Thời sự - Bình luận

Quan hệ Mỹ-Trung vẫn trong "vũng lầy"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vừa có cuộc hội ngộ tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại đảo Bali của Indonesia hôm 9-7. Việc duy trì đối thoại là một trong những điểm nhấn trong chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Trung Quốc, song nó cũng khó che đậy được thực tế rằng chính sách này đang gặp vấn đề nghiêm trọng.

 

Thứ nhất, Tổng thống Biden chưa bước ra khỏi “vũng lầy” từ thời Donald Trump trong quan hệ với Trung Quốc. Do đó, ngay cả khi Trump rời khỏi chính trường, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn không thể quay trở lại mức bình thường. Chính quyền Biden không thể không làm gì để đảo ngược hệ sinh thái chính trị của đất nước và dư luận đối với Trung Quốc. Chẳng hạn như chính quyền Biden đã không loại bỏ các loại thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump.

Các mức thuế thái quá này là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm phát đang bùng nổ thời gian gần đây tại Mỹ. Chỉ số CPI đã tăng lên 8,6% trong tháng 5-2022. Các chuyên gia của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng việc cắt giảm thuế quan sẽ không chỉ làm giảm chi phí nhập khẩu và nguyên liệu thô mà còn thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước giảm giá để cạnh tranh. Việc cắt giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc rốt cuộc sẽ giúp lạm phát giảm 1 điểm phần trăm, đồng nghĩa với việc tiết kiệm hàng trăm USD cho mỗi gia đình Mỹ. Trong bài phát biểu hôm 26-5 về chính sách đối với Trung Quốc, Biden đã tiếp tục đường lối gây hấn của mình khi phân biệt “Đảng Cộng sản Trung Quốc” với “người dân Trung Quốc”.

Thứ hai, chính quyền Biden đang chìm trong một câu chuyện hoang tưởng chiến lược mới về chính sách đối với Trung Quốc. Nếu như chính sách của Biden với Bắc Kinh nhẹ nhàng hơn so với chính sách của Mỹ cuối thời Trump thì vẫn không đánh bại được tâm lý vị kỷ. Một mặt, chính quyền Biden nhấn mạnh hơn bao giờ hết tính ưu việt của hệ tư tưởng Mỹ và phóng đại sự đối đầu về ý thức hệ trong việc đối phó với Trung Quốc. Cuộc đối đầu về ý thức hệ, mặc dù hỗ trợ được Washington tái cấu trúc lại phe phương Tây của mình, song còn lâu mới kích động được một cuộc chiến tranh lạnh mới chống lại Bắc Kinh trong cộng đồng quốc tế vì những thành tựu phát triển chưa từng có và các cơ chế hợp tác rộng mở của Trung Quốc.

Mặt khác, chính quyền Biden tập trung quá nhiều vào sự cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc. Là 2 quốc gia có ảnh hưởng nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ đã nảy sinh những khác biệt và tranh chấp. Mặc dù chính quyền Biden nhắc lại rằng họ không có ý định tham gia vào một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc, cuộc cạnh tranh chiến lược mà họ đang định hình đang đẩy thế giới đến một bờ vực bất ổn và xáo trộn.

Xét trên mọi khía cạnh, các liên minh mà Mỹ gây dựng lại đều dựa trên cái gọi là các quy tắc và giá trị chung chẳng có ý nghĩa gì với một cái vòng luẩn quẩn chiến lược mà mục tiêu là bao vây Trung Quốc. Một phương thức hoạt động như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến sự phản kháng của Trung Quốc, ngoài việc phá hoại trật tự quốc tế tự do mà Mỹ đã phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nó thậm chí có thể gây ra những cuộc biến động toàn cầu mới.

Cơ hội để Biden để cải thiện chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đang dần khép lại. Các thành viên Đảng Dân chủ, chỉ với một lợi thế sít sao trong Quốc hội, gần như chắc chắn sẽ thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới. Nếu Đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ thì chính quyền Biden sẽ phải đối mặt với nhiều hạn chế trong chính sách đối ngoại.

Thêm vào đó, Mỹ bắt đầu nhận lấy những hậu quả từ lệnh trừng phạt mà nước này áp đặt lên các công ty công nghệ cao của Trung Quốc. Các biện pháp này đã thôi thúc phía Trung Quốc nỗ lực để khắc phục và điều này khiến giới doanh nghiệp Mỹ đánh mất thị phần. Việc 4 hãng hàng không của Trung Quốc đã đặt hàng tổng cộng 292 máy bay từ Airbus trong một thỏa thuận trị giá 37 tỷ USD hồi đầu tháng này là lời cảnh báo cho Mỹ.

Về quan điểm, Tổng thống Mỹ Joe Biden chọn cách tiếp cận “3 điểm” trong quan hệ với Trung Quốc. Đó là hợp tác ở những lĩnh vực hai bên có lợi ích chia sẻ, cạnh tranh nếu điều đó là cần thiết và đối đầu nếu như bắt buộc phải làm vậy để bảo vệ lợi ích của Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, theo các nhà bình luận quốc tế, mối quan hệ Mỹ-Trung hiện cũng đối mặt với 3 vấn đề nan giải: mâu thuẫn về ý thức hệ; cuộc chiến về thương mại và công nghệ; cuộc cạnh tranh về địa chính trị. Và sau hơn 1/3 nhiệm kỳ của mình, ông Biden vẫn chưa thể rời khỏi “vũng lầy” do người tiền nhiệm để lại trong mối quan hệ với Trung Quốc.

 

ĐỨC AN

 

Có thể bạn quan tâm