Thời sự - Bình luận

Nhân sự đặc biệt Đại hội Đảng XIII: Có đức, có tài, được dân tin yêu thì cớ gì không tiếp tục?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chuyện trẻ hoá lãnh đạo luôn là chuyện lớn, là đúng và cần thiết. Nhưng nếu trẻ mà thiếu tầm nhìn và bản lĩnh chính trị yếu thì với một dân tộc, một quốc gia, đó là tai họa. Càng ở vị trí cao nhất, sẽ lại càng cần người dày dặn kinh nghiệm và bản lĩnh như thế.

Trong vài nhiệm kỳ trước đây, chuyện "con anh, con tôi dung giăng dung dẻ" cùng dắt tay nhau bước vào nguồn cán bộ quy hoạch cho dù còn rất non có lẽ khá phổ biến, khiến dư luận không tán đồng. Chuyện này gần như chấm dứt trong các cấp đại hội từ dưới cơ sở trong nhiệm kỳ bầu vừa qua, nhất là ở cấp chiến lược trong toàn hệ thống chính trị nước nhà thì càng khó thấy với người chưa xứng đáng.

Chuyện trẻ hoá lãnh đạo luôn là chuyện lớn, là đúng và cần thiết. Nhưng nếu trẻ mà thiếu tầm nhìn và bản lĩnh chính trị yếu thì với một dân tộc, một quốc gia, đó là tai họa. Càng ở vị trí cao nhất, theo tôi, sẽ lại càng cần người dày dặn kinh nghiệm và bản lĩnh như thế.    

Nhiệm kỳ vừa qua, có thể đâu đó vẫn còn rơi rớt kiểu như trường hợp nhân sự là con lãnh đạo cao nhất tỉnh được bầu vào vị trí đứng đầu một địa phương thuộc tỉnh nọ. Thế nhưng tiếc rằng kiến thức, năng lực của nhân sự đó đều chưa được thử thách, và sau đó báo chí lên tiếng, cấp trên có chỉ đạo xuống khiến địa phương phải xem lại và chuyển sang công tác khác chỉ sau ít ngày. Điều này cho thấy, xã hội hôm nay  không thể chấp nhận và Đảng cũng không ủng hộ những trường hợp như vậy.

Bên cạnh đó, tiếp nối kinh nghiệm của các khoá trước, Đảng ta cũng rất sáng suốt khi cân nhắc các "trường hợp đặc biệt" được tham gia Trung ương, tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư diện cao tuổi (đôi chút) so với quy định, ví dụ như tham gia Trung ương lần đầu, ở lại Trung ương thêm khoá nữa hoặc tiếp tục tham gia Bộ Chính trị để đảm đương vị trí chủ chốt trong bộ máy.

Sự linh hoạt, uyển chuyển và không cứng nhắc đó sẽ giúp Đảng có được người tài, đức nổi trội qua công tác được tiếp tục công hiến cho Đảng, cho dân, và điều đó chỉ có lợi cho đất nước và chế độ.

Về trường hợp đặc biệt trong nhân sự Đại hội XIII lần này, ông Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương vừa cho biết, các trường hợp đặc biệt là  xuất phát từ tình hình thực tiễn, là căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là trên cơ sở sự tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng, trong nhân dân và yêu cầu, đòi hỏi của các vị trí, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lĩnh vực công tác trọng yếu ở các cơ quan của T.Ư Đảng và cơ quan Nhà nước.

2 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự phiên họp trù bị Đại hội XIII của Đảng. (Nguồn: TTXVN)

"Ban Chấp hành T.Ư khóa XII đã cân nhắc thận trọng, xem xét tổng thể, thực hiện quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan và đã thống nhất cao lựa chọn một số đồng chí thuộc trường hợp "đặc biệt", cả với nhân sự tái ứng cử và lần đầu tham gia, để trình Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Ban Chấp hành T.Ư khoá XIII xem xét, lựa chọn bầu tham gia Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị khóa XIII", ông Mai Văn Chính nói.

Trong thực tế lịch sử Đảng ta, vào những thời khắc quan trọng và khó khăn khi lựa chọn nhân sự gánh vác trọng trách lớn lao của Đảng, chúng ta cũng đã từng chứng kiến những trường hợp được Đảng tin tưởng  đề nghị đứng ra gánh vác trọng trách đứng đầu, như cố Tổng Bí thư Trường Chinh thay vị trí của TBT Lê Duẩn qua đời (1986) khi đã rất gần với ngày Đại hội.

