Bà Nguyễn Đinh Thị Mỹ Lai-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện-cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu của người dân. Qua đào tạo nghề, học viên nắm vững nguyên tắc cơ bản của từng ngành nghề mà mình đăng ký nên hiệu quả mang lại khá rõ rệt, nhiều lao động có việc làm với thu nhập ổn định.
Năm 2023, Trung tâm mở 8 lớp sơ cấp nghề cho lao động nông thôn với quy mô 30-35 học viên/lớp thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 2 lớp dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của Chương trình giảm nghèo bền vững; 2 lớp cho công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang với 140 học viên.
Các nghề đào tạo chủ yếu đáp ứng nhu cầu của người học như: chăn nuôi, thợ nề, kỹ thuật cắt may, cạo mủ cao su… Thời gian học vào các buổi sáng sớm, chiều tối để học viên tranh thủ vừa học, vừa làm.
“Năm 2024, Trung tâm dự kiến mở 6 lớp sơ cấp, chủ yếu là một số ngành nghề như: điện dân dụng, máy nông nghiệp, nề với khoảng 150 học viên; đồng thời, mở 5 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với khoảng 200 học viên”-bà Lai thông tin.
Sau 3 tháng theo học lớp nghề xây dựng, anh Nhưh (làng Adơk Kông, xã A Dơk) đã biết xây một số công trình phụ. Trước đây, nhiều lần anh theo đội xây dựng ở làng nhưng chỉ làm thợ trộn hồ. Đầu tháng 4-2023, khi Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp xây dựng, anh đã đăng ký học.
“Qua khóa học, mình biết xây một đoạn tường thẳng, biết căn góc và một số phần việc đòi hỏi kỹ thuật khó, mình chịu khó học hỏi nên đã làm được”-anh Nhưh chia sẻ.
Người dân xã Hnol (huyện Đak Đoa) trong một buổi thực hành sửa chữa máy nổ công suất nhỏ. Ảnh: P.N |
Tương tự, sau khi học xong lớp cắt may cơ bản, chị Ksor H’Linh (làng Đê Gôh, xã Đak Sơ Mei) đã tìm được việc làm tại một công ty ở TP. Hồ Chí Minh. “Nhờ được học nghề nên khi vào công ty không cần phải đào tạo lại. Công việc cũng ổn định, thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng. Mình vui lắm, cuộc sống giờ cũng đỡ vất vả hơn trước”-chị H’Linh bày tỏ.
Còn anh Rơ Châm Thưih (thôn Đak Mong, xã Đak Krong) thì thông tin: “Trước đây, mình trồng lúa ít bỏ phân, thường gieo sạ dày nên năng suất chỉ thu được 3-4 tấn/ha/vụ. Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng lúa, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, làm cỏ, bón phân nên năng suất cây trồng tăng lên, lúa đạt 6-7 tấn/ha/vụ”.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Hiện nay, số người trong độ tuổi lao động của huyện là 73.236 người. Từ nguồn ngân sách huyện và các chương trình mục tiêu quốc gia, Phòng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Năm 2024, huyện phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 1.500 lao động; trong đó, phấn đấu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 50 người; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động qua đào tạo đạt 51,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28% so với tổng số lao động đã qua đào tạo.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Ơng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-nhấn mạnh: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và người lao động về vai trò của học nghề, lao động việc làm trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.
Tăng cường liên kết đào tạo nhằm đa dạng hóa ngành nghề, hình thức, trình độ đào tạo. Thực hiện tốt công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong các nhà trường THCS, THPT.
Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.