trường lao động tính đến cuối quý 3-2023 cho thấy, mặc dù số lượng lao động tìm được việc làm nói chung có xu hướng tăng, song thị trường lao động phát triển không bền vững, công việc của người lao động bấp bênh, điều kiện làm việc không bảo đảm và thu nhập thấp. Tỷ lệ thiếu việc làm trong quý 3 không thay đổi so với quý 2 và tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó người lao động ở khu vực công nghiệp và xây dựng chịu tác động lớn nhất. So với quý 2, thất nghiệp quý 3 tăng về số lượng. Đời sống của người lao động chậm được cải thiện; thu nhập bình quân quý 3 chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 6,7%)… Qua đó càng thấy trong bối cảnh này thì vấn đề tăng suất lao động xã hội là một nhiệm vụ đầy thách thức.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 30 năm qua, việc phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động đã đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình. Hiện tại, 2 yếu tố này vẫn là động lực tăng trưởng chính cho sự phát triển của nền kinh tế, song đã có những dấu hiệu khá rõ ràng về “bẫy” năng suất lao động trung bình.

Nhìn sang Malaysia và Thái Lan - những nền kinh tế có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, có thể thấy mối quan ngại này là hoàn toàn có cơ sở. Hai quốc gia này từng có những bước đi ngoạn mục vào cuối thế kỷ 20 với mức tăng năng suất ấn tượng là 5,6%-16,3%/năm (giai đoạn 1989-1999), song đã chững lại từ sau thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á và ì ạch đến nay. Theo TS Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP, nếu tiếp tục duy trì được tốc độ này đến nay thì 2 quốc gia trên sẽ trở thành những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, kể từ Thế chiến thứ 2.

Nguyên nhân chính là các nước nói trên đã không nâng cấp chiến lược phát triển, chậm tận dụng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; chủ yếu theo đuổi chiến lược tăng năng suất bằng sản phẩm xuất khẩu giá trị thấp và thất bại trong việc ứng dụng phát minh để có những thay đổi bài bản trong ngành công nghiệp.

Nếu coi nâng cao năng suất lao động là “mệnh lệnh của đổi mới”, theo cách nói của TS Vũ Tiến Lộc, thì giải pháp thực hiện mệnh lệnh này không xa lạ. Đó là chú trọng nâng chất thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp làm ăn kinh doanh đúng pháp luật, đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo… Tất nhiên, giải được những “đề bài” ấy không dễ - ví dụ dễ thấy là chi phí cho nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam hiện nay mới xấp xỉ 1/2 so với Thái Lan, Malaysia và bằng 1/3 so với Trung Quốc. Và quan trọng nhất vẫn là khâu triển khai thực hiện, chuyển hóa các giải pháp thành kết quả cụ thể.

Có thể bạn quan tâm