Với tầm nhìn và trí tuệ xuất thần của một nhà lý luận cách mạng cự phách và đầy kinh nghiệm lãnh đạo (với cả những thành công và không thành công), Đảng ta ngày đó, dưới sự lãnh đạo của TBT Trường Chinh -  vị Kiến trúc sư trưởng của sự nghiệp Đổi mới, đã kịp thời điều chỉnh một sô nội dung quan trọng trong văn kiện Đại hội VI để đưa đất nước ta xoá bỏ chế độ bao cấp, kế hoạch hoá xưa cũ, lạc hậu từng kìm hãm quá lâu sự phát triển của đất nước để bước vào thời kỳ Đổi mới và coi đó như một mệnh lệnh tối thượng của dân tộc Việt Nam: Đổi mới hay là chết?  Và chúng ta đã thành công như đã thấy. Tầm nhìn nổi trội của nhà lãnh đạo kiệt xuất Trường Chinh khi đó đã 79 tuổi quả thật là câu chuyện rất đáng nể phục.

Trong Đảng ta suốt gần thế kỷ qua cũng lúc có nhiều lúc khó khăn, thử thách. Song, càng lúc khó khăn, thử thách ác liệt bao nhiêu lại xuất hiện những nhân cách lớn, những người có trí tuệ và bản lĩnh đặc biệt nổi trội mà nhiều khi không dễ tìm ra người trẻ để thay thế. Giữ vững mối đoàn kết trong Đảng, sự tin tưởng và  kính trọng người đứng đầu Đảng là một trong những căn nguyên giúp Đảng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong nhiệm kỳ Khoá XII , dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chỉ trong một thời gian ngắn tuyên chiến với tham nhũng, thất thoát lãng phí, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, Đảng ta đã lấy lại niềm tin lớn lao, nhanh chóng đến ngỡ ngàng trong mắt người dân và trong các đảng viên trung kiên. Người ta nhận xét chắc cũng không sai khi nói rằng trong cả chục khoá trước cộng lại, số cán bộ lãnh đạo thuộc diện Trung ương, BCT, BBT quản lý cũng chưa chắc bằng con số Đảng viên là lãnh đạo bị xử lý kỷ luật và hình sự nhiều như nhiệm kỳ XII.

Thật có lý khi chúng ta biết được "những con số biết nói" như đã xử lý kỷ luật  và khởi tố  110 cán bộ cả đương chức hoặc nghỉ hưu thuộc diện Trung ương quản lý trong đó có 24 Uỷ viên Trung ương và nguyên UVTƯ, 4 UV Bộ Chính trị và nguyên UV BCT, 26 sỹ quan cấp tướng trong Quân đội và Công an... Các vụ án đã xét xử thu về hoặc đang tạm giữ khoảng 59 ngàn tỷ đồng ... Nếu chúng ta không dùng hai từ "kỳ tích" trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để nói về điều này thì nên gọi là gì cho xứng đáng? Nhất lại là thời điểm mà chính thứ bệnh nan y nói trên đang có nguy cơ phá nát cả chế độ và thành quả cách mạng của chúng ta?

Đạt thành tựu kinh tế xã hội với mức tăng trưởng dương trên 2,9% cho dù vướng phải đại dịch Covid-19 toàn cầu, Việt Nam được thế giới coi như một điểm sáng rất đáng học tập. Thành tựu nói trên, nếu không có Đảng lãnh đạo chặt chẽ về chủ trương và Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm điều hành thì thử hỏi làm sao có được?

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã tới. Chưa khi nào tập thể những người lãnh đạo Đảng, mà cụ thể là BCH Trung ương, khi dành thời gian  để họp nhằm rà soát lại các công tác lần cuối được dự kiến họp 3 ngày (16-18/1), nhưng mới chỉ sau 1 ngày rưỡi đã kết thúc. Đây cũng chính là minh chứng cho sự đoàn kết trong Đảng đặc biệt là công tác chuẩn bị nhân sự.

Chúng ta càng thêm tin tưởng vào sự thành công của Đại hội XIII trong các bước công tác mà BCT, BBT và tập thể BCH Trung ương Đảng Khoá XII đã chủ động thực hiện và đã làm rất tốt.



https://danviet.vn/nhan-su-dac-biet-dai-hoi-dang-xiii-co-duc-co-tai-duoc-dan-tin-yeu-thi-co-gi-khong-tiep-tuc-20210125111018945.htm

Theo Quốc Phong (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm